Nhớ lại chính cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 với gần 52% cử tri muốn Anh quốc ra khỏi Liên minh Âu châu đã đưa bà Theresa May lên ghế thủ tướng.
Nhưng bây giờ có vẻ cũng chính vấn đề Brexit đang làm cho bà May mất ăn mất ngủ và phải nhìn nhận nước Anh sẽ không ra khỏi EU đúng như dự trù ngày 29/3.
"Sự trì hoãn này là điều vô cùng đáng tiếc cho bản thân tôi. Tôi cũng biết công chúng đã quá chán ngấy với sự chậm trễ này."
"Các bạn chán ngấy trước cảnh đấu đá nội bộ. Các bạn chán ngấy trước trò chơi chính trị. Chán ngấy trước cảnh các dân biểu chỉ nói về Brexit chứ không không có chuyện gì khác.”
Bà May đã viết thư cho Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu xin trì hoãn ngày ra khỏi EU và ông đã đồng ý nhưng với một điều kiện.
"Theo những tư vấn mà tôi nhận được trong mấy ngày qua thì sự trì hoãn có thể thực hiện. Nhưng với một điều kiện là Hạ Viện Anh phải chấp nhận thỏa thuận Brexit. Câu hỏi bây giờ là chúng ta sẽ trì hoãn trong bao lâu."
Nhưng thỏa thuận mà bà May đã đàm phán được với EU trong hai năm qua đã bị các dân biểu Anh bác bỏ hoàn toàn đến hai lần rồi.
Làm sao để nó được thông qua là một bài toán khó cho bà May. Sự chống đối đến từ các phía, ngay cả trong chính nội bộ đảng Bảo thủ của bà May.
Chưa biết khi nào quốc hội sẽ biểu quyết một lần nữa nhưng người ta đoán là trong tuần tới.
Trong một diễn văn truyền hình trên toàn quốc, Thủ tướng May có vẻ đang gây sức ép với những dân biểu đã bác thỏa thuận của bà.
"Có phải họ muốn ra khỏi EU theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và dành lại quyền kiểm soát biên giới trong khi bảo vệ việc làm và an ninh quốc gia. Hay là họ muốn rời đi mà không có thỏa thuận?"
"Hay là họ muốn ở lại trong EU vốn có khả năng làm mất lòng tin của dân chúng mà không có cách nào lấy lại được không chỉ đối với các chính trị gia, mà còn cả nền dân chủ này? Đây là thời điểm quan trọng chúng ta phải quyết định."
Bà May nói rõ bà chỉ xin trì hoãn một lần duy nhất, và không muốn trì hoãn lâu quá.
"Tôi không muốn trì hoãn lâu hơn ngày 30 tháng 6. Một số người cho rằng tôi sai và nên xin trì hoãn lâu hơn, đến cuối năm hay lâu hơn nữa, để các chính trị gia có thêm thời gian giải quyết chuyện này."
"Điều đó có nghĩa là bắt cử tri Anh phải tiếp tục đi bầu nghị viện Âu châu trong khi họ đã muốn ra khỏi EU từ gần 3 năm nay rồi. Điều đó sẽ gởi đi thông điệp thế nào, và chiến dịch tranh cử đó sẽ chia rẽ như thế nào?"
Bà May loại trừ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác, một giải pháp phe đối lập muốn thấy xảy ra.
Nhiều người sợ rằng làm như vậy nước Anh sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn, nhất là về mặt kinh tế, nhưng xem ra nước này hiện đã ở trong tình trạng đó rồi.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại