Các nhà khoa học nói những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chẳng hạn đợt lũ lụt chết người tràn khắp Tây Âu hồi tháng Bảy, là lời nhắc nhở sinh động nhất về nhu cầu cần phải hành động ngay để chống lại sự biến đổi khí hậu.
Bên ngoài thành phố Erftstadt thuộc miền Tây nước Đức có một mỏ đá sỏi khổng lồ.
Mỏ đá bây giờ nhìn lớn hơn nhiều so với chỉ vài tháng trước.
Những cơn mưa xối xả hồi tháng Bảy kéo theo lũ lụt đã làm sập các bức tường của mỏ đá trong một trận lở đất, nuốt chửng các toà nhà, đường xá và mọi thứ khác vào một cái hố sụt khổng lồ.
Bà Waltraud Groten không bao giờ còn có thể nhìn thấy mảnh vườn sau của nhà mình.
Ngôi nhà của bà chỉ cách bờ nước vài mét và tưởng chừng sắp đổ sụp xuống.
Nhân viên cứu cấp đã di dời những thứ có thể gây nguy hiểm cho ngôi nhà nhưng mối đe doạ lâu dài của sự thay đổi về khí hậu này đã khiến bà lo lắng.
‘Tôi nghĩ những trận mưa lớn như vậy không thể nào là một tai nạn tình cờ được. Tôi muốn nói là 100% chỉ có thể là sự thay đổi của khí hậu. Chắc chắn là như vậy.’
Những đợt lũ lụt đã khiến 180 người bị thiệt mạng trong khu vực, làm thay đổi cuộc đối thoại chính trị tại Đức.
Môi sinh trở thành vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử mới xảy ra, mọi đảng phái tham gia bầu cử đều hứa hẹn sẽ làm nhiều hơn nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất.
Bà Groten cũng như bao cử tri khác của Đức, tin rằng quốc gia của bà đang hành động quá chậm chạp.
‘Chúng tôi buồn vì các quốc gia khác người ta chặt phá rừng, nhưng ở đây cũng chẳng tốt hơn bao nhiêu.’
Tại miền Nam thành phố Erftstadt có một cộng đồng nhỏ sinh sống gọi là Schuld.
Con sông Ahr bao bọc ngôi làng và người ta đang lo sợ ngôi làng sẽ bị chìm hết xuống nước.
Cuối cùng hầu hết các toà nhà đã thoát cảnh bị cuốn trôi nhưng tất cả đều bị hư hỏng nặng khi mực nước lên đến 8 mét.
Ngôi nhà của gia đình cô Julia Henrichs chẳng còn lại một thứ gì.
Cô đã trải qua một đêm sợ hãi, ngồi trên mái nhà với các con, mong chờ đội cứu hộ đến.
‘Tôi không thể ngủ được, chỉ có những đứa trẻ buồn ngủ. Tôi cứ nhìn mãi xuống hành lang để tính xem còn bao nhiêu bước nữa thì nước sẽ chạm đến đây.’
Cô lo sợ về khả năng sẽ có những tai họa thời tiết khắc nghiệt nữa xảy ra, trong tương lai, tuy nhiên cô không chắc chắn về nguyên nhân của những điều kiện dữ dội này.
‘Tôi nhớ đã từng có những cơn bão lớn trong quá khứ và tôi biết những gì xảy hôm nay dữ dội hơn nhiều so với quá khứ. Nhưng liệu có phải đó là do sự thay đổi khí hậu hay không? Tôi không biết.’
Các nhà khoa học về thời tiết muốn xoá bỏ sự không chắc chắn đó trong công chúng, cũng như cả đối với những người đang nắm quyền, thông qua một chương trình mà họ gọi là “phân tích khoa học nhanh chóng”.
Khi một nhóm cứu cấp bắt đầu công việc cứu hộ thiên tai, thì một nhóm các chuyên gia về thời tiết trên thế giới cũng bắt đầu hành động.
Nghiên cứu của họ phát hiện những trận mưa lớn chưa từng thấy đã dẫn đến lũ lụt, và nó xảy ra nhiều gấp 9 lần so với trước đây bởi vì nhiệt độ trái đất đang nóng lên, cũng như sự thay đổi khí hậu này đã khiến cho lượng mưa trong các trận mưa lớn đó tăng lên tới 19%.
Những phân tích khoa học sẽ cho kết quả chỉ sau khi thiên tai xảy ra vài tuần, thay vì vài tháng hay vài năm như trước đây.
Tiến sĩ Fredi Otto điều hành dự án Sự biểu hiện Khí hậu Thế giới
‘Khi chúng ta nói về sự thay đổi khí hậu, thường đó là để chỉ nhiệt độ trung bình của trái đất. Điều này khá trừu tượng bởi vì chẳng ai trải qua nhiệt độ trung bình của trái đất để hiểu nó như thế nào. Vì vậy theo tôi, điều quan trọng là phải hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của sự biến đổi khí hậu, thì mới có thể kết nối kinh nghiệm về khí hậu với những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta.’
Quay trở lại với Erftstadt, bà Waltraud không cần phải đọc một nghiên cứu thì mới biết hậu quả của thời tiết khắc nghiệt là như thế nào, vì bà có thể nhìn thấy ngay từ sân sau nhà mình.
Bà muốn những ai tham gia hội nghị thượng đỉnh COP-26 tại Glasgow hãy hành động nhanh chóng.
‘Họ phải làm một cái gì đó. Tôi không biết hành động đó sớm hay muộn. Nhưng họ vẫn còn có thể làm một điều gì đó. Liệu nó có tốt đẹp hơn không? Có thể trong đời tôi thì không, nhưng đời con cháu của tôi có thể tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng như vậy.’
Thảm hoạ ngày hôm nay có thể trở thành chất xúc tác để các nhà lãnh đạo phải hành động với hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn.