Thông báo của Chính phủ Liên bang về một nguồn quỹ trị giá 20 triệu đô la giúp giải quyết vấn đề rác thải của Úc được công bố sau thỏa thuận giữa chính phủ Liên bang và các tiểu bang, vùng lãnh thổ tuần trước nhằm loại bỏ việc xuất cảng chất thải, nhựa, giấy, thủy tinh và lốp xe.
Thủ tướng Scott Morrison nói rằng những người trẻ Úc khiến ông không thể quên tầm quan trọng của việc tái chế rác thải nhựa.
"Chỉ có 12% rác thải nhựa của chúng ta được tái chế ở đất nước này. Đó là một con số mà chúng ta phải thay đổi trong tương lai. Chúng ta có trí tuệ, sở hữu các công ty tài năng và chúng ta chắc chắn có rác thải. Có một số vấn đề về môi trường được các em nhỏ đề đạt với tôi, còn nhiều hơn cả lượng rác nhựa có mặt trong đại dương. Tôi đang giải quyết việc đó hàng ngày".
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tái chế ở Victoria, khi công ty xử lý rác tái chế SKM, nơi từng giải quyết vấn đề rác thải trước đây đã ngừng hoạt động, buộc một số hội đồng thành phố phải đưa vật liệu tái chế đến bãi rác.
Chính phủ tiểu bang Victoria cho biết họ sẽ đầu tư cho các hội đồng thành phố tại Victoria một nguồn quỹ 11 triệu đô la để giúp chính quyền địa phương trả các khoản phí cao hơn cho các nhà xử lý rác thải khác.
Thế nhưng giám đốc điều hành của Hiệp hội quản lý chất thải Victoria, Peter Anderson, nói rằng đó là lỗi của chính các hội đồng thành phố khi đã chọn công ty SKM với các thỏa thuận rẻ tiền hơn.
Ông Peter Anderson nói với đài phát thanh 2GB rằng trong khi chính phủ đang giải cứu các hội đồng thành phố, các nhà khai thác rác nhỏ hơn sẽ bị bỏ lỡ cơ hội.
"Những công ty chúng tôi đang nói đến hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định của ngành xử lý và tái chế chất thải. Họ là những người điều hành các doanh nghiệp nhỏ. Họ là những người được công ty SKM ký hợp đồng phụ để thực hiện một số công đoạn xử lý rác vào những thời điểm nhất định. Bây giờ họ không có việc gì để làm cả và không có bất kỳ khoản tiền nào."
Quyết định của Trung Quốc năm ngoái về việc cấm nhập cảng chất thải từ nước ngoài đã gây ra thảm họa cho ngành tái chế rác tại Úc.
Malaysia sau đó trở thành điểm đến thay thế hàng đầu cho rác thải nhựa, thế nhưng hiện tại nước này đã bắt đầu gửi lại rác thải cho các nước, do một số phế liệu nhựa được gửi đến Malaysia đã vi phạm các công ước quốc tế.
Vậy Úc sẽ làm gì khi các nước gửi ngược chất thải quay trở lại, chưa kể đến gần 700 nghìn tấn chất thải nhựa mới được sản xuất hàng năm bởi người dân Úc?
Bộ trưởng Công nghiệp Karen Andrew nói rằng tiến trình chuyển đổi chất thải thành các sản phẩm có lợi cho môi trường sẽ tạo ra công ăn việc làm.
"Những gì chúng tôi muốn làm ở Úc là xây dựng sự hợp tác và kết nối giữa các nhà nghiên cứu trong ngành kỹ nghệ này và bảo đảm rằng chúng ta đang xem xét các cách thức sáng tạo để tái chế và xây dựng ngành tái chế chất thải của chúng ta tại Úc. Đây là một ngành kỹ nghệ của tương lai. "
Bà nói rằng đây là một ngành kỹ nghệ có thể tạo ra nhiều việc làm quan trọng.
"Nếu quý vị quan tâm đến công việc trong tương lai, ngành tái chế chất thải sẽ cung cấp cơ hội này. Chúng ta đang tái chế rác thải ở Úc, với hy vọng sẽ tạo ra số lượng việc làm gấp ba lần so với việc rác thải đó được tái chế ở nơi khác."
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ Úc tại Cairns hồi đầu tháng này, ông Morrison nói rằng đứng im không phải là một lựa chọn.
"Vấn đề này sẽ không thay đổi trừ khi có ai đó nói đã đến lúc chúng ta không thể đặt rác vào một con tàu và gửi nó cho nước khác. Vì vậy chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ về những gì chúng ta sẽ làm Tôi muốn ngày đó diễn ra càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ đó là một quan điểm được chia sẻ giữa tất cả các nhà lãnh đạo ở đây ngày hôm nay và trong quá trình tham vấn ý kiến với ngành công nghiệp này."
Khoản tài trợ 20 triệu đô la của chính phủ liên bang sẽ được cung cấp thông qua các khoản tài trợ cho các dự án của Trung tâm nghiên cứu hợp tác.