Cao 348 mét núi đá Uluru-Kata Tjuta cao hơn tháp Eiffel bên Pháp. Ngọn núi được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới và thu hút đông đảo du khách khắp nơi trên thế giới từ nhiều chục năm nay.
Nhưng kể từ ngày 26/10/2019 Uluru sẽ đóng cửa và du khách đang đổ xô về trước ngày đó. Giám đốc của công viên quốc gia Uluru, Mike Misso, cho biết du khách đông đảo chưa từng thấy.
"Số du khách rất đông, đông chưa từng thấy trong 10, 15 năm qua. Chúng tôi chưa tổng kết nhưng chắc chắn phải gần 1,000 người mỗi ngày."
Uluru là nơi thiêng liêng của người Thổ dân thuộc bộ tộc Anangu. Họ nói các du khách khi leo lên leo xuống đã làm mòn ngọn núi đá này, chưa kể còn xả rác và gây ô nhiễm các giếng nước quanh đó.
Hiện đang là kỳ nghỉ hè của học sinh và những tấm ảnh do báo The Australian đăng tải với hàng tít du khách đã phớt lờ ước nguyện của người thổ.
Thomas Mayor sống trên đất Larrakia ở Darwin đã bỏ ra 18 tháng đi vòng quanh nước Úc vận động để người Thổ dân có tiếng nói trong quốc hội. Ông thất vọng khi thấy mọi người vội vã leo Uluru vì nó sắp đóng cửa.
"Tôi rất bất mãn, không chỉ là vì tôi là người thổ dân, mà là người Úc. Lòng tự trọng của mọi người đâu mất rồi? Những người chủ truyền thống đã yêu cầu mọi người đừng leo núi Uluru nữa. Vậy mà người ta vẫn đến bất kể lời yêu cầu của những người chủ truyền thống rộng lượng."
Ngày 26/10 đánh dấu 34 năm quyền sở hữu núi Uluru được trao lại cho bộ tộc Anangu. Khu vực này được sử dụng như công viên quốc gia trong vòng 99 năm.
Kể từ sau ngày 26/10 ai bị bắt leo núi Uluru sẽ bị phạt $630 và có thể bị truy tố ra tòa.
Giám đốc công ty du lịch Tourism Central Australia là Stephen Schwer, giải thích người ta vội vã đến Uluru vì không hiểu rằng thật ra không cần leo núi bạn vẫn có thể thưởng ngoạn khu vực thiêng liêng này của người Thổ dân.
"Ai đang muốn đến đó tôi sẽ nói hãy xem lại lý do tại sao bạn muốn làm vậy, và có lẽ nên đến đó trong năm sau và đi một vòng quanh hòn núi, hoặc ngồi trực thăng bay trên cao nhìn xuống. Bạn không cần phải leo lên núi mới cảm nhận nó được đâu."
Ngoài ra việc leo núi Uluru thực sự là chuyện nguy hiểm, đặc biệt những lúc như mưa nhiều, gió mạnh hoặc thời tiết nóng khắc nghiệt. Đã có 37 người chết trong lúc leo núi Uluru.
Uluru is considered sacred by the land's traditional Aboriginal owners, the Anangu people. Source: Pixabay