Hai ngày sau khi Chính phủ liên bang tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra quốc hội về quyền tự do ngôn luận, một số tổ chức thiểu số đã kêu gọi giữ nguyên điều mục gây tranh cãi trong Đạo luật Phân biệt Chủng tộc (Racial Discrimination Act).
Những người ký tên bao gồm đại diện từ các nhóm sắc tộc Hy Lạp, Armenia, Thổ dân, Do Thái, Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc, Việt Nam và Lebanon.
Chủ tịch Hiệp Hội Người Ấn Đại Đồng (), ông John Kennedy, cho rằng Đạo luật Phân biệt Chủng tộc đang làm tốt nhiệm vụ của mình.
"Tôi có thể thấy rất nhiều người trên đất nước này bị phân biệt đối xử vì màu da của họ, và trong thực tế, tôi ủng hộ hết mình sự đa dạng văn hóa, vì đó là điều tốt đẹp. Vì thế, chúng tôi nghĩ Quốc hội không cần thiết phải bãi bỏ Điều 18C."
Ông Kennedy cho biết, ông hiểu cảm giác bị phân biệt đối xử là như thế nào. Ông di dân đến Úc theo diện tay nghề vào năm 1998, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngày đầu tiên đến sở làm, ông đã bị một đồng nghiệp sỉ nhục.
"'Anh đến đây làm gì? Vì sao anh lại muốn đến Úc? Anh không thuộc về đất nước này. Hãy cuốn gói đi đi!' - Đó là kinh nghiệm đầu tiên tôi có được khi lần đầu đến Úc."
Ông Kennedy cho biết thêm, có lần ông còn bị mắng vốn trên điện thoại, vì khách hàng nghĩ ông gọi từ Ấn Độ.
"Khi tôi nói chuyện với họ qua điện thoại, một trong những khách hàng hét lên ở đầu dây bên kia, 'Anh đang gọi từ Ấn Độ phải không? Anh đang gọi từ Ấn Độ phải không? Anh đang ở đâu? Anh là ai?' Cũng cái ngữ điệu ấy, qua điện thoại."
"Tôi ủng hộ hết mình sự đa dạng văn hóa, vì đó là điều tốt đẹp." - John Kennedy, Chủ tịch Hiệp Hội Người Ấn Đại Đồng
Tuyên bố chung từ các nhóm sắc tộc cho biết, Điều 18C và 18D của Đạo luật là một phần quan trọng của các công cụ pháp lý và giáo dục mà họ đang sử dụng để chống nạn phân biệt sắc tộc.
Họ lo sợ rằng việc thay đổi nội dung các điều khoản trên sẽ gửi một thông điệp ngầm rằng: Việc phân biệt đối xử trong khi tranh luận là chấp nhận được.
Những người ký tên cho biết, để bảo đảm sự đa dạng văn hóa tại Úc, chính phủ cần phải bảo vệ và khuyến khích sự gắn kết xã hội, và thất bại trong việc này có thể dẫn đến thảm họa.
Mặc dù một số nghị sĩ thuộc đảng Tự do mong muốn loại bỏ từ "sỉ nhục và xúc phạm" ra khỏi Điều 18C, một số nghị sĩ khác lại cho rằng đạo luật hiện tại đã rất cân bằng.
Dân biểu mới đắc cử tại tiểu bang New South Wales, Julian Leeser, là một trong số đó.
"Chắc chắn có một số nghị sĩ trong đảng chia sẻ quan điểm với tôi, rằng Điều 18C đã đạt được một sự cân bằng hoàn hảo giữa quyền tự do ngôn luận, vốn rất cần thiết cho nền dân chủ tại Úc, nhưng đồng thời cũng bảo vệ những thiểu số sắc tộc khỏi trường hợp bị lăng mạ và sỉ nhục."
Tuy nhiên, phát biểu trên trang mạng , ông Leeser cho rằng hệ thống khiếu nại thông qua Ủy ban Nhân quyền Úc () cần được cải thiện.
"Điều 18C đã đạt được một sự cân bằng hoàn hảo giữa quyền tự do ngôn luận [...] nhưng đồng thời cũng bảo vệ những thiểu số sắc tộc khỏi trường hợp bị lăng mạ và sỉ nhục." - Dân biểu Julian Leeser
Ông cho rằng hệ thống hiện tại không có đủ động lực để loại bỏ những vụ kiện tụng không có triển vọng thành công.
"Tôi muốn gợi ý rằng, thay vì quy định chức năng chính của Ủy ban Nhân quyền là "điều tra và dung hòa", hãy đổi thành "điều tra và xác định triển vọng thành công của vụ kiện". Và nếu vụ kiện có nguy cơ thất bại cao, hãy chấm dứt nó càng sớm càng tốt."
Chủ tịch John Kennedy của Hiệp Hội Người Ấn Đại Đồng cũng đồng ý với kiến nghị của ông Leeser.
"Ủy ban có thể xem xét hồ sơ và nói, 'Xem nào, vụ kiện này có thể sẽ thất bại,' và dừng quá trình tranh tụng trước khi hai bên hầu tòa, nhằm tránh lãng phí thời gian."