Sinh viên Avishek, 24 tuổi, người Nepal, 3 năm trước lần đầu tiên anh đặt chân đến Sydney để theo học ngành kế toán.
Để trang trải tiền học và sinh hoạt phí, anh đã tìm một công việc làm thêm là phụ bếp tại một nhà hàng.
Thế nhưng anh cho biết là anh đang bị trả tiền lương thấp dưới mức quy định, nhưng chưa bao giờ dám lên tiếng vì sợ mất việc.
“Tôi chưa bao giờ được trả lương đúng với số tiền mà đáng lẽ tôi phải được nhận. Tôi cũng chưa bao giờ dám nói điều này với bất cứ ai vì tôi biết tôi cần phải có công việc để trả tiền học phí và các chi phí khác để sinh sống.”
Trường hợp của Avishek không phải là hiếm, theo Fair Work Ombudsman, cơ quan này cũng cho hay sinh viên quốc tế chiếm một lượng đáng kể trong các đơn khiếu nại gửi đến đây.
Vào tài khóa trước, gần một nửa các trường hợp khiếu nại được Fair Work Ombudsman đưa lên tòa án đều liên quan đến những người giữ visa tạm trú.
Một phần ba số này là các sinh viên quốc tế.
Theo bà Natalie James thuộc Fair Work Ombudsman, bà e ngại rằng vẫn còn rất nhiều trường hợp đang bị bóc lột nhưng chưa dám lên tiếng.
“Chúng tôi cũng biết họ ngần ngại lên tiếng tố cáo vì lo sợ những rắc rối liên quan đến visa, và chúng tôi đặc biệt quan ngại cho các sinh viên quốc tế, vì chúng tôi đã được biết về nhiều trường hợp bị bóc lột nghiêm trọng.”
Sinh viên quốc tế chỉ được phép làm việc tối đa 20 tiếng mỗi tuần.
Nhưng theo Bijay Sapkota, Chủ tịch Hội đồng sinh viên quốc tế Úc, thì sinh viên thường làm nhiều hơn thế để trang trải các chi phí sinh hoạt.
“Phần lớn các sinh viên quốc tế phải tự trả tiền chỗ ở, tiền sinh hoạt phí rất đắt đỏ đối với họ, điều này khiến họ phải làm việc hơn 20 tiếng mỗi tuần mới kiếm đủ số tiền cần thiết.”
Theo Ombudsman, những chủ nhân đã tận dụng điều này để đe dọa nhân công giữ im lặng.
Như trường hợp của sinh viên Avishek.
“Nếu tôi làm hơn 20 tiếng, điều đầu tiên tôi nghĩ đến, đó là tôi sẽ bị trục xuất khỏi Úc, và tôi biết các sinh viên quốc tế khác cũng nghĩ như vậy.”
Các công trình nghiên cứu do Fair Work Ombudsman nhờ thực hiện đã phát hiện ra rằng nhiều sinh viên quốc tế không biết các quyền hạn của họ theo các luật lệ tại nơi làm việc ở Úc cũng như không biết đến đâu để nhờ được giúp đỡ.
Một số các sinh viên đã nói với người thực hiện cuộc nghiên cứu rằng họ đã bị các chủ nhân doạ nạt, đe doạ trục xuất hay ghi tên vào “sổ đen” đối với các công việc trong tương lai nếu họ khiếu nại.
Chính nỗi lo sợ của sinh viên đã khiến Ombudsman phải thực hiện một chiến dịch mới, thúc giục sinh viên quốc tế gửi đơn khiếu nại.
Bà James cho hay, chiến dịch này nhằm để giúp sinh viên hiểu rằng, visa của họ sẽ không bị ảnh hưởng nếu họ lên tiếng tố cáo.
“Tôi có thể cam đoan với tất cả các sinh viên quốc tế, nếu các bạn không được trả lương đúng luật, các bạn hãy đến khiếu nại với Fair Work Ombudsman hoặc nhờ giúp đỡ, và chúng tôi sẽ bảo đảm visa của các bạn sẽ không bị ảnh hưởng.”
Ombudsman muốn người lao động hiểu được quyền của mình cũng giống như những lao động khác ở Úc.
Đối với lao động thời vụ, mức lương quy định tối thiểu là $22.86/giờ.
Nhân viên cũng cần phải biết rằng họ có được trả tiền phụ trội nếu làm ngoài giờ hay không.
Bà James khuyến khích tất cả các sinh viên quốc tế hãy tìm hiểu bằng cách vào trang mạng của Fair Work Ombudsman trong đó có thông tin bằng 30 ngôn ngữ khác nhau.
Các sinh viên quốc tế nhờ được giúp đỡ có thể vào trang mạng hay gọi cho Fair Work Infoline qua số 13 13 94 hay Dịch vụ Thông Phiên Dịch qua số 13 14 50.
Dưới đây là bảng liệt kê một số các vụ gần đây được Fair Work Ombudsman điều tra liên quan đến các sinh viên quốc tế: