Nghiên cứu mới về nguồn gốc người Thổ dân

Map of Australia showing movement of Indigenous people

Bản đồ con đường di cư của những cư dân đầu tiên ở Úc. Source: University of Adelaide

Một nghiên cứu khoa học về DNA người Thổ dân đã tìm ra cách các cư dân đầu tiên di cư trên lục địa này vào khoảng 50,000 năm trước.


Vào khoảng 50,000 năm trước, những con người đầu tiên đã đặt chân đến Úc bằng con đường ngang qua New Guinea, vào thời điểm đó là con đường đất liền nối liền với lục địa.

Nhóm người này sau đó đã chia làm hai, tiếp tục di cư dọc theo hai bờ duyên hải nước Úc, và cuối cùng gặp nhau ở Nam Úc, vào khoảng 2,000 năm trước.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu về DNA cổ xưa thuộc đại học Adelaide, ông Alan Cooper cho biết, nghiên cứu đã tìm ra con đường di dân thuở ban sơ ở Úc bằng việc nghiên cứu các mẫu tóc thu thập được.

“Sau khi những cư dân đầu tiên đặt chân đến Úc vào 50,000 năm trước, từ đây có thể thấy đã có hai hướng di chuyển song song. Một hướng di chuyển theo chiều kim đồng hồ ở duyên hải bờ đông, và hướng còn lại ngược chiều kim đồng theo duyên hải bờ Tây. Những cư dân đầu tiên rõ ràng là đã chia ra làm hai nhóm ở phía bắc, rồi từ đó dân số bắt đầu phát triển mạnh mẽ dọc theo miền duyên hải nước Úc.”

Nghiên cứu cũng cho thấy các cộng đồng Thổ dân đã có mặt ở đây trong suốt khoảng thời gian 50,000 năm qua, đây là những chứng cứ khẳng định những gì người Thổ dân đã xác nhận trong thời gian qua.
"...Một hướng di chuyển theo chiều kim đồng hồ ở duyên hải bờ đông, và hướng còn lại ngược chiều kim đồng theo duyên hải bờ Tây. Những cư dân đầu tiên rõ ràng là đã chia ra làm hai nhóm ở phía bắc, rồi từ đó dân số bắt đầu phát triển mạnh mẽ dọc theo miền duyên hải nước Úc," Alan Cooper.
Nhưng giáo sư Cooper cũng cho biết, điều gây bất ngờ là cộng đồng Thổ dân ở Úc không di cư theo điều kiện môi trường, thậm chí vào thời kỳ cao điểm nhất của cuộc di cư là ở kỷ Băng Hà cuối cùng.

“Khoảng 20,000 năm trước là thời điểm băng giá xảy ra trên khắp thế giới, và nước Úc vào khoảng thời gian đó cũng chịu chung số phận, rất khắc nghiệt. Nhiều nghiên cứu cho biết 2/3 nước Úc được hình thành do các đồi cát di chuyển vào thời gian đó, do khí hậu ở đây rất khô, không thể trồng được bất cứ loại cây gì để chống cát bay.”

Nghiên cứu DNA đã sử dụng các mẫu tóc do các nhà nghiên cứu nhân chủng học thu thập từ những cộng đồng Thổ dân bị buộc phải di dời ra khỏi vùng đất của họ trong khoảng thời gian từ 1928 – 1970.

Ông Fran Zilio đến từ Bảo tàng Lưu trữ Nam Úc nói rằng họ đã được sự đồng ý của những người cung cấp mẫu tóc hoặc của con cháu trực tiếp của họ trước khi làm thí nghiệm này.

“Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các nhân viên liên lạc của cộng đồng người Thổ dân để có được sự chấp thuận của những người cho tóc, hoặc từ con cháu trực tiếp. Công việc nghiên cứu về di truyền sẽ không thể tiến hành nếu không có sự đồng ý của họ.”

Các nhà khoa học đã tập trung vào các mẫu tóc lâu đời hơn để có thể truy tìm được địa điểm nơi cộng đồng Thổ dân định cư trước khi Anh quốc tuyên bố chủ quyền.

Tiến sĩ Ray Tobler, người cũng tham gia vào nhóm nghiên cứu này, thì cho rằng, kết quả đạt được có thể được sử dụng sau này để giúp những người thuộc Thế hệ bị đánh cắp truy tìm lại tổ tiên của họ.

“Tôi có một phần gốc gác là người Thổ dân từ ông của tôi. Ông chưa bao giờ kể về tổ tiên hay về những di sản người Thổ dân vì ông đã bị đưa ra khỏi gia đình lúc còn nhỏ.

“Một trong những lý do khiến tôi muốn tham gia vào dự án nghiên cứu này là do tôi biết có rất nhiều người cũng có cùng hoàn cảnh như tôi, cũng muốn khôi phục lại nguồn gốc gia đình họ, và họ có thể làm điều đó nhờ vào dự án nghiên cứu này. Đó là một trong những mục tiêu lớn mà chúng tôi đang cố gắng đạt được và cũng là mục tiêu cuối cùng.”

Giáo sư Cooper thì nói ông hi vọng nghiên cứu này sẽ khuyến khích mọi người học hỏi thêm về lịch sử tổ tiên nước Úc.

“Đây có thể là một chương thú vị nhất trong lịch sử loài người mà từ trước tới nay hầu như chưa ai biết. Tôi nghĩ với những kết quả thu thập được không chỉ khẳng định những gì người Thổ dân đã tuyên bố từ trước tới nay, mà nó còn bắt đầu hoàn thiện những chi tiết về thời kỳ thuộc địa và diễn tiến lịch sử sau đó. Và điều quan trọng hơn cả là giúp người dân có thể hứng thú hơn trong việc tìm hiểu lịch sử người Thổ dân.”


Share