Đã một năm trôi qua kể từ khi các tay súng và kẻ đánh bom tự sát mở chiến dịch tấn công Paris.
Các cuộc tấn công phối hợp nhắm vào sáu điểm, bao gồm hí trường Stade de France, các quán bar và tiệm cà phê, cùng phòng hòa nhạc trứ danh Bataclan.
Nhân dịp này, gia đình của các nạn nhân đã trở lại các địa điểm trên để bày tỏ lòng kính trọng đối với người đã khuất.
Michael Dias tưởng nhớ người cha Bồ Đào Nha của anh ta, một trong những nạn nhân của vụ tấn công đầu tiên tại hí trường quốc gia, trong trận túc cầu giữa Pháp và Đức.
Anh nói cha mình là một minh chứng sống cho tinh thần hội nhập.
"Ba tôi có bạn bè đến từ mọi quốc gia, và ông tôn trọng bản sắc văn hóa của họ. Tôi luôn nhớ đến phẩm chất khoan dung này của ông ta."
Nhiều vị khách đã đến từ nhiều vùng khác nhau tại Pháp để tham gia lễ tưởng niệm.
"Phải, chúng tôi đến từ vùng tây nam để chia buồn, bởi vì đây là một sự kiện quan trọng. Tôi tin rằng sự kiện này đã thay đổi tương lai của chúng ta.
"Vì thế, tôi đã đến cùng các con tôi để suy tưởng, và để giải thích cho chúng biết điều gì đã xảy ra. Và tôi cũng hướng suy nghĩ của mình đến tất cả những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này."
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thị trưởng Paris Anne Hidalgo bắt đầu ngày làm việc bằng chuyến viếng thăm đến các nơi tưởng niệm.
Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của an ninh, họ đã khánh thành các tấm bia tưởng niệm nạn nhân.
Ông Hollande đã không phát biểu tại bất cứ lễ tưởng niệm nào, và nói rằng ông muốn dành ngày hôm nay cho các nạn nhân thay vì cho chính trị.
Địa điểm dừng chân cuối cùng của ông là hí viện Bataclan, nơi diễn ra vụ tấn công đẫm máu nhất, trong một buổi diễn của ban nhạc rock Eagles of Death Metal đến từ California, ba tay súng đã xông vào và xả súng vào đám đông, khiến 89 người thiệt mạng.
Hí viện đã mở cửa trở lại vào cuối tuần qua, với buổi hòa nhạc của ngôi sao Anh quốc Sting.
Các thành viên của nhóm Eagles of Death Metal cũng trở lại Paris để tham dự lễ tưởng niệm, bao gồm trưởng nhóm Jesse Hughes, người trước đó đã bị từ chối cho tham gia vì bình luận rằng các nhân viên an ninh tại Bataclan có thể đã đồng lõa trong vụ tấn công.
Sau đó anh ta đã xin lỗi về phát ngôn này, và bày tỏ sự biết ơn đối với nước Pháp.
"Việc tưởng nhớ những người đã khuất là một việc làm khó khăn, và tôi nhớ đến bạn bè của tôi mỗi ngày. Tôi ước chi họ vẫn còn với tôi, thế nhưng những ký ức về họ vẫn còn sống mãi.
"Và tôi không nghĩ mình có thể vượt qua nỗi đau này nếu không đến nơi này. Tôi không nghĩ vậy. Và tôi mắc nợ người dân Pháp vì những nghĩa cử của họ."
Tuy nhiên, một số người kêu gọi Pháp hành động nhiều hơn để chăm sóc cho những người sống sót.
Cô Francoise Rudetzki, đại diện cho các nạn nhân cho biết, rất nhiều người đang vật lộn để tái hòa nhập xã hội, và không thể làm việc do chấn thương tâm lý.
Theo cô Francoise, rất ít người tại Pháp được huấn luyện chuyên sâu để điều trị căng thẳng sau chấn thương.
"Chúng tôi đang khám phá những phương pháp huấn luyện chuyên viên trị liệu tốt hơn. Có một số chuyên viên trị liệu, nhưng nhìn chung, quân đội hiểu rõ việc chữa trị chấn thương tâm lý hơn.
"Và tôi mong muốn quân đội giúp sức trong việc hướng dẫn người dân điều trị các nỗi đau sau tai nạn."
Cô cho rằng nước Pháp cần phải giúp đỡ các nạn nhân trong quá trình hồi phục.