Thượng nghị sĩ đảng Lao động Sam Dastyari mới đây đã từ nhiệm sau khi xác nhận ông đã có được sự hỗ trợ tài chính trong việc trả một hóa đơn đi công tác.
Bản khai này cho thấy, khoản thanh toán này do Tổ chức Top Education Institute thực hiện, một công ty có liên hệ với Trung Quốc.
Phía Chính phủ thì nói đây không được xem là khoản tài trợ chính trị, mà là một khoản thanh toán cá nhân trực tiếp khác cho Thượng nghị sĩ Dastyari, và Chính phủ muốn Lao động phải khai trừ ông.
Có những tiết lộ rằng ông Dastyari có những thỏa thuận tài chính khác với các công ty có mối liên hệ với Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Đài ABC, Tổng Chưởng lý George Brandis nói, vấn đề của ông Sam Dastyari không liên quan gì đến việc cải cách luật tài trợ, và ông Dastyari cần phải ra đi.
“Vấn đề nằm ở chỗ Thượng nghị sĩ Dastyari. Tôi cho rằng ở đây có sự nhầm lẫn, khoản thanh toán cho Thượng nghị sĩ Dastyari không phải là khoản tài trợ, mà đó là một món quà. Đó là khoản thanh toán một món nợ cá nhân, do một công ty có mối liên hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc trả vào tài khoản ngân hàng. Cái chúng ta thấy ở đây là Thượng nghị sĩ Dastyari đã nhận món tiền đó, việc đó chẳng khác nào có một người đưa cho ông ấy một nắm tiền và ông ấy cứ thế cho vào túi.”
Cũng đã có những tiết lộ rằng ông Dastyari có những thỏa thuận tài chính khác với các công ty có mối liên hệ với Trung Quốc.
Hồi năm 2013, ông Dastyari đã nhận một khoản tiền $40,000 từ tập đoàn Yuhu Group để thanh toán những phí tổn pháp lý, mà khi đó ông Dastyari bị kiện trong một vụ tranh chấp với một công ty quảng cáo.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Cơ quan Quốc tế của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã chi trả cho hai chuyến đi của ông Dastyari đến Trung Quốc.
Nhưng phát ngôn nhân về những vấn đề pháp lý của Lao động, ông Mark Dreyfus thì bác bỏ những yêu cầu đòi Thượng nghị sĩ Dastyari phải từ nhiệm, ông nhấn mạnh rằng ông Dastyari đã khai báo đầy đủ và không vi phạm luật.
Ông Dreyfus nói rằng Tự do có thể ban hành luật cấm những khoản tài trợ từ nước ngoài rất dễ dàng.
"Đảng Xanh đã cho thấy họ đã chuẩn bị để thông qua luật cấm các khoản tài trợ từ nước ngoài. Lao động đã có đề xuất đó từ rất lâu rồi, kể từ lần bầu cử trước. Chúng tôi còn có một loạt những đề xuất khác về vấn đề cải cách minh bạch liên quan đến các khoản tài trợ ấy. Đây là lúc mà Đảng Tự do phải tham gia để minh bạch hóa các khoản tài trợ trong các công tác chính trị.”
Ông Dreyfus đang yêu cầu Chính phủ xem xét các cáo buộc cho rằng Ngoại trưởng Julie Bishop nhận hơn $500,000 từ tiền tài trợ có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc.
Tài liệu của Ủy ban bầu cử Úc cho thấy từ năm 2013 đến năm 2015, Liên đảng và Lao động đã nhận hơn $5 triệu tiền tài trợ chính trị từ các nguồn ở nước ngoài.
Lãnh đạo đảng Xanh Richard Di Natale nói rằng đã có một bộ quy tắc dành cho Chính phủ và một bộ quy tắc khác dành cho đảng đối lập.
“Có thể là chuyện hợp lý khi đầu tư nước ngoài trao hàng trăm ngàn đô la cho một đảng chính trị, thí dụ như đảng Tự do Tây Úc, điều đó không sao. Nhưng một công ty nước ngoài trả tiền cho một hóa đơn, thì điều đó không hợp lý chút nào.”
Thượng Nghị sĩ đảng Tự do Cory Bernardi thì nói các khoản tài trợ chỉ nên được chấp nhận từ phía cử tri, và ông đứng về phe Liên đảng trong vấn đề này.
Thủ lãnh Lao động Bill Shorten nói ông Turnbull cần lắng nghe những ý kiến kêu gọi sự thay đổi đang ngày một gia tăng.
“Rất nhiều người đã cho rằng đã đến lúc cần phải có hành động. Tôi được biết Thượng nghĩ sĩ đảng Tự do Bernardi, dân biểu Craig Laundy, các thành viên khác của đảng Tự do cũng đồng ý rằng chúng ta cần có luật cấm tài trợ từ nước ngoài. Đảng Xanh cũng đã tham gia, mặc dù trước đây họ phản đối một số điều khoản cải cách. Như vậy, tổng cộng chúng ta có các Thượng nghị sĩ hàng ghế sau, một số của hàng ghế trước, có đảng Xanh, và có Lao động cũng đang kêu gọi yêu cầu cải cách và ban hành luật cấm tài trợ từ nước ngoài.”
Thượng nghĩ sĩ đảng Dân chủ Tự do David Leyonhjelm thì nói chẳng có gì sai khi chấp nhận các khoản tài trợ nước ngoài mà vấn đề ở đây là sự minh bạch và phải khai báo.
Thượng nghị sĩ Leyonhjelm nói điều quan ngại của ông là nếu có thêm nhiều tài trợ chính trị bị phát hiện, thì người đóng thuế sẽ bị buộc phải đóng góp nhiều hơn.
Tài liệu của Ủy ban bầu cử Úc cho thấy từ năm 2013 đến năm 2015, Liên đảng và Lao động đã nhận hơn $5 triệu tiền tài trợ chính trị từ các nguồn ở nước ngoài.