Omid và Samira là hai kỹ sư tin học đang sinh sống ở Nam Úc, họ là người nhập cư từ Iran đến Nam Úc để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Khi đặt chân đến Úc vào tháng Ba, ngay thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu tràn tới Nam Úc, anh Omid cho biết cuộc sống của họ chưa bao giờ tồi tệ hơn thế này.
“Tình hình khi đó quả thực rất khó khăn vì dịch COVID-19, rất khó tìm việc làm và cũng rất cạnh tranh.”
Cả Omid và Samira đều là những người giữ visa lao động tay nghề, và việc đến sống ở Nam Úc là một phần yêu cầu của loại visa này, sau khi tiểu bang Nam Úc được đưa vào danh sách ‘vùng nông thôn’ cho mục đích nhập cư hồi năm ngoái.
Thay vì trở thành chuyên gia về tin học, một trong những lĩnh vực phát triển ở Adelaide, thì Samira cho biết cả hai người chưa từng nhận được một cuộc phỏng vấn xin việc nào.
“Chúng tôi là kỹ sư lập trình và kỹ năng của chúng tôi ở thị trường Adelaide rất cạnh tranh. Nhưng không may, chuyện tìm việc trong tình hình này trở nên cực kỳ khó khăn vì các quy định phong tỏa.”
Và họ không phải là những người duy nhất.
Theo ông David Pisoni, Bộ trưởng về Kỹ năng ở Nam Úc, số liệu đã cho thấy có hơn 5.000 người đang định cư ở Nam Úc theo dạng visa tay nghề, và nhiều người trong số đó đang thất nghiệp.
Mặc dù theo lời vị Bộ trưởng này thì di dân có thể rút $10.000 từ quỹ hưu bổng của năm ngoái, nhưng họ nói với số tiền đó cũng không đủ. Họ muốn được tạo điều kiện để nhận tài trợ JobSeeker hoặc JobKeeper của chính phủ.
“Tìm việc quả thực không dễ chút nào, đợt bùng phát thứ hai còn khiến tình hình tệ hơn. Chính phủ thì không hỗ trợ chúng tôi và tôi thấy điều đó thật không công bằng.”
Nam Úc cũng là nơi ở của các di dân giữ visa Nhân đạo, hiện có gần 1.400 người được chuyển đến sống tại đây.
Bà Kate Leaney, đến từ tổ chức nhân đạo Welcoming Centre đặt tại trung tâm Adelaide, một tổ chức chuyên hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng. Bà cho biết số lượng người cần hỗ trợ khẩn cấp đã tăng 300%.
Trung tâm này đang thúc giục chính phủ cung cấp hỗ trợ cho những di dân bị chuyển tới sống ở vùng nông thôn.
“Chúng tôi có thể hỗ trợ tiền thuê nhà, thức ăn, nhưng đó chỉ là sự hỗ trợ ngắn hạn. Điều cần làm là chúng ta phải đầu tư vào việc bảo đảm sự an toàn trong dài hạn.”
Trong thời gian chờ đợi, nhiều di dân trong đó có Omid và Samira, đã tình nguyện đi giao thực phẩm cho những người cần đến
“Chúng ta đều là con người, chúng ta cần làm việc cùng nhau.”
“Nhiều người cũng đang trong tình trạng rất khó khăn, do đó chúng tôi đã quyết định làm tình nguyện.”
Như cầu về dịch vụ giao thực phẩm đã tăng 3 lần trong tháng qua, chủ yếu những thực phẩm tài trợ được chuyển trực tiếp cho sinh viên quốc tế và người tị nạn.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại