Các con số khoa học đều đồng thuận rằng tình trạng cháy rừng của Úc có nguy cơ ngày càng kéo dài và dữ dội hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ cao hơn xảy ra ở thời điểm sớm hơn trong năm, bão nhiều hơn và ít mưa.
Ông Ross Bradstock là Giám đốc Trung tâm Quản lý Môi trường, chịu trách nhiệm về các vụ cháy rừng tại Đại học Wollongong.
Ông nói rằng các vụ cháy rừng nghiêm trọng diễn ra vì bốn nguyên nhân chính, mỗi nguyên nhân đều có thể liên quan đến biến đổi khí hậu.
"Chúng ta cần nhiên liệu, một lớp nhiên liệu liên tục trên toàn bộ khu rừng. Yếu tố thứ hai là nhiên liệu phải khô và nó phải khô đồng đều. Điều kiện thứ ba là thời tiết nóng, gió và độ ẩm thấp, bởi vì một khi đám cháy xảy ra, việc này khiến nó lan nhanh hơn. Cuối cùng, chúng ta cần đến mồi lửa, từ con người hoặc tự nhiên, như sấm sét."
Các thành viên cao cấp của chính phủ liên bang đang kêu gọi người dân bình tĩnh, khẳng định nguy cơ hỏa hoạn gia tăng là vấn đề đã được dự báo trước, chẳng hạn như hạn hán.
Nhưng các nhà khoa học nói rằng tình trạng cháy rừng thảm khốc hơn vì biến đổi khí hậu.
Cục Khí tượng cho biết trong một báo cáo năm ngoái, biến đổi khí hậu đã dẫn đến sự gia tăng các sự kiện thời tiết khủng khiếp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các thảm họa tự nhiên khác, như hạn hán.
Giáo sư Bradstock nói với SBS.
"Có các bằng chứng được công bố gần đây cho thấy mùa đông khô mà chúng ta có ở miền Đông Nam nước Úc và những vụ cháy rừng xảy ra sớm khi hè chưa đến có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu. Chúng ta đang thấy tình trạng khô hạn đặc biệt ở Bắc tiểu bang New South Wales. Khó có thể nói cụ thể sự kiện đặc biệt này là do biến đổi khí hậu, nhưng các bằng chứng rất rõ ràng."
Một số người trong chính phủ liên bang cũng cho rằng nguy cơ gia tăng cháy rừng là do các hạn chế mới được áp dụng đối với việc đốt một số bụi cây nhỏ, để loại bỏ thảm thực vật khô có nguy cơ gây ra cháy rừng hoặc các vụ cháy ít dữ dội hơn.
Phương pháp này khác với phương pháp đốt ngược, như bắt đầu đốt các đám cháy nhỏ, có kiểm soát theo hướng đi của một đám cháy rừng để giảm lượng nhiên liệu khô có sẵn trong rừng.
David Bowman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung tâm Cứu hỏa tại Đại học Tasmania, nói với đài ABC rằng các vụ đốt cỏ khô nhỏ không phải là nguyên nhân để đổ lỗi hoàn toàn.
“Vấn đề cốt lõi là chúng ta nhìn thấy tín hiệu khí hậu thay đổi. Hạn hán khắc nghiệt, điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, những vụ cháy rừng mà chúng ta nên thấy vào mùa hè, lại diễn ra vào mùa xuân. Vì vậy, việc quản lý nhiên liệu với có thể gây ra cháy rừng là một yếu tố . Nhưng liệu các chương trình đốt cỏ khô có thể khắc phục khủng hoảng hỏa hoạn này không? Hoàn toàn không."
Nha khí tượng cho biết năm 2018 và 2017 là năm nóng thứ ba và thứ tư của Úc được ghi nhận.
Vào tháng Tư năm nay, một nhóm gồm 23 cựu đội trưởng đội cứu hỏa đã cùng nhau cảnh báo về việc biến đổi khí hậu đang làm hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên và khiến người dân gặp nguy hiểm như thế nào.
Vào tháng 9, trung tâm nghiên cứu hợp tác về tình trạng cháy rừng và thiên tai đã công bố nguy cơ cháy rừng theo mùa hàng năm, mô tả bờ biển phía Đông Úc có "nguy cơ cháy trên mức bình thường".
Richard Thornton là giám đốc điều hành của trung tâm.
"Những gì chúng ta chứng kiến, và tất cả các bằng chứng cho thấy nhiệt độ đang ở khoảng một độ trên mức trung bình dài hạn. Điều đó dẫn đến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn trên toàn thế giới. Chúng ta cũng sẽ thấy số lượng các vụ hỏa hoạn trong mùa này đang tăng lên. Thời gian giữa những mùa cháy rừng khắc nghiệt này sẽ ngày càng ngắn hơn và ngắn hơn. Chúng ta sẽ thấy những hiện tượng này xuất hiện thường xuyên hơn."
Năm ngoái, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Úc đang thiếu những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon.
Chính phủ Úc nói rằng họ đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Nhưng những người ủng hộ chống biến đổi khí hậu đang kêu gọi chính phủ thiết lập những mục tiêu tham vọng hơn.
Tiến sĩ Thornton nói rằng việc tổ chức cách sử dụng các nguồn lực chữa cháy cũng có thể cần cải tổ.
"Các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên của chúng ta hoạt động khá tốt vào lúc này. Nhưng khi chúng ta nhìn vào tương lai, nơi các vụ cháy rừng đang kéo dài hơn và bắt đầu có sự chồng chéo giữa mùa cháy ở Úc và Bắc Bán Cầu, nơi chúng ta chia sẻ nguồn cung ứng với nhau, chúng ta nhận ra tình hình không mấy chắc chắn.”
Tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố ở New South Wales, trong khi nguy cơ hỏa hoạn "thảm khốc" đã được dự báo cho Greater Sydney.
Mức độ hỏa hoạn "thảm khốc" (catastrophic) được dự báo tại khu vực Greater Sydney, nơi lần đầu tiên bị xếp vào mức nguy hiểm cao nhất sau khi bảng phân loại mức độ cháy rừng được đưa ra một thập kỷ trước, sau vụ cháy Black Saturday ở Victoria.
Mức báo động ‘thảm khốc" cũng bao gồm khu vực Hunter, phía bắc Sydney và Illawarra / Shoalhaven ở phía nam.
"Thảm khốc" là mức cao nhất trong sáu mức báo động hỏa hoạn. Các phân loại khác là “Thấp - Trung bình, Cao, Rất cao, Nghiêm trọng và Vô cùng nghiêm trọng”.