Cô Huyền Trần đến Úc năm 2011 bằng thuyền mà theo lời cô là nhằm trốn chạy sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Khi đến Úc, thời gian đầu Huyền bị bắt đưa vào trung tâm giam giữ một thời gian.
Thời gian sau, Huyền gặp Paul Lee, hiện là chồng cô, một người gốc Trung Quốc sang Úc làm việc với visa 457 – visa dành cho người làm việc tại Úc được chủ nhân bảo lãnh.
Tháng 11 năm ngoái Huyền một lần nữa bị đưa vào trại tạm giam trong lúc đang mang thai. Vào tháng 3, Huyền sinh một bé gái đặt tên là Isabelle trong trại tạm giam. Từ đó đến nay cả hai mẹ con vẫn phải ở trong trung tâm giam giữ.
Ngày 12/10/2018, Tòa án Liên bang đã bác bỏ đơn xin cứu xét xin tị nạn của cô Huyền Trần lần thứ hai, đồng thời cô phải nộp án phí hơn $8,000 đô la. Điều đó có nghĩa là kể từ bây giờ Huyền có thể bị đưa lên máy bay trở về Việt Nam bất cứ lúc nào, bỏ lại chồng và con đang ở Úc.Bà Hương Trương, Thượng nghị sĩ đảng Xanh, là người đã ủng hộ Huyền trong suốt thời gian qua, người đã lên tiếng kêu gọi Tổng trưởng Di trú can thiệp để cứu xét trường hợp của Huyền nhưng không thành công. Và sau khi câu chuyện của Huyền Trần được đăng tải trên SBS, Thượng nghị sĩ Hương Trương đã liên lạc với cố vấn di trú Tạ Quang Huy ở Melbourne để nhờ sự hỗ trợ pháp lý cho Huyền.
Huyen Tran and her baby in Australia Source: Rebekah Holt
Theo lời cố vấn di trú Tạ Quang Huy, Luật Di trú có bộ luật riêng biệt đối với thuyền nhân, theo đó những người đến Úc bằng thuyền chỉ được phép nộp hồ sơ khi có sự đồng ý của Tổng trưởng Di trú. Và trường hợp của Huyền đã hai lần không thành công khi xin Bộ trưởng Di trú cứu xét và đã có lệnh trục xuất từ Tòa Án Liên bang.
Và trong nỗ lực cuối cùng để xin Tổng trưởng Di trú cứu xét, cố vấn di trú Tạ Quang Huy cho biết sẽ dựa trên lý do sau đây để bào chữa cho Huyền Trần và cũng là những lý do chưa từng được nhắc đến trong hai lần xin cứu xét trước đây.
1. Quyền lợi trẻ em. Hiệp Ước CROC (Convention on the Rights of the Child). Hiệp ước này hiện tại có 140 quốc gia thành viên. Úc đã ký kết với hiệp ước này từ tháng 12 năm 1990. Điều này cũng có nghĩa Úc có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của trẻ em. Từ chương 3 đến chương 8 và chương 27 đều được áp dụng cho trường hợp này.
2. Người chồng đang giữ visa 457 và cô Huyền Trần có thể trở thành người phụ thuộc theo visa của chồng.Cố vấn di trú Tạ Quang Huy cho rằng chuyện đến Úc sinh con là chuyện riêng của mỗi người, đó có thể là sai lầm của cha mẹ, nhưng không thể bắt những đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả. Và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau để xem xét và đánh giá.
Cố vấn di trú Tạ Quang Huy | Fellowship, Viện Di trú Úc Source: Supplied
“Chúng tôi không xin Chính phủ can thiệp để cấp visa thường trú cho cô Huyền, mà chúng tôi xin chính phủ cho phép Huyền được trở thành người phụ thuộc trên visa của người chồng, đó là visa 457 để được sống gần con. Và tôi nghĩ điều này không có gì là quá đáng.”
Thượng Nghị Sĩ Hương Trương cũng góp phần lên tiếng về việc ủng hộ Huyền Trần, bà cho biết ngày 27/10, lúc 2 giờ chiều, sẽ diễn ra một cuộc biểu tình tại State Library, Melbourne nhằm kêu gọi chính phủ đưa trẻ em trên đảo Nauru và Manus về Úc. Bà Hương Trương ước tính sẽ có khoảng cả trăm ngàn người có mặt trong cuộc biểu tình lần này, và bà là dân biểu duy nhất có mặt, sẽ lên tiếng về câu chuyện của Huyền Trần, và đây cũng là cơ hội để xin Bộ trưởng cứu xét vè trường hợp của Huyền.
Một thỉnh nguyện thư đã được lập trên trang và trên trang nhằm kêu gọi cộng đồng ủng hộ Huyền Trần hiện đã tổng cộng có hơn 3.500 chữ ký.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn.