Chính phủ Liên bang đã đồng ý dành gần 7 tỉ Úc kim để mua 6 máy bay không người lái giám sát tầm xa, do Hoa Kỳ sản xuất.
Chính phủ nói rằng, máy bay không người lái sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Úc, khi chúng được triển khai vào năm 2023 cho các hoạt động chung với Hoa Kỳ trong khu vực châu Á.
Loại máy bay Triton này có sải cánh tương đương máy bay Boeing 737, do Tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman của Mỹ sản xuất, mỗi chiếc có thể giám sát một khu vực rộng tương đương diện tích Thụy Sĩ - khoảng 40.000 km2 - trong một ngày, từ độ cao 60 ngàn feet (tức hơn 18 ngàn m).
Tầm hoạt động của những chiếc máy bay này có thể vươn tới Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương, thậm chí cả Nam Cực, nhưng biển Đông được xác định là trọng tâm.
Tổng trưởng Công nghiệp quốc phòng Christopher Pyne nói rằng, các máy bay mới này sẽ bảo đảm cho Úc có vị thế tốt hơn trong ứng phó với các mối đe dọa về biên giới.
Ông nói: “Các máy bay này sẽ giúp nâng cao khả năng giám sát và trinh sát của chúng ta; giúp chúng ta biết ai đang ở trong vùng biển của chúng ta. Chúng ta cũng sử dụng những máy bay này để đối phó với nạn buôn lậu hay những kẻ xâm hại môi trường trong khu vực biển của chúng ta, cả những tay đánh cá bất hợp pháp. Sau nữa, chúng ta có thể cung cấp thông tin đó cho các quốc gia trong liên minh tình báo “Năm đôi mắt” của 5 nước, như Canada, Tân Tây Lan, Anh và Hoa Kỳ”.
Máy bay không người lái có thể theo dõi bất cứ thứ gì, từ các chiến hạm nước ngoài, tàu đánh cá bất hợp pháp hoặc tàu thuyền của bọn buôn người.
Đảng Xanh nói rằng, việc mua những thứ mà đảng này gọi là “vũ khí chiến tranh” này sẽ chẳng giúp người Úc thấy an toàn hơn và sẽ buộc Úc vào một đồng minh mà họ nói là nguy hiểm.
Tin tức về vụ mua máy bay không người lái được đưa ra giữa khi Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đang cố gắng để dự luật mới về chống can thiệp của nước ngoài được Thượng viện thông qua, bất chấp sự phản đối từ đảng Lao động và Thượng nghị sĩ độc lập Andrew Wilkie.
Phát ngôn viên tư pháp phe đối lập Mark Dreyfus nói rằng, dự luật chống can thiệp từ nước ngoài mắc một sai lầm nghiêm trọng, xuất phát từ cách tiếp cận và các biện pháp bảo vệ được đưa ra hoàn toàn không đầy đủ.
Ông Dreyfus nói rằng, dự luật có thể đe dọa chính các nhà báo khi họ thông tin về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Ông cho biết, phe đối lập hiện ủng hộ cho việc sửa lại dự luật bởi văn bản này cần có những thay đổi cần thiết, để theo kịp với các mối đe dọa vốn đang thay đổi nhanh chóng. Ông nhấn mạnh: “Đảng Lao động đã tham gia một cách xây dựng với chính phủ về dự luật này, thông qua Ủy ban Hỗn hợp về tình báo và an ninh của Quốc hội”.
Ông Andrew Wilkie cho biết, hai đảng chính đang cố gắng để dự luật được thông qua trước các cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào tháng bảy tới.
Ông nhận xét rằng, bản dự thảo luật này khi trình ra trước quốc hội được soạn thảo kém và sẽ làm giảm các quyền dân sự một cách không cần thiết.
Ông Wilkie nói trước quốc hội rằng, mục tiêu để luật này được ban hành trước 5 cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 28/7 là hoàn toàn phi lý. “Chúng ta nên xem xét những điều khoản này một cách cẩn thận và từ tốn, để chắc chắn rằng, cuối cùng, những gì luật này quy định và được thông qua bảo đảm một cách tốt nhất lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta, chứ không phải vì lợi ích chính trị của chính phủ hay của phe đối lập”.
Tuy không nêu đích danh, nhưng dự luật này nhằm đến, hay ít nhất là nhắm đến một phần, vào đối tác thương mại lớn nhất của Úc là Trung Quốc.
Và khi cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn, lại thêm những tiết lộ về việc một công ty viễn thông lớn của Trung Quốc - Huwaei đả bỏ tiền và quà ra tặng cho các nghị sĩ liên bang thuộc cả hai đảng chính.
Kết luận của Viện Chính sách chiến lược Úc - một tổ chức tư vấn chính sách của Úc - cho thấy, Huwaei đã chi trả cho các chuyến đi của các nghị sĩ liên bang Úc nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong 8 năm qua.
Trong số các chính trị gia Úc được tài trợ các chuyến bay hạng thương gia, các chuyến đi nội địa, chỗ ăn ở có nguyên Chủ tịch Hạ viện Bronwyn Bishop, Tổng trưởng Thương mại Steve Ciobo, Ngoại trưởng Julie Bishop và Jim Chalmers của đảng Lao động.
Viện Chính sách chiến lược Úc đã kiểm tra sổ đăng ký chính trị có liên quan và phát hiện ra rằng, Huawei đã trả tiền cho tổng cộng tới 12 chuyến trong 8 năm qua.
Chủ tịch Huawei tại Úc, Peter Lord, nói với đài ABC, rằng các chuyến đi như vậy là cơ hội để công ty Trung Quốc này thể hiện tiềm năng công nghệ của mình. “Chúng tôi sẵn lòng mời mọi người đến thăm Huawei, còn chuyện họ có đi hay không hay đi như thế nào là quyết định của họ. Và chúng tôi sẽ còn tiếp tục làm điều đó”
Tiết lộ nàyđược đưa ra giữa khi Ủy ban An ninh Quốc gia của Chính phủ còn đang xem xét liệu Huawei có nên được tham gia vào việc phát triển mạng viễn thông 5G của Úc hay không.
Một số nghị sĩ đã kêu gọi cấm do lo ngại về an ninh quốc gia, bởi các mối quan hệ của Huawei với chính phủ Trung Quốc và cáo buộc công ty này có liên quan đến hoạt động gián điệp do nhà nước Trung Quốc bảo trợ.
Hồi năm 2012, Huawei từng bị cấm tham gia vào mạng băng thông rộng quốc gia, theo lời khuyên của Viện Chính sách chiến lược Úc.
Giám đốc điều hành của Viện này, ông Peter Jennings, cho biết, sau 5 năm, kể từ khi Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn trong các chính sách của họ, hiện nay, các nghị sĩ Úc đã ít tiếp nhận các chuyến đi miễn phí đến Trung Quốc hơn.
Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng, ai cũng ngây thơ trước bản chất của mối đe dọa mà sự tăng trưởng của quyền lực Trung Quốc đang thể hiện, nhất là với các dân biểu của chúng ta. Tôi nghĩ, có xu hướng chỉ nhìn vào những lo lắng trước việc Trung Quốc ngày càng giàu có, mà thiếu đi mối lưu tâm về những mặt trái của việc khả năng quân sự của Trung Quốc, cũng như chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn hơn của họ. Và tôi nghĩ, điều này hiện có thể đang tác động đến quốc hội. Quan điểm của tôi là, điều đó nay đã thuộc về quá khứ. Nó xảy ra từ vài năm trước và tôi rất vui vì hiện tại, ít nhất nó cũng đã qua rồi”.