Nước Úc đang có một lượng sinh viên quốc tế nhiều chưa từng có, và hầu hết đều lựa chọn sống ở các thành phố trung tâm của quốc gia.
Cục thống kê Úc cho biết có hơn 786.000 sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học ở Úc vào năm 2017 - nhưng chỉ hơn 3% trong số đó học ở các khu vực nông thôn.
Hiện Thủ tướng Scott Morrison đang cân nhắc kế hoạch khuyến khích các du học sinh chọn các trường ở các khu vực ngoại ô, ít dân và đây được xem là một nỗ lực để giảm dân số tại Sydney và Melbourne.
Trong khi các trường đại học khu vực ít dân đang thúc đẩy phê duyệt đề xuất này, cơ quan đại diện cho sinh viên quốc tế lo ngại rằng những trường đại học ngoại ô hiện đang thiếu thốn các cơ sở cần thiết để đưa đề xuất đó thành một lựa chọn khả thi cho sinh viên.
Vậy thì du học sinh ở những vùng ít dân cư thực sự có cuộc sống như thế nào? Và những mối lo ngại kia có đúng hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, chương trình phỏng vấn bạn du học sinh Trần Quốc Huy, sinh viên tại trường La Trobe Bendigo. Bạn cũng nằm trong danh sách danh dự ứng cử Finalist giải thưởng Sinh Viên Quốc Tế Úc năm 2018- hạng mục Sinh Viên Vùng Ít Dân Cư.
SBS: Xin chào Huy, trước tiên bạn giới thiệu đôi nét về bản thân mình với thính giả nhé?
Quốc Huy: Mình tên Huy, 22 tuổi, đang học năm ba ngành Early Childhood Education ở La Trobe Univeristy, Bendigo Campus. Tháng 11 này sẽ đánh dấu 5 năm mình sang du học ở Úc. Mình sang Úc hồi mới 17 tuổi, lúc đó mình sống ở Melbourne học Foudation xong rồi vào học ngành Marketing cũng tại Melbourne.
Nhưng lúc đó, mình cảm thấy không thích ngành này lắm. Mình thì muốn làm cái gì đó mang tính cộng đồng, giúp đỡ mọi người nhiều hơn và mình cũng thích làm việc với trẻ em nên mình quyết định chuyển xuống Bendigo học ngành này.
SBS: Huy đang sống và học tập ở Bendigo, thành phố khá ít dân cư của tiểu bang Victoria so với thành phố lớn như Melbourne . Bạn kể về cuộc sống và môi trường ở đó cho mọi người nghe được ko?
Quốc Huy: Trường La Trobe ở Bendigo thì rất là to, nhưng lượng du học sinh thì rất ít nên những trải nghiệm văn hoá dành cho du học sinh cũng hạn chế. Số lượng du học sinh đến từ Việt Nam lại càng ít hơn nữa. Trên cả một campus hầu như chỉ có 6 bạn Việt Nam, tính luôn cả Huy. Tuy nhiên, lợi thế là mình có cơ hội tiếp xúc nhiều với học sinh bản xứ, những hoạt đông trong trường cũng mang tính cộng đồng và gần gũi hơn cũng như các dịch vụ trong trường cũng mang tính cá nhân hơn.
Thành phố Bendingo khá cổ kính và có nhiều hoạt động mang tính cổ điển . Thành phố Bendigo nhỏ nên hầu như mọi người tham gia các hoạt động tổ chức đều biết lẫn nhau nên dễ để hỗ trợ nhau trong công việc.
SBS: Quê Huy ở Việt Nam là ở đâu?
Quốc Huy: Dạ mình ở Sài Gòn.
SBS: Thường những bạn đến từ các khu đô thị sầm uất như Sài Gòn sang đây thường khó để thích nghi ở các khu ít dân cư. Như Huy đây, từng sống ở Melbourne trước đó nữa, vậy thời gian đầu chuyển xuống Bendigo bạn đã trải qua những thử thách gì?
Quốc Huy: Ban đầu mình cảm thấy hơi lạc lõng một chút vì hầu hết bạn bè của mình đều ở trên Melbourne nên mình giống như phải bắt đầu lại từ đầu. Giấy tờ hồ sơ của mình thời điểm đó cũng khá phức tạp nên mình tự phải lo hết mọi thứ.
Trên cả một campus hầu như chỉ có 6 bạn Việt Nam, tính luôn cả mình.
SBS: Theo Huy thấy thì lợi ích và hạn chế của việc cư ngụ ở khu vực ít dân cư là gì?
Quốc Huy: Lợi ích là những dịch vụ và tổ chức đều biết lần nhau nên du học sinh ở đây sẽ có tinh thần cộng đồng tốt hơn. Tuy nhiên, đó cũng là mặt hạn chế vì mình thấy có nhiều bạn hài lòng với những thứ từ cuộc sống đến các mối quan hệ gói gọn trong cộng đồng này nên họ không thấy cần phải bước ra khỏi vùng an toàn nhiều nữa. Nhưng mình nghĩ các bạn hiện tại có những người bạn ở trường và các tổ chức xung quanh thì đó là điểm xuất phát chứ không phải là điểm kết thúc. Các bạn càng nên bước ra ngoài và làm quen với nhiều bạn bè hơn nữa, nhiều tổ chức hơn nữa. Vì ngoài kia thế giới rộng lớn hơn, xã hội thách thức hơn.SBS: Bạn nghĩ cơ hội việc làm ở đó như thế nào so với các thành phố lớn của Úc như Mebourne, hay Sydney?
Quốc Huy đoạt giải cuộc thi viết truyện ngắn năm 2017 Source: Supplied
Quốc Huy: Mặt tích cực thì các bạn ở đây có cơ hội gầy dựng các mối quan hệ nên sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn. Mặt hạn chế dưới đây là các bạn phải cạnh tranh với học sinh bản xứ nhiều hơn. Và cuộc cạnh tranh với các bạn bản xứ ở đây thì rất dai dẳng và khó khăn để có thể bước chân vào thị trường việc làm.
Chẳng hạn như ngành Giáo dục của mình, mình là du học sinh và cũng làm nam sinh duy nhất trong ngành này ở đây. Hầu như các bạn cùng lớp của mình đều đã có công việc part-time hoặc đã có kinh nghiệm trong ngành này. Nên khi tốt nghiệp, các bạn ấy có thể dễ dàng cầm tấm bằng và xin công việc toàn thời gian. Còn mình đang là du học sinh, không thể làm part-time trong ngành mình muốn nên Huy đang phải chờ cho đến khi tốt nghiệp xong thì mình mới có thể xin được việc làm.
Mình nghĩ sau này mình kiếm được công việc ở đâu thì mình sẽ sống ở đó chứ không nhất thiết phải kiếm được việc ở Melbourne để sống tại Melbourne.
SBS: Bạn có từng muốn quay về Melbourne hay các khu vực trung tâm có cuộc sống nhộn nhịp hơn không?
Quốc Huy: Mình có. (cười) Đôi khi mình cũng muốn quay lại Melbourne sinh sống. Nhưng cũng khó nói. Vì mình nghĩ sau này mình kiếm được công việc ở đâu thì mình sẽ sống ở đó chứ không nhất thiết phải kiếm được việc ở Melbourne để sống tại Melbourne. Thực sự ra, so Melbourne và Bendigo thì Bendigo sẽ khó khăn hơn. Nhưng Bendigo vẫn tốt hơn so với nhiều thành phố nhỏ khác nữa. Mình nói chuyện với các bạn bản xứ và được biết ở một số vùng ít dân khác, hầu như cả một thành phố đó ngày xưa chỉ có 12 đứa trẻ được sinh ra và đi học cùng nhau từ nhỏ đến lớn. Mình nghĩ còn nhiều khó khăn hơn nữa ở các vùng ven và mình biết cũng có nhiều bạn học các thành phố nhỏ hơn cả Bendigo, nên mình muốn thể hiện cho mọi người thấy là các du học sinh những vùng thế này cũng có nhiều thứ để đóng góp cho Úc nên mọi người cũng cần để ý đến Bendigo và các thành phố khác nhiều hơn.
SBS: Có bao giờ Huy cảm thấy mình thiệt thòi hơn so với những bạn bè khác đang ở các thành phố lớn hay không?
Quốc Huy: Mình phải trả lời thành thật là có. Nhất là khi mình tham gia giải thưởng VIEA 2018 của Study Melbourne. Khi trò chuyện với các thí sinh khác thì mình thấy du học sinh dưới những vùng ít dân thì không có nhiều công việc tình nguyện đa dạng như dành cho các bạn du học sinh ở thành phố trung tâm.
Trước đây khi sống trên Melbourne mình cũng tham gia một số hoạt động tình nguyện và nhận thấy rằng công việc tình nguyện dưới này khá một màu và không giúp ích nhiều trong việc học và kiếm việc làm cho các bạn sau này. Các bạn chỉ được tham gia tình nguyện trong trường hoặc vài sự kiện trong thành phố Bendigo mà thôi. Nên so ra, kinh nghiệm của các bạn sẽ không đa dạng như những bạn ở các thành phố khác.SBS: Ở nơi Huy sống, bạn cảm thấy các tổ chức ở trường và địa phương quan tâm thế nào đến du học sinh ? Họ có các hoạt động gì để thu hút sinh viên quốc tế không?
Quốc Huy làm tình nguyện viên Source: Supplied
Quốc Huy: Mình cảm thấy những dự án quảng bá của trường thì thu hút học sinh nói chung chứ không dành cho sinh viên quốc tế. Vấn đề này khá khó nói, mình không muốn dùng chữ "thiên vị" nhưng mình cảm thấy hơi thiệt thòi cho các du học sinh. Giống như một băng rôn đăng lên, thì các bạn du học sinh sẽ không cảm thấy cuốn hút vào băng rôn đó để đăng ký học tại trường. Nên Huy mong muốn bên trường sẽ đầu tư cho du học sinh nhiều hơn.
Về phía du học sinh thì Huy thấy cũng có mặt hạn chế nhất định. Một trong những điều mình luôn cố gắng và luôn muốn Hội sinh viên của mình đạt được đó là xoá bỏ rào cản giữa du học sinh với học sinh bản xứ.
Mình thấy du học sinh chỉ chơi với nhau chứ không chơi cùng học sinh bản xứ, dù có chơi thì cũng không thân mà chỉ là bạn chung lớp.
Tại các hoạt động bên nhóm mình tổ chức cho cả du học sinh và sinh viên bản xứ tham gia, thì mình thấy các bạn du học sinh đứng một bên, các bạn bản xứ ở một bên. Khi làm khảo sát ý kiến các bạn bản xứ về hoạt động thì các bạn bảo là vui nhưng du học sinh nhát quá, không dám nói chuyện nhiều nên cũng không có cơ hội để tìm hiểu được nhiều giữa các bạn với du học sinh. Và bản chất cái tên hội của mình là Hội du học sinh cũng là một rào cản. Nhiều bạn bản xứ nghĩ Hội chỉ dành cho du học sinh mà thôi. Nhưng tụi mình đều nói với các bạn rằng Hội chúng mình luôn chào đón những bạn bản xứ thích tham gia cùng các bạn du học sinh.
SBS: Cảm ơn Huy rất nhiều về buổi trò chuyện cởi mở ngày hôm nay. Chúc cho những ấp ủ, dự định của Huy sẽ sớm được thực hiện và thành công suôn sẻ.
Điểm tin tại Úc
The visa is aimed at STEM professionals Source: AAP
Chính phủ liên bang rất kì vọng chương trình học bổng với tổng trị giá lên đến 24 triệu Úc kim sẽ có thể hỗ trợ một phần lớn học phí khi sinh viên chọn học tại các trường đại học, các trường đào tạo nghề.
Hướng dẫn tái định cư mới này sẽ giúp các sinh viên đang gặp khó khăn về tài chính có thể dễ dàng nộp đơn xin hỗ trợ tài chính, bao gồm cả các gia đình đang nhận trợ cấp dành cho hộ nông dân.
Hiện chương trình đang nhận hồ sơ xét tuyển cho đến này 14/12/2018.
Chương trình với mức học bổng $18,000 dành cho một sinh viên, sẽ bảo đảm được chi phí học toàn thời gian cho sinh viên trong vòng 6 tháng, hoặc lên tới 8 năm nếu sinh viên học bán thời gian, bao gồm cả việc sinh viên học trực tiếp tại trường hay học trực tuyến trên mạng.
Để có đủ điều kiện xin học bổng này, sinh viên phải đăng kí học các khóa học về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), Y tế hoặc Nông nghiệp với trình độ chuyên môn: Chứng chỉ IV; Bằng cấp; Advanced Diploma hoặc Associate Degree; Bằng cử nhân; Bằng Cử nhân Danh dự, Chứng chỉ tốt nghiệp hoặc Văn bằng tốt nghiệp; Bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ.
Sinh viên tìm hiểu thêm chi tiết trên trang chính thức của .
Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ tại Úc
OzAsia Festival Source: festivalsadelaide.com.au
Diễn ra trong vòng 18 ngày từ 25/10 đến 11/11, chương trình Liên hoan OzAsia thường niên trình diễn những loại hình nghệ thuật đặc sắc từ múa đương đại, kịch, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, phim ảnh, văn học, ẩm thực, các sự kiện gia đình, hội thảo, các buổi diễn thuyết và nhiều thể loại nghệ thuật đang phổ biến khác ở châu Á.
Chương trình mở rộng và sáng tạo này nhận được sự ca ngợi và khen tụng hàng năm, và dự kiến thu hút 190.000 khách tham dự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Ông Joseph Mitchell, Giám đốc nghệ thuật phát biểu “Là chương trình mở rộng và đa dạng nhất của chúng tôi cho đến nay, OzAsia tiếp tục dẫn đầu và là lễ hội nghệ thuật lớn Úc hợp tác với châu Á. Chương trình năm nay giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại như hơi thở không giới hạn đến từ khắp châu Á cũng như khám phá sự hợp tác giữa Úc và châu Á. Tất cả mọi người đều sẽ tìm thấy cho mình những điều thú vị trong suốt lễ hội này từ các sự kiện miễn phí và sự kiện có bán vé.”
Năm nay sẽ là chương trình lớn nhất từ trước tới nay của lễ hội này gồm 60 sự kiện độc đáo kỷ lục.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại