Ý tưởng này cũng giống như bán hàng vậy, bạn chào hàng với khách hàng để thuyết phục họ mua hàng của bạn.
Chuyên viên tiếp thị Tabay Hamdani là một trong 11 di dân có tay nghề, quảng cáo các kỹ năng của họ với các công ty tiềm năng. Mỗi người có 3 phút để trình bày, và đứng trước một cử tọa như vậy thật không dễ dàng tí nào.
"Tôi nghĩ tôi làm không đến nỗi tệ, nhưng quảng cáo cho bản thân không dễ dàng. Tôi đã thay mặt nhiều thân chủ để tiếp thị giùm cho họ, và tôi có 10 năm kinh nghiệm trong chuyện bán ý tưởng với khách hàng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tiếp thị cho tôi.
Người tổ chức buổi này chào hàng đặc biệt này là Naishadh Gadani giải thích đây là cách tốt nhất để di dân hiểu rõ hơn những kỳ vọng của các công ty, và ngược lại. Và đây cĩng là dịp để trực tiếp làm quen với các chủ nhân tương lai của họ.
"Đó là lý do tôi có sáng kiến này để các công ty có thể gặp và nói chuyện với những người có tiềm năng sẽ làm việc cho họ."
Vageesh Malhotra người Ấn Đô, di cư qua Úc cách đây 6 tháng. Vì không tìm được việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn, chuyên viên về phát triển kinh doanh đã phải làm việc trong nhà hàng và lái taxi Uber.
"Tôi không còn nhớ nữa, tôi đã nộp trên 100 lá đơn, và mỗi lần tôi gọi hỏi thăm thì họ đều trả lời là chúng tôi đã tuyển được người rồi, hay là các kỹ năng của tôi không phù hợp."
Câu chuyện của Malhotra không phải là cá biệt. Năm 2018 Úc đã nhận trên 162.000 di dân, trong đó di dân có tay nghề là trên 100.000 người. Trên lý thuyết vì nhờ có những kỹ năng mà ở Úc đang thiếu hụt cho nên những người này mới được qua Úc. Trong hai tháng nay, ông Hamdani đi tìm việc mà vẫn chưa có.
"Đến nay tôi vẫn chưa mở được cánh cửa nào, nhưng cứ mỗi lần thất bại tôi lại tìm cách làm tốt hơn trong lần tới."
Các di dân cảm thấy thất vọng, nhất là khi các công ty nói họ cần có kinh nghiệm tại Úc. Nhưng tiếp xúc với giới chủ nhân mặt đối mặt có thể giúp các di dân có thêm cơ hội. Ông Malhotra cho biết ông học hỏi được rất nhiều.
"Ở Úc làm sao quen biết nhiều người trong ngành là vô cùng quan trọng để tìm được việc làm thích hợp. Vì vậy bạn phải năng nổ làm quen người ta chứ không giống như ở quê nhà của tôi."
Chuyên viên tuyển dụng cho ngành IT, Grace Rishie khuyên các di dân khi đi tìm việc làm cần nên thay đổi những quan niệm cũ.
"Bạn cần tìm hiểu xem công ty nào đang tuyển dụng, công ty nào không, nhưng vẫn nên liên lạc với các công ty đó. Nếu bạn nói chuyện được với họ, hoặc thậm chí mời họ đi uống cà phê để hỏi chuyện thì càng tốt, người Úc thích uống cà phê mà."
Ông Malhotra muốn gởi đến những chủ nhân nào chưa từng tuyển dụng di dân có tay nghề một thông điệp.
"Quý vị tìm hiểu những kỹ năng bên dưới cái tên ngoại quốc. Quý vị cần hiểu di dân đến từ nhiều văn hóa khác nhau nhưng họ đóng góp vào sự đa dạng và họ có cái nhìn mới lạ."