Thủ tướng Boris Johnson từ lúc lên nhậm chức nhiều chuyện đã xảy ra không theo ý của ông.
Nhưng lần đầu tiên các dân biểu trong Hạ viện đã tỏ ý sẽ chấp thuận kế hoạch Brexit của chính phủ nhưng muốn có thời gian để thảo luận thêm nữa.
Ông Johnson nói ông cũng sẽ tạm dừng kế hoạch của chính phủ.
"Thưa ông chủ tịch tôi phải bày tỏ sự thất vọng khi Hạ viện một lần nữa trì hoãn thay vì đưa ra thời khóa biểu bảo đảm Anh quốc có thể ra khỏi Liên minh Âu châu vào ngày 31 tháng 10 với một thỏa thuận."
"Chúng ta vì vậy đối mặt với một sự bất định và EU nay phải quyết định có chấp nhận không yêu cầu được trì hoãn Brexit.”
Tuy nhiên ông Johnson hài lòng là quốc hội nay sẽ thảo luận lần thứ nhì.
"Tôi hoan nghênh việc đó thưa ông chủ tịch, thậm chí là vui nữa khi lần đầu tiên hạ viện nhận trách nhiệm là cùng làm việc để có được một thỏa thuận."
Thủ lãnh đảng Lao động đối lập, ông Jeremy Corbyn, hoan nghênh hạ viện đã không chịu hoàn thành việc thảo luận một dự luật quan trọng như thế này chỉ trong vòng hai ngày. Ông Corbyn nói trì hoãn là cơ hội để có một thỏa thuận đúng đắn.
"Vì vậy tôi đề nghị với thủ tướng là hãy cùng làm việc với chúng tôi, với tất cả chúng ta để đồng ý một thời khóa biểu hợp lý. Tôi tin rằng hạ viện sẽ xem xét và sửa đổi chi tiết của dự luật. Đó là cách hợp lý để tiến tới và đó là đề nghị của phe đối lập."
Nhưng ông Johnson không trả lời ông Corbyn. Trước đó cố vấn cao cấp của chính phủ, ông Dominic Cummings cho biết chính phủ đã tính đến chuyện tổ chức tổng tuyển cử.
"Nếu quốc hội tiếp tục trì hoãn bằng cách bác bỏ dự luật và EU đồng ý cho trì hoãn cho đến 31 tháng 1 năm sau, thì chúng tôi sẽ rút lại kế hoạch Brexit. Như vậy quốc hội không còn chuyện gì để làm và chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử trước Giáng sinh."
"Chúng tôi sẽ không phí phạm thêm nhiều tháng nữa khi mà hạ viện muốn phí phạm năm 2020 với trưng cầu dân ý về Brexit và Scotland," ông Cummings nói.
Bình luận gia của báo Financial Times, Sebastian Payne, nói với BBC là hạ viện đồng ý thảo luận lần thứ nhì dự luật Brexit có ý nghĩa quan trọng nhưng vẫn còn mất thời gian để nó trở thành luật.
"Đây là lần đầu tiên kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu muốn ra khỏi EU các dân biểu đồng ý với một thỏa thuận, và chính phủ thắng với 30 phiếu, là một đa số đáng kể cho một dự luật rắc rối thế này."
"Hiện có 19 dân biểu Lao Động ủng hộ kế hoạch Brexit của chính phủ, nhưng chưa chắc họ vẫn ủng hộ khi dự luật được thảo luận lần thứ hai hay lần thứ ba, và lần cuối. Đó mới là lần bỏ phiếu quyết định."
Chủ tịch hội đồng EU Donald Tusk cho biết ông sẽ khuyên các lãnh đạo EU hãy cho Anh quốc gia hạn bởi vì khả năng ra khỏi EU vào ngày 31/10 với một thoả thuận là không kịp rồi.
Nhưng khả năng Anh quốc rời khỏi EU đúng kỳ hạn mà không có thỏa thuận càng lúc càng gia tăng.