Trước sự xuất hiện biến chủng mới Omicron mà theo lời WHO là một ‘biến chủng đáng lo ngại’, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngay lập tức cho đóng cửa biên giới với châu Phi, quyết định này đã gây ra sự hỗn loạn về chuyện đi lại trên toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonia Guterres phát biểu rằng người dân ở châu Phi không đáng bị trừng phạt như vậy sau khi họ đã chia sẻ những thông tin quan trọng về nguy cơ lây nhiễm cao của biến chủng mới.
Rất nhiều quốc gia trong đó có Úc đã có lệnh cấm tạm thời các chuyến bay đến và đi tới Phi châu.
Trong một văn bản ông Guterres đã bày tỏ sự không hài lòng về lệnh cấm trên.
“Trong một thông cáo được ban hành vào sáng sớm nay, Tổng thư ký đã lên tiếng ca ngợi chính phủ cùng các nhà khoa học và cộng đồng y tế Nam Phi vì đã có hành động sớm để nhận diện sự xuất hiện của một loại biến chủng COVID-19 mới. Đồng thời, Tổng thư ký nói rằng ông quan ngại sâu sắc về sự cô lập đối với các quốc gia nam châu Phi sau khi có những lệnh cấm đi lại vì biến chủng này.”
Thông cáo này cũng chỉ ra rằng mặc dù có những cảnh báo của Liên Hiệp Quốc và WHO, thì người dân châu Phi vẫn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua mua vắc-xin, và điều đó đã khiến châu Phi trở thành nơi sinh sôi của các loại biến chủng mới.
“Như Tổng thư ký và những người khác đã cảnh báo, tỷ lệ chủng ngừa thấp chính là nguyên nhân sinh ra các loại biến chủng. Người dân Phi châu không nên bị đổ lỗi vì tỷ lệ chủng ngừa thấp, và họ không đáng bị trừng phạt vì đã xác định và chia sẻ các thông tin khoa học và y tế với thế giới.”
Ông Guterres thay vào đó đã thúc giục giới chức xem xét các phương thức xét nghiệm tăng cường và các biện pháp cách ly thay vì cấm đi lại.
“Những gì ông Tổng thư ký muốn nói là chúng ta nên suy nghĩ thêm về các giải pháp dựa trên khoa học, đó là tăng cường xét nghiệm, và nếu cần thì phải cách ly. Còn đối với giải pháp cấm toàn bộ đối với một nhóm công dân thì chúng tôi cảm thấy đó là một hình thức trừng phạt.”
Tại sân bay Johannesburg đang trong cảnh ồn ào chen chúc, Edward Barin, một khách du lịch người Anh đã kể về tình huống không mấy dễ chịu gì khi ông và hàng ngàn người khác đang phải trải qua.
“Tôi bay tới đây vào thứ Ba. Lệnh cấm bắt đầu từ thứ Năm, thứ Sáu và thế lại tôi bị mắc kẹt. Tôi nghĩ là phải có hàng ngàn người dân châu Âu đang tìm cách về nhà qua những tuyến đường khác còn sót lại, tôi nghĩ là đi qua Kenya và Ethiopia. Và đương nhiên nếu tôi muốn tránh việc phải cách ly ở khách sạn, tôi phải ở đó 10 đến 14 ngày, nếu trở về Dubai. Cho nên giờ đây mọi thứ là một mớ hỗn loạn.”
Trong khi đó, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang trấn an người dân Mỹ rằng nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với biến chủng mới, ông cam kết sẽ đẩy mạnh phát triển vắc-xin nếu cần thiết.
“Ngay cái ngày mà WHO công bố biến chủng mới, tôi đã ngay lập tức có hành động cấm nhập cảnh những người đến từ các nước nam châu Phi. Nhưng lệnh cấm nhập cảnh đó cũng chỉ có thể làm chậm lại tốc độ lây lan của Omicron, chứ không thể ngăn chặn được hoàn toàn. Chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ thấy nhiều ca nhiễm mang biến chủng này ở Mỹ. Chúng ta phải đối mặt mới mối đe doạ mới này như chúng ta đã từng phải đối mặt với các mối nguy hiểm trước đây. Biến chủng này chỉ khiến chúng ta lo ngại chứ không khiến chúng ta hoảng loạn.”
Tổng thống Biden cho hay chính quyền của ông đang làm việc với các công ty sản xuất vắc-xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson để phát triển các kế hoạch dự phòng nếu cần thiết, nhằm đối phó với biến chủng mới.
CEO của Pfizer, Albert Bourla, trả lời CNBC rằng ông dự kiến loại thuốc Paxlovid, loại thuốc điều trị COVID-19 mới đang được thử nghiệm, sẽ hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân có mang biến chủng Omicron.
“Tin vui là khi phát triển loại thuốc này chúng tôi đã đi theo hướng nghiên cứu để đối phó với biến chủng. Do đó tôi rất tự tin về loại thuốc này sẽ hoạt động hiệu quả đối với mọi đột biến, kể cả Omicron.”
Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp cho Paxlovid vào tuần trước sau khi số liệu báo cáo cho thấy loại thuốc này có tính hiệu quả đạt 89% trong việc ngăn ngừa các ca phải nhập viện hoặc ca tử vong ở những người có nguy cơ cao.
Omicron lần đầu tiên được công bố vào ngày 24/11 từ Nam Phi, nơi các ca nhiễm đang tăng mỗi ngày.
Kể từ đó nó đã lan ra hàng chục quốc gia khác.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nghiên cứu khẩn cấp về biến chủng này vẫn đang tiếp tục, nhưng sự xuất hiện của biến chủng cũng nhấn mạnh về việc cần thiết phải có một thoả thuận toàn cầu để có sự quản lý đối với những đại dịch trong tương lai ở bất kỳ hình thức nào.
“Chúng ta vẫn chưa biết liệu Omicron có gây ra sự bùng phát nào khác hay không, hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, hoặc có nguy cơ kháng vắc-xin hay không. Các nhà khoa học ở WHO và trên khắp thế giới vẫn đang làm việc khẩn trương để trả lời các câu hỏi đó. Nhưng sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã cho thấy sự nguy hiểm và tình hình không ổn định của thế giới. Thực tế là Omicron đã chứng mình vì sao thế giới cần phải có một hiệp ước mới về đại dịch.”