Sức khỏe là Vàng (172): Bệnh gout và cách theo dõi, điều trị mới

Khớp ngón chân cái của người bị bệnh gout

Khớp ngón chân cái của người bị bệnh gout Source: Creative Commons

Đối tượng thường dễ mắc phải bệnh Gout (hay người Việt hay gọi là bệnh gút) là người trưởng thành, nhất là lứa tuổi từ 40 trở đi. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trầm trọng nhất là có thể gây tàn phế.


Nguyên nhân của bệnh gout là do trục trặc về gen, hiện nay, khoa học đã xác định được 5 gen liên quan đến bệnh gout. Đối tượng thường gặp là ở nam giới nhiều hơn nữ giới, do các gen bị trục trặc thường có ở nam.

Ở bệnh gout, do sự thay đổi khác thường của các phản ứng trong cơ thể dẫn đến việc acid uric được tạo ra nhiều hơn hoặc do sự lọc thải bằng đường tiểu không kịp gây ứ đọng.

Khi acid uric trong máu tăng lên, chúng kết hợp và tạo nên những khối trong suốt được gọi là tinh thể urat và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm, đau khớp.

Những biểu hiện của bệnh gout:

Những khối tinh thể muối urat tích tụ ở các khớp xương chính là nguyên nhân dẫn đến sự viêm, sưng tấy cũng như đau nhức cho người bệnh.

Sự tích tụ nhiều tinh thể urat ở các khớp làm cho khớp sưng lên, ngoài ra, sự gia tăng acid uric trong máu sẽ lắng đọng urat trong thận gây ra bệnh sỏi thận.

Có hai loại bệnh gout - đó là cấp tính và mãn tính. Khi bị gout cấp tính, người bệnh thường xuất hiện những cơn đau khớp dữ dội, rát bỏng. Đối với gout cấp tính, acid uric trong máu thường tăng cao.

Các triệu chứng này thường xuất hiện vào khoảng nửa đêm hoặc gần sáng, nhất là sau các bữa ăn có nhiều đạm, uống bia, rượu. Tại các khớp bị đau có hiện tượng viêm rõ rệt (sưng, nóng, đỏ, đau).

Đặc điểm trong viêm khớp của bệnh gout là các khớp đau thường hay gặp là khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp gối và đặc biệt là khớp ngón chân cái (ở nữ thường đau các khớp ngón tay).

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh gout

Có rất nhiều người lo lắng về biến chứng của bệnh gout, bởi vì khi lên cơn đau của bệnh, người bệnh sẽ phải vô cùng khổ sở để chống chọi, trong khi vẫn phải kiêng khem đủ thứ.

Bản chất của các hạt tophi là tinh thể urat, có khả năng làm biến dạng các khớp, do đó dần dần sẽ làm hạn chế vận động của khớp, đi lại khó khăn, nặng hơn nữa là gây tàn phế.

Trong trường hợp, các hạt tophi bị vỡ sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.

Bệnh gout mãn tính có thể gây lắng đọng muối urat trong thận gây ra bệnh sỏi thận, do đó, có thể làm tăng nguy cơ thận ứ nước, ứ mủ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp.

Có những trường hợp chất urat còn lắng đọng ở dưới da tạo nên các u, cục gây đau và mất thẩm mỹ.

Ngoài ra, biến chứng của bệnh gout có thể xảy ra do dùng thuốc điều trị, điển hình là gây dị ứng, nhất là loại allopurinol hoặc tác dụng phụ của các thuốc chống viêm corticoid hoặc không steroid làm tổn hại đến hệ tiêu hóa, máu, thận...

Trong tạp chí sức khỏe là Vàng hôm nay có buổi trò chuyện với chị Thúy Huỳnh, đến từ Trường Đại học NSW, người đang hỗ trợ Giáo sư Ric Day và nhóm nghiên cứu của ông, hiện đang nghiên cứu về bệnh gout tại bệnh viện St Vincent's.

Trong phần chia sẻ chị có đề cập đến một ứng dụng mới nhằm theo dõi và hỗ trợ cho việc điều trị bệnh gout. 

Mời quý vị nhấn vào phần audio ở trên dể nghe toàn bộ nội dung.

Một số tin y tế đáng chú ý được đề cập đến trong tuần này:

1. Ebola là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Dù hiếm khi được cảnh báo, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố cuộc khủng hoảng dịch ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo là trường hợp sức khỏe cộng đồng khẩn cấp.

Dịch này cho đến nay đã khiến 1,600 người tử vong.

Giám đốc điều hành của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng có sự quan ngại nghiêm trọng về tình trạng lây lan của virút khuẩn ebola khi chúng khiến bệnh nhân tử vong do mất nước và suy yếu nội tạng.

Mặc dù có một loại vắc-xin đạt hiệu quả cao và nhận được phản hồi nhanh chóng từ quốc tế sau khi dịch này xuất hiện 11 tháng trước, sự bùng phát của nó đã thể hiện vô cùng dai dẳng.

Tháng này một bộ trưởng tôn giáo đã tử vong sau khi đi du lịch đến Goma, một thành phố có 2 triệu dân và là cửa ngõ đến các quốc gia khác trong khu vực.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này hy vọng quyết định tuyên bố tình hình khẩn cấp này sẽ thúc đẩy nhiều hành động chính trị và nhiều nguồn lực tài trợ quốc tế hơn để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

2. Uống 1 ly nước ngọt mỗi ngày, tăng 18% nguy cơ bị ung thư.

Một nghiên cứu mới của Pháp trên hơn 100,000 người tìm thấy. Uống khoảng 200 ml thức uống thêm đường và nước ép trái cây mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ ung thư tăng 18 phần trăm

Nghiên cứu được công bố vào ngày 11 tháng 7 năm nay trên BMJ đã theo dõi lượng đồ uống có đường của 101,257 người trưởng thành (21% nam và 79% nữ) trong thời gian tối đa 9 năm từ 2009 đến 2018.

Các nhà nghiên cứu đã đánh giá nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư, cũng như một số loại cụ thể, bao gồm ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt, và điều chỉnh một số yếu tố khác cũng góp phần vào nguy cơ, bao gồm tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, tiền sử gia đình, hút thuốc, và hoạt động thể chất.

Họ tìm thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 100 ml mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ ung thư tổng thể tăng 18% và nguy cơ ung thư vú tăng 22%.

Trong số 2,193 bệnh ung thư được ghi nhận trong nghiên cứu kéo dài gần mười năm này, 693 trường hợp ung thư vú, 291 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và 166 trường hợp ung thư đại trực tràng.

Khi các nhà nghiên cứu chia con số này cho những người uống nước trái cây và những người uống các loại đồ ngọt khác, cả hai nhóm đều liên quan đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



 

Share