Điều gì sẽ xảy ra nếu trên vỏ bia rượu dán chi chít cảnh báo sức khỏe như bao thuốc lá?

Wine for sale in Bordeaux, France

Source: Getty Images

Liệu người ta sẽ bớt uống rượu hơn? Bạn có muốn nhìn thấy nhãn dán trên vỏ rượu bia có kèm cảnh báo nhiều loại bệnh tật, đặc biệt nhắm tới phụ nữ mang thai, giống như đã áp dụng với các nhãn dán trên bao thuốc lá không?


Có tới một phần tư (23%) dân số Úc không biết rằng uống rượu khi mang thai có thể mang lại những hậu quả tai hại cho thai nhi.

Con số đưa ra từ nghiên cứu y khoa mới nhất của Viện Nghiên cứu và Giáo dục về Rượu. 

Viện nghiên cứu cảnh báo về số liệu này giữa lúc các tổng trưởng chuẩn bị gặp gỡ vào ngày mai thứ 6 (20/3) để ban hành những quy định về việc dán nhãn trên các chai rượu, bắt buộc phải có khuyến cáo đối với người đang mang thai.

Nhãn dán trên chai rượu ban hành bởi cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm Úc và New Zealand, gọi tắt là FSANZ, có mục tiêu nâng cao ý thức của người dân về ảnh hưởng của rượu đối với sức khỏe.

Những ảnh hưởng của rượu lên thai nhi bao gồm sinh non, tổn thương não bộ và chứng Rối loạn Thai nhi do Uống rượu.

CEO của viện nghiên cứu, bà Caterina Giorgi nói thông tin đến nay vẫn rất ít ỏi.

Chúng tôi nghĩ rằng thông điệp về rượu và tác hại của rượu vẫn chưa chạm tới các cộng đồng. Có rất nhiều thông điệp tích cực về rượu, do các công ty sản xuất rượu tung ra, nhưng những thông điệp cảnh báo thì không có, chẳng hạn rượu có thể dẫn tới các căn bệnh mãn tính, rượu có thể làm chết người, rượu gây ra chứng Rối loạn Thai nhi. Chúng ta chưa nói rõ ràng về những điều này cũng như những nhãn dán trên chai rượu chưa có sự cảnh báo rõ ràng.

Tuy nhiên kỹ nghệ rượu bia phản đối những thay đổi này.

Kỹ nghệ này đã vận động các tổng trưởng và bộ trưởng về Thực phẩm và Sức khỏe trong chính phủ các cấp, về việc ban hành quy định dán nhãn mới trên vỏ rượu bia.

Bà Giorgi nói kỹ nghệ bia rượu đã ưu tiên lợi nhuận hơn sức khỏe khách hàng.

Chúng tôi biết rằng kỹ nghệ bia rượu không muốn chúng tôi dán những cảnh báo rõ ràng đối với phụ nữ mang thai lên sản phẩm bia rượu, và chúng tôi biết họ đang ráo riết vận động các bộ trưởng ngừng lại chuyện này trước cuộc họp thứ sáu ngày mai.

Bà Therese Fenwick, điều hành công ty rượu Heritage Estate Wines ở Tây Nam Brisbane nói việc dán nhãn bắt buộc sẽ chỉ khiến việc kinh doanh bị áp lực.

Các công ty bia rượu có thời gian hai năm chuyển đổi để thay thế dần các nhãn dán của mình, nhưng không nhận được hỗ trợ tài chánh để làm việc này.

Bà Fenwick nói sẽ tốn hơn 500 Úc kim cho một bản kẽm, và thêm vài trăm đô la để in màu mới.

Tuy nhiên bà Fenwick lo ngại rằng thời gian chuyển đổi sẽ bị đẩy lên nhanh hơn.

Đối với các doanh nghiêp gia đình quy mô nhỏ thì đây là một chi phí lớn lao. Đúng như vậy đó. Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn với hạn hán và cháy rừng, đường xá bị phong tỏa khắp nơi, và them nhiều thứ khác nữa. bây giờ thì lại đến chuyện này.

Cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm Úc và New Zealand đã tư vấn với kỹ nghệ bia rượu và các tổ chức y tế.

Tuy nhiên bản thăm dò dư luận YouGov cho biết ít hơn 1/3 (31%) dân Úc có thể nhớ được là mình đã từng nhìn thấy cảnh báo về nguy cơ uống bia rượu đối với việc mang thai.

Vì vậy, dì vui vẻ chấp nhận những thay đổi mới trong việc dán nhãn, chủ hãng rượu, bà Fenwick vẫn nghi ngờ hiệu quả của việc dán những cái nhãn mới và bắt mắt hơn trước.

Tất cả phụ nữ mang thai đều phải khám bác sỹ. Tất cả bọn họ đều nghe chán chê những lời này từ bác sỹ. Liệu việc dán nhãn có làm thay đổi suy nghĩ của những người mà đến bác sỹ khuyên cũng không nghe hay không?

Tuy nhiên những người ủng hộ nói một cái nhãn bắt mắt hơn sẽ giúp cho những phụ nữ không được gặp và được hướng dẫn từ bác sỹ thường xuyên.

Bác sĩ John Boffa, thuộc Hội đồng Thổ dân miền Trung Tâm Úc nói, một cái nhãn bắt mắt hơn cũng chưa đủ, nhưng đó là bước đi cần thiết cho một kế hoạch lâu dài.

Bạn cần một biện pháp đa chiều và toàn diện để giải quyết tận gốc chứng Rối loạn Thai nhi do Uống rượu và việc uống rượu khi mang thai, bởi vì nói cho cùng thì tác hại của rượu lên thai nhi xảy ra từ rất sớm, từ lúc mới bắt đầu thụ thai, và trước khi hai người biết họ đã có con với nhau. Vì vậy sẽ không hiệu quả nếu đợi tới khi biết mình mang thai chính thức thì mới ngừng uống rượu. Chúng ta phải cố gắng giáo dục từ lứa tuổi thiếu niên, để các em hạn chế uống rượu từ nhỏ.  

Bà Giorgi nói thật quan trọng nếu các bộ trưởng hiểu được sự tai hại của rượu đến mức nào.

Quan trọng là các bộ trưởng cần phải ý thức rằng cộng đồng sẽ rất ủng hộ một kế hoạch dán nhãn trên vỏ bia rượu có lời cảnh báo rõ ràng đối với phụ nữ mang thai. Nếu ý thức được như vậy là họ đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi ích của kỹ nghệ bia rượu.

 


Share