Bồi thẩm đoàn là một thành phần quan trọng của hệ thống pháp luật tại Úc.
Công dân Úc có nghĩa vụ phải phục vụ trong bồi thẩm đoàn khi được yêu cầu và mọi người có thể bị phạt nếu họ không tuân thủ.
Dịch vụ bồi thẩm đoàn cho phép các thành viên của cộng đồng, đóng vai trò tích cực trong việc quản lý ngành tư pháp.
“Bồi thẩm đoàn là một hình thức để cộng đồng tham gia vào tiến trình luật pháp,” Tiến sĩ Andrew Burke là giảng viên tại Trường Luật Macquarie cho biết.
“Trong ý nghĩa bồi thẩm đoàn là một phần của nền dân chủ Úc, vì vậy khi có người bị truy tố về một tội trạng nghiêm trọng, người ta cần quyết định xem người đó có tội hay không và đó không phải vai trò của một luật sư hay một thẩm phán, mà là 12 thành viên bình thường của cộng đồng lập thành bồi thẩm đoàn.”
Bồi thẩm đoàn chỉ được sử dụng đến trong một số các phiên xử, theo bà Jaqui Horan, Phó Giáo sư tại Phân Khoa Luật thuộc đại học Monash, giải thích.
“Bồi thẩm đoàn tại Úc chỉ có mặt trong các vụ án quan trọng. Đó là những vụ sát nhân, cướp có võ trang và tấn công tình dục hay hiếp dâm.
Các vụ kém quan trọng như trộm cắp, thường được thẩm phán xét xử mà không có bồi thẩm đoàn.
Còn danh sách các ứng viên được chọn bất kỳ từ danh sách cử tri Úc, ông Mark Nolan giám đốc trung tâm Luập pháp và Công lý thuộc đại học Charles Sturt cho biết.
“Thông thường thủ tục như sau, quí vị nhận được một lá thư cho biết sẽ được triệu dụng để thực hành nhiệm vụ bồi thẩm.
“Hãy vào trang mạng được đề nghị và điền vào một cuộc khảo sát cho biết về chính quí vị và liệu quí vị có nghĩ rằng, có thể tham dự vụ án với tư cách là một bồi thẩm viên hay không.
“Đôi khi lá thư có thể hỏi quí vị về việc thông thạo tiếng Anh, hoặc hỏi về công việc của quí vị, hay quí vị biết có ai liên quan đến vụ án hay không.”Thông thường một bồi thẩm đoàn gồm 12 vị, thế nhưng đôi khi cũng có ít hơn. Điều nầy tùy thuộc vào sự khác biệt tại mỗi tiểu bang và lãnh thổ.
Source: Getty Images/Thana Prassongsin
“Trong các vụ hình sự quan trọng, con số các bồi thẩm viên trong một vụ không luôn luôn giống nhau,” giáo sư Horan nói.
“Việc nầy tùy thuộc các nơi khác nhau trên nước Úc nơi quí vị cư ngụ, thế nhưng thường là 12 người.
“Tại một số nơi ở Úc, thường có bồi thẩm đoàn cho các vụ dân sự như tại Mỹ, vì vậy đó là một vụ dân sự đối với những người bị thương nặng, có lẽ phải ở trong bệnh viện và họ có thể kiện bệnh viện hay các bác sĩ, đó là các vụ tại một số nơi như Victoria, quí vị có một bồi thẩm đoàn gồm 6 người tham gia vụ án.”
Trong một số trường hợp, một ứng viên có thể được miễn trừ, chẳng hạn như cha mẹ đơn thân có con nhỏ,hay nếu họ điều hành một doanh nghiệp nhỏ mà sự vắng mặt có thể ảnh hưởng đến công việc.
“Đạo luật về Bồi thẩm miễn trừ một số hạng người khỏi tham gia nhiệm vụ bồi thẩm,” tiến sĩ Burke giải thích.
“Chẳng hạn như luật sư được miễn trở thành một bồi thẩm viên vì đã là một luật sư, ngoài ra những người có các công việc hết sức quan trọng.
Nếu quí vị là một bác sĩ cấp cứu hay một y tá trong thời buổi đại dịch chẳng hạn, quí vị không phải trở thành một bồi thẩm viên.
Cũng tương tự nếu một số người gặp khó khăn về thính giác, hay bị bệnh nặng hoặc đang chăm sóc cho người cao niên mà không thể rời bỏ việc chăm sóc nầy, tất cả đều được miễn trừ.
Tiến sĩ Burke cho biết, nếu một bồi thẩm viên cảm thấy họ không thể ở lại trong suốt thời gian xử án, họ nên nói trước khi phiên xử bắt đầu.
“Khi bắt đầu phiên xử, thẩm phán hay Công Tố Viện sẽ thuyết trình ngắn gọn trước bồi thẩm đoàn khi nói rằng ‘Đây là một tội trạng và đây là một loạt các bằng chứng mà quí vị sẽ được nghe khai trình’.
“Dĩ nhiên nhiều vụ xét xử có thể liên quan đến các bằng chứng bất ngờ và hình ảnh vân vân... nên họ sẽ mô tả chuyện đó.
“Họ sẽ nói, ‘Nếu quí vị nghĩ rằng quí vị không thể làm việc nầy hay không ở trong tư thế trung lập về các bằng chứng, quí vị có thể nói lên và có thể được miễn tham dự, được gọi là thủ tục hồi tỵ’.”Tiến sĩ Burke cho biết một khi phiên xử bắt đầu, bồi thẩm đoàn phải nghe các bằng chứng.
Lawyer and Jury Source: Getty Images
“Vì vậy bồi thẩm đoàn phải có mặt để nghe các chứng cớ. Mọi nhân chứng đưa ra các bằng chứng và cho thấy các hình ảnh hay băng video, hoặc mọi loại bằng chứng khác”.
“Thế nhưng họ ra khỏi phòng xử án khi có cuộc tranh luận về điều luật nào được áp dụng, rồi khi các tranh luận đã được dàn xếp, họ trở lại và vị thẩm phán sẽ giải thích với bồi thẩm đoàn về điều khoản nào họ sẽ áp dụng, khi quyết định có tội hay không.”
Còn Tiến sĩ Horan cho biết khi các bồi thẩm viên được trao quyền, họ thường được hướng dẫn không nói chuyện với bất kỳ ai về vụ việc, hoặc tra cứu thông tin trực tuyến.
Bồi thẩm đoàn thường phục vụ trong các phiên tòa xét xử kéo dài từ 7 đến 12 ngày, mặc dù cũng có các vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như đối với những kẻ bị cáo buộc khủng bố, có thể mất vài tháng hoặc thậm chí hơn một năm.
Bồi thẩm đoàn thường được hỏi trước về tình trạng sẵn có của họ, nếu họ có thể được chọn để thử việc trong các phiên xử đặc biệt kéo dài.
“Một khi các nhân chứng đã khai trình và mọi bằng chứng đã trình ra trước tòa, nếu có những tài liệu thì bồi thẩm đoàn lúc đó được trao cho các tài liệu đó, cũng như bản văn của vụ án,” tiến sĩ Horan nói.
“Sau đó họ được đưa vào phòng họp để cân nhắc sự việc, chuyện nầy mất một thời gian có thể là vài giờ cho 12 người thảo luận về mọi vấn đề, để chắn chắn là họ hài lòng về việc bị cáo có tội rõ ràng, hay nếu họ không chắc, là việc tìm kiếm cho thấy là không có tội.”
Tiến sĩ Horan cho biết, quyết định của bồi thẩm đoàn là phải đồng thanh, hay trong một số trường hợp là tỷ lệ 11 đối với 1.
“Trong khi các vụ án nghiêm trọng như giết người tại hầu hết các nơi trên nước Úc, đòi hỏi tất cả 12 thành viên bồi thẩm đoàn phải đồng ý, đôi khi chỉ có 11 trong số 12 người cần đồng ý về bản án mà thẩm phán chấp thuận theo ý của bồi thẩm đoàn.
“Lấy thí dụ với một vụ tấn công tình dục và 11 vị bồi thẩm viên có lẽ đồng ý là bị cáo có tội, trong khi chỉ có một người không đồng ý.
“Việc nầy đủ để cho tòa án chấp nhận bản án của bồi thẩm đoàn là có tội, ngoài những nghi ngờ hợp lý.”
Còn trong trường hợp họ không thể đến được một kết quả đồng thuận thì sao?
“Nếu bồi thẩm đoàn không thể đồng ý với tỷ số 12-0 hoặc 11-1, lúc đó được gọi là bồi thẩm đoàn treo, có nghĩa là phải có một phiên xử mới và lại bắt đầu với bồi thẩm đoàn mới,” tiến sĩ Burke giải thích
“Thế nhưng vào lúc đó, Công Tố Viện có thể tuyên bố ‘Chúng tôi hủy bỏ, chúng ta không thể thắng nên chúng tôi bãi bỏ’ và Công Tố Viện thường hủy bỏ vụ án, sau khi xét xử có thể là hai hay ba lần.”
Một bồi thẩm viên được trả lương cho mỗi ngày phục vụ trong vai trò của bồi thẩm đoàn.
“Đó là một yêu cầu mà chủ nhân của mọi người rằng họ được trả tiền tương đương với số tiền mà họ bình thường nhận lãnh nếu đi làm, thế nhưng thực sự họ tham gia dịch vụ bồi thẩm,” tiến sĩ Horan cho biết.
“Vì vậy tại mỗi tiểu bang và lãnh thổ đều cấp cho quí vị một số tiền nếu quí vị tham gia vào dịch vụ bồi thẩm, thế nhưng nếu nó không tương đương với tổng số tiền quí vị thường nhận lãnh, thì chủ nhân của quí vị phải trả phần sai biệt.”
Trong khi hầu hết mọi người ban đầu e ngại về việc phục vụ trong bồi thẩm đoàn, thì những người đã trải qua việc này thường đánh giá cao kinh nghiệm nói trên.
“Đó là chuyện ít khi xảy ra trong đời của quí vị khi phải làm công việc gì khác trong một hay hai tuần lễ, thế nhưng trong trường hợp nầy mọi công dân có thể là một vị thẩm phán và biết được hệ thống tư pháp hoạt động như thế nào,” tiến sĩ Horan nói.
“Thật rất thú vị một khi trải qua kinh nghiệm trong cả đời sau khi quí vị hoàn tất công việc đó, quí vị thực sự cảm ơn về chuyện nầy.
“Các nghiên cứu cho thấy mọi người rất vui lòng nếu phải tham gia bồi thẩm đoàn lần nữa, một khi họ đã hoàn thành công việc một lần rồi.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại