Đối với người mẹ New Zealand, Hera Peihopa, nỗi đau của việc mất đi đứa con trai của bà đến nay vẫn chưa thể nguôi ngoai chút nào theo thời gian: “Rob thực sự là rất nhiệt tình. Thằng nhỏ luôn muốn đem tới cho mọi người những gì tốt đẹp nhất. Ý tôi là, nó rất yêu mọi người; dẫu rằng, như tất cả chúng ta, ai chẳng có một phần tối bên trong”.
Rob Peihopa đã qua đời trong trung tâm giam giữ người di trú Villawood cách đây 2 năm vì loạn nhịp tim mà nguyên nhân là sử dụng ma túy đá và đánh nhau. Anh đã bị trục xuất sang New Zealand sau khi thụ án tù, một trong những trường hợp chiếu khán bị hủy.
Và hiện nay, hầu hết những người đang bị giam giữ tại trung tâm giam giữ di trú lớn nhất này của Úc cũng đang đối diện với lệnh trục xuất.
Có 467 người hiện đang bị giam trong trung tâm Villawood.
Số liệu thu được độc quyền của SBS theo Luật Tự do Thông tin cho thấy, có một cuộc khủng hoảng ma túy diễn ra bên trong trung tâm này.
Chỉ riêng năm ngoái, đã xảy ra 126 vụ tai nạn liên quan đến ma túy, tức là tương đương với gần hai vụ rưỡi mỗi tuần. Có 45 vụ co giật do ma túy hoặc các loại bột chưa xác định và 16 vụ do cần sa. Ngoài ra, còn có 5 vụ lên cơn co giật do ma túy đá.
Đó là mới chỉ tính đến những vụ mà trong đó tìm thấy các loại chất kích thích.
Một người New Zealand khác, Justin Miller, đã bị trục xuất hồi tháng Tư, nói rằng, tại Villawood, việc tìm các loại chất kích thích xem ra dễ dàng hơn nhiều so với các trung tâm giam giữ khác.
Miller tiết lộ: “Tôi đã tìm được ma túy đá ở đó. Tôi đã thấy ... họ gọi nó là gì nhỉ... À, họ gọi nó là 'bupe.' * Nó thay thế cho heroin. Mà cho dù bạn muốn loại nào, bạn đều có thể tìm thấy chúng ở đó”.
"Hầu như không thể ngăn chặn nổi sự xâm nhập của các loại ma túy vào bên trong. Bởi vậy, tốt nhất là triển khai chương trình cai nghiện ma túy mà chúng ta biết rằng, nó rất hiệu quả” - GS Kate Dolan.
Tại Trung tâm nghiên cứu ma túy và rượu Quốc gia thuộc Đại học New South Wales, GS Kate Dolan đã nghiên cứu sử dụng ma túy trong tù trong 25 năm. GS Dolan cho rằng, triển khai các dịch vụ cai nghiện ma túy trong các trung tâm giam giữ là rất cần thiết.
GS Dolan nói: “Tôi khá ngạc nhiên, vì có vẻ như mỗi ngày, lại có một số loại ma túy được tìm thấy ở đó. Và hầu như không thể ngăn chặn nổi sự xâm nhập của các loại ma túy vào bên trong. Bởi vậy, tốt nhất là triển khai chương trình cai nghiện ma túy mà chúng ta biết rằng, nó rất hiệu quả”.
Lực lượng Bảo vệ biên giới Úc cho biết, các hoạt động phạm pháp diễn ra ngay tại các trung tâm giam giữ đang tăng, khi có nhiều tội phạm đang chờ lệnh trục xuất ở đây.
Tổ chức này cho biết, họ đang làm việc với Serco - công ty tư nhân đang điều hành Trung tâm giam giữ Villawood, để chặn đứng nạn buôn lậu xâm nhập vào trung tâm này.
Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ biên giới Úc cũng thừa nhận rằng, việc loại bỏ nó hoàn toàn vấn nạn này hầu như không thể.
Tại cuộc điều tra về cái chết của Rob Peihopa, nhân viên điều tra đã đề nghị Bộ Nhập cư và Bảo Vệ Biên Giới phải nỗ lực hành động nhiều hơn để giúp những người đang vật vã chống lại cơn nghiện.
Hiện chưa rõ liệu sẽ có gì thay đổi hay không.
Bà Peihopa nói rằng, việc sử dụng ma túy trong trung tâm giam giữ là điều không đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, bà lo lắng rằng, nếu chúng ta không có hành động một cách kiên quyết, mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn. “Họ được đưa vào đó, như bạn cũng hiểu, trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Và họ đang chịu đựng rất nhiều áp lực. Ở một nơi như thế, cố gắng trụ lại, và rất nhiều... có rất nhiều căng thẳng khác nữa. Và, bạn biết đấy, họ đang đau khổ, vìbị chia tách khỏi gia đình. Họ lo lắng, trầm cảm, họ sẽ nghĩ tới một thứ gì đó để giúp họ tạm quên đi những điều đó. Bởi thế, họ đang cần... họ rất cần sự giúp đỡ”.