Blockchain là gì?
Tiền mã hoá crypto lần đầu xuất hiện vào đầu những năm 2000, và hình thức đầu tiên xuất hiện đó chính là bitcoin. Được biết, đồng bitcoin do một nhóm lập trình tên Satoshi Nakamoto, mà cho đến nay danh tính thật vẫn chưa bao giờ được tiết lộ.
Tiền crypto có thể được gọi bằng những cái tên phổ biến khác như tiền điện tử, coin, tiền kỹ thuật số, tiền mật mã, hoạt động dưới dạng mật mã, nghĩa là mỗi token được tạo ra bởi một mật mã thông qua các dữ liệu được lưu trữ trên các chuỗi có kết nối với nhau, được gọi là công nghệ blockchain.
Fred Schebesta là người đồng sáng lập trang mạng finder.com.au giải thích thêm
“Công nghệ blockchain giống như một cuốn sổ kế toán trong đó ghi số dư và số nợ cần thiết để theo dõi các token. Trong nhiều trường hợp, các token này đại diện cho tiền mã hoá và blockchain là cách thức cần thiết để chúng ta kiểm soát token.”
Công nghệ blockchain được phát minh vào những năm 1980. Công nghệ này đã được chứng minh tính hiệu quả trong việc kiểm soát tiền tệ và đã giành được niềm tin từ những người đầu tư trên thị trường tiền mã hoá crypto.
Phương thức đầu tư
Ai cũng có thể tạo ra tiền crypto, vì thế có hàng ngàn loại tiền đang tồn tại trên thị trường với những loại phổ biến như Bitcoin, Ethereum, litecoin và Dogecoin.
Những loại tiền này được sử dụng để giao dịch mua bán, và đối với hầu hết trường hợp nó là một hình thức đầu tư. Một số loại tiền mã hoá như Bitcoin còn cho phép bạn được rút tiền mặt từ máy ATM với mức phí rất thấp.
Nếu bạn muốn mua một token, bạn có thể mua bằng tiền thông thường, và tuỳ thuộc vào tỷ giá thị trường, giá trị của token đó có thể tăng hoặc giảm.
Nhiều người đã kiếm được lợi nhuận từ kênh đầu tư này, thậm chí nhiều người đã trở thành triệu phú sau khi đầu tư vào tiền crypto.
Nhưng chúng ta có thật sự kiếm được những khoản lợi nhuận kếch sù chỉ với một ít tiền đầu tư trên một hệ thống ảo vô hình hay không?
Ông Schebesta cho rằng khi nói đến cơ hội kiếm lợi nhuận từ tiền crypto thì khả năng là vô tận.
“Bạn chỉ cần làm một nghiên cứu nhỏ rồi mua tài sản, và bạn trở nên giàu có. Và tôi cho rằng, đặc biệt là trong trường hợp của tiền crypto, có rất nhiều người đã mua tiền crypto, chẳng hạn mua ngay thời điểm đầu năm, và đến cuối năm giá trị của nó đã tăng đáng kể. Và cá nhân tôi chắc chắn biết có những người trở thành triệu phú nhờ vào đầu tư tiền crypto.”
Đối với những ai mới đầu tư và đang tìm cho mình một cách thức đơn giản để kiếm tiền, thì đầu tư vào tiền crypto có vẻ là một cách thức khá đơn giản. Thế nhưng tiền kiếm càng nhiều sẽ đi đôi với nhiều rủi ro. Tiền crypto không được quản lý trên toàn thế giới, nghĩa là chúng không bị kiểm soát bởi bất cứ chính phủ, ngân hàng hay bất kỳ cơ quan tài chính nào.
Công nghệ blockchain được tạo ra theo một cách mà trong đó các nhà đầu tư chỉ chịu trách nhiệm cho việc đánh giá và cập nhật các giao dịch. Điều này làm cho tiền crypto trở nên không đáng tin cậy.
Tiến sỹ Adam Steen là giáo sư Khoa Kế toán đại học Deakin ở Melbourne, ông nói tiền crypto không có giá trị như nhiều người vẫn đang nhầm tưởng.
“Nó không giống như tiền giấy, người ta gọi nó là token kỹ thuật số nếu bạn muốn gọi thế. Thực tế nó chỉ là những mật mã nhị phân, bao gồm các số 1 các số 0 nằm trên máy tính của bạn, chỉ thế thôi.”
Theo giáo sư Steen, tiền crypto ban đầu được tạo ra như một cơ hội đầu tư độc đáo và sáng tạo, sau đó trở nên phổ biến cũng giống như những phong trào khác.
Các hình thức lừa đảo
Vì tiền mã hoá không có cơ quan quản lý, nhiều nhà đầu tư đã mất rất nhiều tiền vào các vụ lừa đảo. Và vì chúng ta không thể sờ chạm vào được loại tiền này nên điều đó đã tạo ra những kẽ hở cho các chiêu lừa đảo trên mạng.
Vào năm 2017, một tiền crypto do một tổ chức có tên Plus Gold Union Coin (gọi tắt là PGUC) được tung ra ở Úc và giành được rất nhiều quan tâm trong cộng đồng di dân.
Loại coin này được khẳng định sẽ đem lại lợi nhuận cực kỳ lớn trên $200.000 chỉ trong vài năm với số tiền đầu tư ban đầu chỉ $7.500 mỗi token, một con số khá khiêm tốn so với lợi nhuận thu về.
Những kẻ tiếp thị đứng sau loại tiền này nhắm vào các cộng đồng sắc tộc và sớm trở thành một nguồn thông tin đáng tin cậy. Và những ai bày tỏ sự quan tâm muốn biết thêm về token và chức năng của nó đã được mời đến những sự kiện lớn và được chiêu đãi thịnh soạn ở nhiều thành phố trên khắp nước Úc.
Tại các buổi thuyết trình được tổ chức xa hoa theo một cách rất tinh vi nhằm thu hút những người đầu tư tiềm năng và không bao giờ để những người tham dự rời phòng mà không ký vào hợp đồng.
John Doe, tên nhân vật đã được đổi, nói rằng anh bắt đầu biết về tổ chức Plus Gold Union Coin qua một người bạn vào năm 2017.
“Một người bạn chung đã tiếp cận tôi và nói về tiền coin của Plus Gold Union Coin. Nếu tôi đầu tư tôi sẽ nhận lại được một khoản lợi nhuận khổng lồ, và khoản lợi nhuận này là bảo đảm. Và để được đăng ký vào hệ thống tôi phải mua một tài khoản có thời gian đáo hạn khác nhau, 12 tháng, 6 tháng và 3 tháng, sau thời gian đó sẽ nhận được tiền lãi do hệ thống sẽ tạo ra từ khoản đầu tư ban đầu. Và giá trị tiền coin sẽ tăng so với khoản tiền gốc vào thời điểm cuối tháng thứ 12 hoặc tháng thứ 6.”
Anh Doe kể toàn bộ kế hoạch này được giới thiệu thông qua một chiến dịch tiếp thị hết sức tinh vi.
“Tôi được gửi giấy mời sau khi bày tỏ sự quan tâm. Trong một phòng chật kín người, những hình ảnh toàn trình chiếu về những người đã kiếm được rất nhiều tiền và họ tạo ra một cảm hứng khiến bạn cảm thấy muốn đầu tư ngay nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội này.”
Ông nói cách thức hoạt động này đã dụ dỗ được rất nhiều người trong cộng đồng.
“Tại thời điểm Bitcoin lên ngôi, thì sự kiện này xuất hiện như càng tạo thêm kích thích cho người tham gia. Chúng tôi được nói rằng tổ chức này bắt nguồn từ Ấn Độ, và đã chiếm lĩnh thị trường ở đó và đó là lý do tôi thấy có rất nhiều người đến tham dự là người Ấn Độ.”
Thế nhưng vào tháng 12/2017, giá trị tiền crypto của tập đoàn PGUC này sụt giảm mạnh, và những người đầu tư bắt đầu nghi ngờ họ đã bị lừa.
Các tổ chức lừa đảo thường tập trung vào những cá nhân dễ tổn thương, và có thể hiểu vì sao cộng đồng di dân trên khắp thế giới luôn là đối tượng dễ bị nhắm đến của các vụ lừa đảo.
Rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố chính góp phần khiến cho cộng đồng di dân dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo như vậy.
(Adam Steen)
“Chúng ta đã thấy có rất nhiều vụ lừa đảo xảy ra ở Úc, khi mà có một người trong một cộng đồng săc tộc nào đó bỗng kêu gọi hãy đưa tiền cho họ và họ sẽ đem đi đầu tư để thu lại hàng triệu đô la và bạn có thể sống thoải mái, rồi chuyện tiếp theo đó là gì như mọi người cũng biết, kẻ đó sẽ leo lên máy bay biến mất ở một nơi nào đó bắt đầu một cuộc sống mới trên số tiền của nhiều người.”
Thậm chí có cả những công ty lớn của Úc cũng đã mất rất nhiều tiền cho những kẻ lừa đảo nhưng với hình thức bên ngoài rất hợp pháp.
Nhưng làm thế nào để phát hiện trò lừa đảo?
Tiến sỹ Steen nói cách tốt nhất là tránh tất cả những email rác, không trả lời những cuộc điện thoại và lời khuyên đầu tư mà không được xác minh thậm chí nếu là từ những người bạn quen biết.
“Chúng ta có cơ quan chính phủ ở Úc được lập ra để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, và họ có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị lừa đảo. Và nếu bạn có trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo nào đó, bạn phải báo cáo cho các cơ quan liên quan để chính phủ có thể đóng cửa những tổ chức đó, tìm ra những người đứng sau nếu có thể.”
Một số bí quyết có thể giúp quý vị có lựa chọn đầu tư đúng đắn:
Tìm lời khuyên từ những người có bằng cấp và kinh nghiệm liên quan, bất kể bạn thuộc cộng đồng nào. Các chuyên gia cố vấn tài chính, luật sư, kế toán viên ở Úc có thể cho bạn lời khuyên.
Nếu một phi vụ đầu tư trông có vẻ quá tốt đến mức khó tin, và thường là như thế. Nếu có ai đó hứa hẹn rằng bạn sẽ nhận lại được khoản tiền lời kếch sù theo cách đầu tư tiền crypto, thì đó có thể là dấu hiệu rằng họ đang lừa bạn.
Cuối cùng, đừng chỉ dựa vào phán đoán hay đồn thổi của một ai đó, và không nên nghe lời khuyên từ những người không phải là chuyên gia.