Patrice Lumumba đã mất cả quãng thời gian tuổi trẻ mang cảm giác bị xã hội ruồng bỏ, và trong nhiều năm, những khó khăn của anh trong việc xoay xở với cuộc sống đã không thể giải tỏa được với ai.
Nhưng cách đây 18 tháng, khi đến với một phòng thu âm ở Melbourne, anh đã phát hiện ra mình có một giọng hát tuyệt vời.
Là một trong số ít những học sinh là người gốc Phi tại trường, anh cho biết đã từng bị bắt nạt, và cuối cùng đã bị lôi kéo bởi những bạn bè xấu theo con đường hủy hoại bản thân.
Nhưng chương trình The Living Learning Australia đã đem đến cho anh một cơ hội.
“Chính âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời tôi. Nếu không có âm nhạc có thể tôi đã làm điều ngu xuẩn và có khi chẳng còn tồn tại ở đây nữa hoặc có khi giờ đang phải hối tiếc.”
Và âm nhạc thậm chí đã đem đến cho anh còn nhiều hơn thế
Giờ đây, anh đang vừa ôm đứa con trai Alijah 18 tháng tuổi trong tay, vừa nhảy theo tiếng nhạc, trong khi người bạn đời Ivanita Caceres thì đang mỉm cười hạnh phúc nhìn theo.
“Chính âm nhạc đã cứu rỗi cuộc đời tôi. Nếu không có âm nhạc có thể tôi đã làm điều ngu xuẩn và có khi chẳng còn tồn tại ở đây nữa hoặc có khi giờ đang phải hối tiếc.” Patrice Lumumba
Phải mất nhiều năm chiến đấu để có ngày này, nhưng Lumumba vẫn tự thấy bản thân mình nhận được nhiều phước hạnh.
“Có những quãng thời gian tôi cảm thấy như đang ở địa ngục, nhưng thực ra đó là một điều phước hạnh vì con người luôn cần những lúc như thế để khiến mình mạnh mẽ hơn.”
Một trường hợp khác là thanh niên Autiak, 21 tuổi, đã từng dính líu đến bạo lực, nhưng giờ anh đã trở thành một con người hoàn toàn khác.
Autiak có thể hát nhạc rap bằng tiếng Anh, tiếng A Rập và tiếng Dinka, một thứ tiếng bộ tộc ở Sudan, bởi đó là nơi xuất thân của anh, nơi anh đã bỏ lại gia đình và bạn bè để tìm đường di dân sang Úc.
“Với âm nhạc, bạn phải luôn thành thật với bản thân. Nếu bạn lừa dối bản thân, vết thương sẽ không bao giờ được chữa lành, bởi vì chỉ âm nhạc mới chữa lành cho bạn được.” Autiak Autiak.
Autiak nói khi mới tới Úc anh chỉ là một trẻ vị thành niên và nước Úc đối với anh lúc đó như một thiên đường. Nhưng anh nói anh vẫn thương nhớ và tiếc cho những người thân yêu còn đang kẹt lại quê nhà.
“Các anh em họ của tôi, những người quen của tôi giờ vẫn còn đang phải ở lại, họ không có gì cả. Trong thâm tâm tôi nghĩ, nếu họ được đến đây thay vì tôi, thì họ có thể còn làm được nhiều thứ hơn.”
Và anh đã luôn chôn giấu những nỗi niềm đó trong lòng cho đến khi có thể bắt đầu tự viết ra thành lời bài hát.
“Với âm nhạc, bạn phải luôn thành thật với bản thân. Nếu bạn lừa dối bản thân, vết thương sẽ không bao giờ được chữa lành, bởi vì chỉ âm nhạc mới chữa lành cho bạn được.”
Giám đốc của chương trình Living Learning Australia, ông Andrew McSweeney, cũng đồng tình với điều này.
“Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ ngay từ lúc bắt đầu phải thể hiện bản thân qua nội dung bài hát, và điều đó thực sự tác động đến các bạn. Bởi vì khi đó họ sẽ phải dừng lại và tự hỏi ‘nếu tôi không thể nói ra được điều tôi thường nói, thì tôi còn có thể nói được điều gì khác?’ và cách đó giúp khơi gợi những suy nghĩ nội tâm của họ.”
Ông McSweeney cho biết kết quả thu được đôi khi làm người ta phải bất ngờ.
“Có rất nhiều tài năng được phát hiện, họ là những nghệ sĩ, ca sĩ nhạc rap tuyệt vời.”
Mỗi năm đều có những thanh niên tuổi từ 20 đến 30, đã từng gặp khó khăn trong cuộc sống, đến với phòng thu Living Music.
Theo ông Anrew McSweeney, một khi tiếng nhạc bắt đầu vang lên là lúc sự biến đổi trong con người họ bắt đầu.
“Khi lần đầu tiên họ bước vào phòng thu, họ chỉ nhìn xuống đất, nhìn xuống chân chứ không nhìn tôi. Nhưng khi họ đã vào hẳn bên trong và khi chúng tôi bắt tay nhau, tôi có thể thấy sự thay đổi bắt đầu trong con người họ.”
Và phòng thu này đang chuẩn bị ra mắt album kết hợp của Patrice Lumumba, Autiak Autiak và một số nghệ sĩ khác, những người đã từng sống trong bóng tối giờ đã bước ra ánh sáng sân khấu cuộc đời họ.