Dementia có thể sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Úc, làm sao để giảm nguy cơ?

An old woman and a young woman sitting in a living room doing a crossword

Các hoạt động như giải câu đố, giải ô chữ hoặc sudoku được cho là làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Source: Getty / Johner Images/Johner RF

Một nghiên cứu mới dự đoán tỷ lệ người ở Úc bị sa sút trí tuệ - dementia - có thể sẽ tăng lên đến 94% và trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong vòng ba thập niên tới, trừ khi có bước đột phá về y tế. Mỗi người có thể làm gì để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ?


Hàng trăm ngàn người Úc bị sa sút trí tuệ và một nghiên cứu mới dự đoán căn bệnh này có thể sớm trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Một nghiên cứu của Viện Y tế và Phúc lợi Úc do Dementia Australia ủy quyền đã dự đoán tỷ lệ sa sút trí tuệ sẽ tăng lên 94% vào năm 2054, nếu như không có bước đột phá về y tế.

Sa sút trí tuệ là gì và phổ biến như thế nào?

Sa sút trí tuệ không phải là một bệnh cụ thể mà là thuật ngữ chung cho một nhóm triệu chứng do các rối loạn ảnh hưởng đến não.

Chứng sa sút trí tuệ và suy giảm chức năng não có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, lời nói, suy nghĩ, tính cách, hành vi và khả năng vận động. Đó là một căn bệnh thoái hóa, giai đoạn cuối.

Phó Giám đốc Y tế Liên bang, Giáo sư Michael Kidd, cho biết dấu hiệu phổ biến nhất cho thấy một người đang bị sa sút trí tuệ là tình trạng hay quên.

"Các dấu hiệu và triệu chứng của sa sút trí tuệ có thể khác nhau nhưng phổ biến nhất là tình trạng hay quên, mất trí nhớ, thay đổi tâm trạng và tính cách, nhầm lẫn về thời gian và địa điểm, khó nói khó viết hoặc hiểu bất cứ vấn đề nào, thờ ơ hoặc mất hứng thú với mọi việc mà bản thân thường thích, rút lui khỏi các hoạt động, khả năng phán đoán kém hơn, cảm thấy khó khăn hoặc không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày mà người bệnh đã từng làm."

Theo Dementia Australia, vào năm 2024, ước tính có hơn 421.000 người Úc bị sa sút trí tuệ.

Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với người Úc và là nguyên nhân chính gây tử vong cho phụ nữ.

Giáo sư Kaarin Anstey là giám đốc Viện Tương lai Lão hóa của Đại học New South Wales và là nhà khoa học nghiên cứu chính cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Úc.

Bà cho biết tỷ lệ bị sa sút trí tuệ gia tăng phần lớn là do người Úc sống lâu hơn.

“Không phải vì bệnh sa sút trí tuệ ngày càng dễ mắc phải… mà chỉ đơn giản là một hiện tượng nhân khẩu học, vì vậy tất cả các bệnh về tuổi già sẽ gia tăng cùng với sự già đi của dân số. Và đó cũng là cơ hội để chúng tôi giảm thiểu rủi ro nhằm cố gắng giảm bớt những dự báo đó."

Nguyên nhân của sa sút trí tuệ

Không có một nguyên nhân cụ thể nào gây ra chứng sa sút trí tuệ, và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng một số người có nhiều nguy cơ bị sa sút trí tuệ hơn.

Giáo sư Michael Kidd, Phó giám đốc y tế liên bang cho biết:

“Có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau, dạng phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, một bệnh thoái hóa não xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não chết đi và khiến não bị teo lại. Các số liệu thống kê cho thấy bệnh Alzheimer chiếm từ 60% đến 70% các trường hợp sa sút trí tuệ.

“Các loại sa sút trí tuệ khác bao gồm thứ nhất sa sút trí tuệ mạch máu, nguyên nhân là do lưu lượng máu đến não bị hạn chế hoặc suy giảm.

“Loại thứ hai là chứng mất trí nhớ với thể Lewy, xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não bị thoái hóa hoặc chết do lắng đọng protein bất thường.

“Kế tiếp là chứng mất trí nhớ vùng trán xảy ra khi thùy trán và thùy thái dương của não bị tổn thương do mất nơtron hoặc tế bào thần kinh và bệnh này thường được chẩn đoán ở những người dưới 65 tuổi.

“Bên cạnh đó có chứng mất trí nhớ do rượu liên quan đến việc uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài. Bệnh khởi phát trẻ hơn so với bất kỳ dạng sa sút trí tuệ nào ở người dưới 65 tuổi.

“Ngoài ra còn có sa sút trí tuệ do chấn thương đầu lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến não và thường liên quan đến các môn thể thao va chạm nhiều, chẳng hạn như quyền anh và bóng đá."

Làm thế nào để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ?

Mặc dù không có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ nhưng chúng ta có thể trì hoãn sự xuất hiện của các triệu chứng hoặc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

Theo Dementia Australia, sức khỏe của tim, cơ thể và tâm trí là những yếu tố có thể thay đổi được, trong khi tuổi tác, di truyền và lịch sử là không thể thay đổi được.

Giáo sư Michael Kidd khẳng định điều đó:

"Có một số yếu tố nguy cơ gây ra chứng sa sút trí tuệ mà chúng ta không thể nào thay đổi được, chẳng hạn như là tuổi tác. Lớn tuổi là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với chứng sa sút trí tuệ. Bên cạnh đó, một số gen gây ra chứng sa sút trí tuệ có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Ngoài ra còn có trường hợp mắc các bệnh khác hoặc là bị chấn thương gây tổn thương não cũng có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ."

"Nhưng ngoài các nguy cơ không thể thay đổi được như tôi vừa nêu, thì còn nhiều yếu tố rủi ro khác mà chúng ta có thể thay đổi, cải thiện được, chẳng hạn như về lối sống. Quý vị có thể giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ bằng cách ăn uống lành mạnh hơn trước, tăng cường tập thể dục nhiều hơn, giữ cân nặng ở mức hợp lý, hạn chế uống nhiều rượu, không hút thuốc, duy trì một cuộc sống xã hội năng động và giữ tinh thần lạc quan tích cực."

Trong số các loại sa sút trí tuệ, giáo sư nói rằng sa sút trí tuệ liên quan đến mạch máu có thể được phòng ngừa nhiều nhất.

“Loại sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa được nhiều nhất là sa sút trí tuệ liên quan đến mạch máu. Tình trạng này có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, chẳng hạn như hút thuốc, huyết áp cao, cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.”

Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng, không hút thuốc, vận động thể chất, ngủ đủ giấc, quản lý sức khỏe tim mạch và thực hiện các hoạt động kích thích tinh thần đều được cho là sẽ tạo ra sự khác biệt.

Bà Anstey cho biết mặc dù không có gì bảo đảm, nhưng một lối sống lành mạnh dường như có thể giảm các yếu tố rủi ro, cùng với sự tham gia vào xã hội.

Bà nói: “Chúng ta có các yếu tố nguy cơ về mặt y tế, chủ yếu là tim mạch, trầm cảm và chấn thương đầu, nhưng sau đó bạn cũng có các yếu tố về lối sống, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và duy trì hoạt động tích cực”.

"Điều đó bao gồm sự tham gia về nhận thức, sự tham gia xã hội và hoạt động thể chất, và có một số điều bạn có thể làm - như các lớp học khiêu vũ - kết hợp cả ba điều đó."

Share