Mãi cho đến gần đây, bạo lực gia đình vẫn được coi là một vấn đề cá nhân, không phải là một vấn đề xã hội.
Nhưng số liệu thống kê cho thấy rất rõ ràng; nhiều người ở Úc là nạn nhân của bạo lực dưới bàn tay của một thành viên trong gia đình.
Một trong sáu phụ nữ và một trong mười tám nam giới đã từng bị bạo lực thể chất hoặc tình dục bởi một người bạn đời chung sống.
Tiến sĩ Nada Ibrahim, một chuyên gia về bạo lực gia đình tại Trung tâm Bảo vệ Trẻ em của Đại học Nam Úc, nói rằng bạo lực gia đình có thể diễn ra dưới nhiều hình thức.
"Vấn đề bạo lực gia đình, nó thực tế là một thuật ngữ chung được sử dụng cho bất kỳ loại bạo lực nào xảy ra trong môi trường gia đình hoặc chung sống cùng nhà. Vì vậy, bạo lực gia đình có thể bao gồm những thứ như bạo lực giữa bạn đời. Nó cũng bao gồm lạm dụng trẻ em, lạm dụng người già, lạm dụng giữa anh chị em, lạm dụng cha mẹ, do đó, bất kỳ hình thức bạo lực nào xảy ra trong môi trường chung sống."
Nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực tình dục phần lớn là phụ nữ.
Và khi chúng ta nói về bạo lực, nó không chỉ là bạo lực về thể xác. Bạo lực có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác, bao gồm lạm dụng tâm lý, lạm dụng tài chính, quấy rối hoặc kiểm soát cưỡng chế.
Tiến sĩ Ibrahim nói rằng một số người vẫn có quan niệm lỗi thời về bạo lực và không nhận ra rằng bạo lực có thể được thể hiện hoặc gây ra một cách vô tình theo nhiều cách, ngoài các hình thức thể chất đơn thuần.
"Đôi khi, một nền văn hóa cụ thể nào đó có thể không xác định bạo lực gia đình ngoài bạo lực thể xác. Họ có thể xác định bạo lực thể xác vì khả năng có thể nhìn thấy được của nó, nhưng họ cũng có thể gặp khó khăn để xác định các loại lạm dụng khác."
Đặc biệt những thứ như lạm dụng bằng lời nói, lạm dụng về tâm lý, lạm dụng tài chính hoặc lạm dụng xã hội, khi họ bị cô lập khỏi cộng đồng.
Trong một số trường hợp, niềm tin tôn giáo hoặc áp lực của đại gia đình có thể làm phức tạp thêm tình trạng bạo lực gia đình.
Do không phải tất cả các cơ quan chống bạo lực gia đình đều được trang bị để giải quyết các vụ việc mang tính chất văn hóa khác nhau, nên có nhiều tổ chức ở Úc, chẳng hạn như inTouch, chuyên về các vấn đề bạo lực gia đình trong các cộng đồng di cư và tị nạn.
Anu Krishnan là Giám đốc của Kulturebrille, một công ty tư vấn đa văn hóa, nơi giúp các tổ chức tương tác tốt hơn với các khách hàng đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ trong việc ngăn chặn bạo lực gia đình và các vấn đề khác.
Cô cảnh báo áp lực di cư đôi khi có thể trở thành chất xúc tác cho bạo hành gia đình.
Với cộng đồng nhập cư, họ phải chịu thêm căng thẳng khi phải đương đầu với cuộc sống ở một nền văn hóa mới, các vấn đề trong việc tìm kiếm công việc phù hợp.
"Và trong nhiều trường hợp họ phải thách thức sự cân bằng giới tính rất khác so với quê nhà của họ, họ tiếp xúc với một nền văn hóa hoàn toàn mới và tự do hơn."
Cô Krishnan cũng nhấn mạnh phòng chống bạo lực gia đình chỉ hiệu quả khi có sự tham gia của cả cộng đồng.
"Phải có nhiều hỗ trợ thì phụ nữ mới cảm thấy đủ can đảm hoặc tự tin để yêu cầu giúp đỡ. Cũng cần có những chương trình nâng cao nhận thức từ bên trong cộng đồng, để các thành viên khác trong cộng đồng có thể tập hợp và giúp đỡ một phụ nữ trải qua bạo lực gia đình, để cô ấy không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ khi báo cáo bạo lực do bạn tình gây ra. Chúng ta cần loại bỏ suy nghĩ xấu hổ đó và nói với họ rằng họ có thể nói về điều đó nó, họ không đáng trách."
Cô Krishnan cũng cho biết phụ nữ nhập cư cũng phải đối mặt với nhiều rào cản hơn khi họ cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ thường cảm thấy cô lập và không biết đi đâu.
"Họ sợ báo cáo vụ việc, và ngay cả khi họ báo cáo, nó sẽ đi đến đâu? Họ không quen với việc nhận sự giúp đỡ hay đi vào những nhà an toàn dành cho phụ nữ. Họ thường có định kiến về những nơi trú ẩn này."
Nhiều phụ nữ có vấn đề với thị thực nên họ có thể phải phụ thuộc vào người bạn đời của mình về chi phí sinh hoạt. Đôi khi họ không có khả năng rời đi.
Wendy Lobwein là Quản lý cấp cao của Chương trình Phòng chống Bạo lực đối với Phụ nữ của AMES Australia, một tổ chức hỗ trợ những người di cư mới trong hành trình định cư của họ.
Hiện có một số dịch vụ dành cho phụ nữ nhập cư là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Nhiều trong số các dịch vụ này làm việc với thông dịch viên để cung cấp hỗ trợ bằng tất cả các ngôn ngữ.
Nếu quý vị đang trải qua lạm dụng trong gia đình, quý vị cũng có thể báo cáo điều này với bác sĩ đa khoa của mình, người sau đó có thể tư vấn và giới thiệu quý vị đến các dịch vụ có liên quan.
Nhưng nếu ai đó đang gặp nguy hiểm ngay lập tức, Wendy Lobwein nói rằng đừng ngần ngại gọi 000.
"Tôi biết nhiều phụ nữ đã tâm sự rằng họ sợ cảnh sát tham gia vào. Họ nghĩ rằng đó sẽ là khởi đầu cho sự đổ vỡ của gia đình họ."
Nhưng cảnh sát ngày càng được đào tạo để ứng phó bảo đảm an toàn cho mọi người, chứ không phải để chấm dứt các mối quan hệ. Cảnh sát hoàn toàn có thể đáng tin cậy, vì vậy hãy gọi 000.
Tìm kiếm giúp đỡ ở đâu?
Nếu quý vị là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc biết ai đó là nạn nhân, quý vị có thể gọi 1800 RESPECT để được giúp đỡ.
Nếu cần hỗ trợ về tinh thần, quý vị có thể liên hệ với Lifeline theo số 13 11 14 hoặc Beyond Blue theo số 1800 22 46 36.
Nếu quý vị cần thông dịch viên, hãy gọi số 13 14 50.
Nguồn tham khảo thêm:
Loạt phim của SBS 'Safe Home' ra mắt vào Thứ Năm ngày 11 tháng 5 lúc 8:30 tối trên SBS và SBS On Demand.
Safe Home là một bộ phim truyền hình hấp dẫn đi vào những câu chuyện về bạo lực gia đình. Những người phía sau những con số, những câu chuyện ở sau những số liệu thống kê.