Yêu cầu bồi thường cho trẻ em Anh Quốc di dân qua Úc từ 1940 - 1970

David Hill, left, and other former child migrants hear an apology in 2010

David Hill, left, and other former child migrants hear an apology in 2010 Source: AAP

Hàng ngàn trẻ em di dân bị cưỡng bách đưa từ Anh Quốc sang Úc, có thể được chính phủ Anh bồi thường về tài chính. Nhân chứng còn sống sót khẳng định chuyện lạm dụng tình dục xảy ra rất phổ biến với họ trong các cơ sở di dân hồi đó.


Những người không may mắn được nhắc đến trong bản phúc trình là những đứa trẻ bị cho là mất tích ở Anh Quốc.

Giữa những năm 1940 và thập niên 70 thế kỷ trước, hàng ngàn trẻ vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn được người ta hứa hẹn sẽ có cuộc sống tốt hơn ở những quốc gia như Canada, Zimbabwe, New Zealand và Úc.

Thế nhưng, thay vào đó, điều họ nhận được lại là cảnh sống khốn khổ.
"Không có thứ gì, không gì cả, có thể xóa đi những ám ảnh khủng khiếp đối với một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, nhưng việc thừa nhận, bồi thường cũng là một cách nhìn nhận hữu hình về những điều khủng khiếp đã xảy ra với họ,” nạn nhân David Hill
Bị lạm dụng tình dục

Cựu giám đốc điều hành ABC, David Hill, là một trong số 4,000 người được gửi đến Úc từ thời thơ ấu và ông đã thẳng thắn nói về những nỗi khó khăn của mình.

“Lạm dụng tình dục ở các cơ sở chăm sóc di dân trẻ em này không chỉ là trường hợp cá biệt, một hành động độc ác, xấu xa của một số nhân viên thối nát đối với nạn nhân không may mắn, mà nó là tình trạng quá phổ biến,” ông Hill nói.

Khi ông Hill lên 12 tuổi thì ông và hai người anh em trai của ông được đưa đến trường Fairbridge Farm ở Tây Úc.

Những hậu quả sau những lần bị lạm dụng đối với ông và những người khác đã được tiết lộ hồi năm ngoái, trong một cuộc điều tra độc lập ở Anh Quốc đối với chương trình di trú áp dụng cho trẻ em.

Xuất hiện trong cuộc điều tra, ông Hill vẫn còn vô cùng đau đớn khi đưa ra các bằng chứng trước tòa.

"Điều thứ hai tôi hy vọng cuộc điều tra này có thể làm được là thúc đẩy giúp cho mọi người hiểu rõ hơn nữa về những hậu quả lâu dài và nỗi đau đớn của những người bị lạm dụng tình dục.”

“Nhiều người đã không bao giờ còn trở lại được bình thường nữa,” ông Hill nói.

Một nạn nhân khác tên Norman Johnston, chủ tịch của Hiệp hội Cựu Trẻ em di dân quốc tế, đã nói BBC rằng Chính phủ Anh Quốc biết về những gì đang xảy ra thời đó.

"Họ biết những vấn đề xảy ra ở Úc, cái nơi mà họ gửi chúng tôi đến, nhưng họ vẫn tiếp tục gửi trẻ em đến.”

“Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là họ chẳng mảy may quan tâm gì hết dù là đồng bào, toàn là những đứa trẻ Anh quốc," ông Johnston nói.

Không bao giờ là quá muộn để tạ lỗi

Cả hai chính phủ Anh Quốc và Úc đã chính thức xin lỗi vì những đau khổ mà các nạn nhân vẫn còn phải gánh chịu đến ngày hôm nay. Những người cho biết rằng trong nhiều năm, họ cảm thấy cuộc đời mình thật vô ích.

Giờ đây, sau hàng thập niên, nỗi đau khổ và hoàn cảnh của họ cuối cùng cũng đã được thừa nhận.

Phúc trình của cuộc điều tra về chính sách di trú cho rằng chính phủ Anh nên bồi thường về tài chính cho các nạn nhân.

Ông David Hill nói rằng, dù khoản bồi thường sẽ không mua lại được thời thơ ấu cho các nạn nhân nhưng ít ra có thể giúp họ hồi phục phần nào.

"Không có thứ gì, không gì cả, có thể xóa đi những ám ảnh khủng khiếp đối với một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, nhưng việc thừa nhận, bồi thường cũng là một cách nhìn nhận hữu hình về những điều khủng khiếp đã xảy ra với họ,” ông Hill nói.

Công ty Luật Donaldson Law có trụ sở tại Brisbane, chuyên về các khiếu nại lạm dụng tình dục trẻ em, chính là bên đại diện cho các nạn nhân người Úc.

Giám đốc công ty, Adair Donaldson nói ông hy vọng các nạn nhân sẽ được bồi thường trước khi quá muộn.

"Những gì chúng tôi hy vọng là chính phủ Anh Quốc, hành động căn cứ vào các khuyến nghị, đã được đưa ra, càng sớm càng tốt và không trì hoãn gì nữa.”

“Thời gian không còn chờ đợi những đứa trẻ còn sống sót, mà nay đã là những người cao niên. Họ xứng đáng nhận được hỗ trợ trong những năm tháng cuối đời,” ông Donaldson nói.

Được biết, hiện chỉ có 2,000 người trong thế hệ trẻ em Anh Quốc di dân đến Úc, vẫn còn sống.

 

 


Share