Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới bởi vì ông nói tổ chức này đã che đậy sự nghiêm trọng của đại dịch coronavirus bùng phát ở Trung Quốc, trước khi lan rộng khắp thế giới.
Mỹ là quốc gia đông dân thứ ba trên thế giới, đã ghi nhận số ca tử vong nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, trong khi đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo tổng thống Trump, tổ chức này đã không hành động một cách minh bạch khi đại dịch bùng phát, từ đó gián tiếp gây họa cho các quốc gia.
‘Sự chậm trễ trong việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp đã lấy đi khoảng thời gian quý giá, một sự chậm trễ kinh khủng. lại mất them một khoảng thời gian nữa khi trì hoãn không đưa nhóm chuyên gia quốc tế đi vào vùng dịch để kiểm tra, điều mà chúng tôi từng muốn làm, mà đúng ra là họ phải làm. Sự bất lực của tổ chức khi không thể thu được mẫu virus trong vùng dịch, đã khiến cộng đồng khoa học quốc tế không thể có được những thông tin cần thiết.’
Tuyên bố của tổng thống Trump diễn ra khi các thống đốc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ lên tiếng báo động về những bình luận trước đó của ông, rằng ông sẽ là người đưa ra quyết định tối hậu về việc khi nào sẽ mở cửa lại nền kinh tế và sẽ mở lại như thế nào, sau nhiều tuần lễ Mỹ áp dụng các hướng dẫn giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội nghiêm khắc.
Tổng thống Trump hôm thứ Hai nói ông tin rằng ông có vị trí quyền lực tối cao đối với từng bang, trong tình huống đại dịch hiện nay, quan điểm này vốn không được hiến pháp ủng hộ và nhanh chóng bị các chuyên gia luật và thống đốc bác bỏ - trong đó có cả các thống đốc của đảng Cộng hòa.
Ông William Howell, trưởng khoa Chính trị học thuộc trường đại học Chicago nói lời nói của tổng thống Trump mâu thuẫn với biện pháp ứng phó đại dịch của ông.
‘Bạn có thể nhìn thấy sự mâu thuẫn giữa một mặt là tuyên bố quyền lực tối thượng và tự do. Mặt khác ông nói đó không phải lỗi của ông, mà là lỗi của người khác. Lời nói của ông cũng mâu thuẫn với hệ thống phân chia quyền lực của chúng ta, vốn là một quốc gia của sự tranh cử. Quyền lực phải luôn được giữ theo từng phần, không chỉ của riêng một mình tổng thống mà là của tất cả mọi người. không ai có thể nói một điều gì vượt lên trên hành động của chính phủ’.
Trưởng ban Kinh tế IMF nói các quốc gia cần có sự chuẩn bị để hợp tác với nhau khi nền kinh tế toàn cầu cố gắng phục hồi sau đại dịch.
Nợ sẽ tăng cao và nay đang có sự kêu gọi các nước cho vay hãy hỗ trợ giảm nhẹ gánh nặng cho những quốc gia nghèo.
Dự đoán đại dịch coronavirus sẽ thúc đẩy cho một cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, cũng như tình hình có thể nghiêm trọng hơn một cuộc khủng hoảng tài chánh quốc tế.
Trưởng ban Kinh tế IMF Gita Gopinath nói thu nhập trên đầu người sẽ tăng trưởng âm trong năm nay tại 170 quốc gia và IMF kêu gọi các nước nhanh chóng tìm cách đối phó.
Tại Anh, các cơ sở từ thiện lo ngại đại dịch bùng phát bên trong các viện dưỡng lão không được đưa vào số liệu thống kê của chính phủ.
Theo bà Caroline Abrahams, giám đốc tổ chức Age UK trả lời hãng thông tấn AP rằng số liệu cập nhật hằng ngày của chính phủ đã bỏ qua sự thống kê đối với những người cao niên vì chúng không quan trọng.
Còn bà Yvonne Doyle, Giám đốc Y tế công của Anh, nói giới chức y tế đang làm việc tích cực để bảo đảm lĩnh vực chăm sóc xã hội chịu tổn thất ít nhất có thể.
Tây Ban Nha đã cho phép một bộ phận người dân đi làm trở lại còn Băng Đảo có kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa vào đầu tháng Năm.
Tại Áo, các cửa hàng đã mở cửa đón khách trở lại, dưới điều kiện nghiêm ngặt. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên nới lỏng lệnh phong tỏa.
Áo đã đóng cửa hầu như toàn bộ các cửa hàng ngoại trừ siêu thị từ giữa tháng Ba. Các nhà hàng sẽ mở cửa trở lại vào giữa tháng Năm nếu đại dịch được kiểm soát tốt.
Một chủ shop, bà Marie Froehlich nói việc mở cửa trở lại là bước đi hướng tới một cuộc sống bình thường, nhưng đây là một quá trình lâu dài.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu nói các máy trợ thở là thiết bị cần thiết nhất hiện nay, ở những quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng.
Các bác sĩ từ Romani và Thụy Điển đã được bổ sung đến Ý, nơi số nạn nhân tử vong vì coronavirus lên đến hơn 21,000 người.
Tại Pháp, hơn 15,000 ca tử vong được ghi nhận, số người chết tăng nhẹ vào thứ Ba nhưng số bệnh nhân đang điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đang giảm đi.
Chủ tịch Ủy ban Âu châu, bà Ursula von der Leyen nói Âu Châu sẽ mạnh mẽ hơn nếu hợp tác cùng nhau trong cuộc khủng hoảng, để giúp đỡ các quốc gia như Ý và Tây Ban Nha.
Các lao động di dân mất việc làm đã biểu tình chống chính phủ Ấn Độ, vì chính phủ này tăng thêm thời gian phong tỏa để đối phó với sự bùng phát của dịch coronavirus.
Cảnh sát cầm dùi cui đã chống trả đoàn biểu tình, vốn là những công nhân muốn được quay về làng của mình nhưng lệnh phong tỏa không nới lỏng cho đến ngày 3/5.
Ấn Độ vẫn còn hơn 10,000 ca nhiễm coronavirus.
Trong khi đó, giải đua xe đạp danh tiếng thế giới Tour de France, sẽ bị ngưng lại vì đại dịch.
Lịch diễn ra giải đua xe mới nhất có thể từ ngày 19/8 đến ngày 20/9.
Còn trong thời gian này, xin quý vị đừng quên cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại địa chỉ sbs.com.au/coronavirus.
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.
Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.
Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.
SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại:
Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/vietnamese