Vào một ngày đầu năm 2022, tôi có dịp được gặp một chàng trai trẻ tại cuộc thi kiểm định chất lượng giáo viên tiếng Việt của Viện Giáo dục Ngôn ngữ Cộng đồng Sydney (Sydney Institute of Community Language Education) của trường Đại học Sydney. Ngoài đôi mắt sáng và khuôn mặt lanh lợi, thầy giáo trẻ gốc Việt này còn gây ấn tượng với tôi bởi khả năng nói tiếng Việt như một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Việt nam cũng như những suy nghĩ về tiếng Việt, về cảm giác gắn kết với văn hóa Việt và các cách để tạo cảm hứng cho các em học sinh yêu thích học và duy trì tiếng mẹ đẻ.
Jacky Trần, chàng trai 26 tuổi, giáo viên trường phổ thông trung học Bonnyrigg, đã cùng với bố mẹ và các anh của mình đến định cư ở Úc vào năm 2000, khi Jacky mới học hết mẫu giáo ở Việt nam. Thành phố Darwin, nơi gia đình Jacky đến sống, lúc đó chỉ có khoảng 500 người Việt. Trường học nơi Jacky theo học thì hầu như không có học sinh châu Á và Jacky là học sinh người Việt duy nhất lúc đó.
“Vì em là học sinh người Việt duy nhất trong trường nên việc học tiếng Việt là hoàn toàn là do gia đình. Gia đình là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn tiếng Việt. Bố mẹ và các anh trong nhà đã giúp cho em trong việc rèn luyện và duy trì khả năng nói tiếng Việt.”
Lúc nhỏ ba mẹ thường xuyên nhắc nhở em giữ tiếng Việt, em nghĩ là đó là một lời khuyên đúng đắn và bây giờ em nhận ra là quá tốt, mình quá may mắn là đã nghe lời khuyên của ba mẹ.
Khi mới đến làm việc ở trường Bonnyrigg, một trường phổ thông trung học ở Tây nam Sydney với hơn 1600 học sinh và một nửa trong số đó là học sinh gốc Việt, Jacky đã nhận thấy là mặc dù sinh ra ở Úc nhưng các em có tiếp xúc tiếng Việt trong gia đình nhiều nên khả năng nói, nghe và hiểu tiếng Việt của các em rất tốt. Thầy giáo trẻ mới tốt nghiệp ngành tiếng Anh và Lịch sử đã suy nghĩ và quyết định chuyển sang dạy tiếng Việt.
“Em đã nghĩ là tại sao mình không nắm bắt cơ hội này để lan tỏa cảm hứng ngôn ngữ và văn hóa Việt nam, sao mình để cho những học sinh này đi học các ngôn ngữ, văn hóa của nước khác, mặc dù nó cũng tốt, nhưng cái quan trọng đối với em cũng như với những học sinh này vẫn phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, văn hóa của ông bà, cha mẹ mình, mình nên giữ cái đó và mình khai thác và phát triển thêm ở trường.”
Học sinh ghi danh học môn tiếng Việt của thầy Jacky có từ lớp 7 đến lớp 12, và có cả các em học sinh không có gốc Việt nam nên việc dạy học tương đối phức tạp. Theo Jacky, đối với các em có gốc nước ngoài, mình phải tạo cảm hứng cho các em qua việc tìm những điểm tương đồng giữa văn hóa của các em và văn hóa Việt để các em thấy sự gần gũi hay thấy sự liên kết giữa hai văn hóa, từ đó thấy dễ học tiếng Việt và văn hóa Việt hơn.
“Đối với các em học sinh có gốc là người Việt nam nhưng không có hứng thú học tiếng Việt thì em dùng văn hóa là nền tảng để thúc đẩy việc hiếu học của các em.”
Em thường giải thích cho các em là đơn giản là mình là người Việt nam, ông bà mình là người Việt nam, ba mẹ mình là người Việt nam, văn hóa Việt nam nó ở xung quanh mình, mà nếu mình không hiểu được ngôn ngữ thì rất khó bảo trì văn hóa, và cũng rất khó để mình bảo trì bản sắc cá nhân của mình. Từ đó các em thấy yếu tố ngôn ngữ này là quan trọng, thấy sự liên quan giữa ngôn ngữ tiếng Việt và bản sắc cá nhân của mình.
Năm học lớp 4, một hôm có 1 cô giáo trông dáng dấp châu Á đến gọi Jacky ra ngoài, em hơi lo sợ vì không biết mình có làm gì sai không, nhưng khi cô cất tiếng nói bằng tiếng Việt và cho biết cô sẽ hỗ trợ em nếu em cần giúp đỡ trong việc học tập ở trường thì Jacky đã rớm nước mắt vì quá xúc động. Từ khi đến Úc, đây là lần đầu tiên em được nghe 1 thầy cô giáo nói tiếng Việt với em ở trường, quan tâm hỏi em có khó khăn gì không.Có lẽ với những ai ở các khu có đông cộng đồng người Việt thì việc nghe thấy tiếng Việt là điều bình thường, ta có lẽ cũng không để ý đến là ta đang được nói, được nghe tiếng Việt quanh ta. Nhưng với một em nhỏ đang ở tuổi chạy chơi bắn bi, tắm mưa trong ngõ nhỏ với các bạn ở Việt nam mà bỗng một ngày em đến một đất nước xa lạ, hàng ngày em đến trường gặp các bạn và thầy cô chỉ nói tiếng Anh, ăn những đồ ăn cũng khác, ra đường rất hiếm khi gặp người Việt, thì có lẽ giây phút em được nghe tiếng nói của cô giáo người Việt sẽ thật sự là tràn ngập cảm xúc. Jacky nhớ ngày ấy ba em phải xếp hàng để mua được tờ báo Việt ngữ mà nếu đến muộn thì cả tuần không có báo tiếng Việt để đọc. Chương trình SBS tiếng Việt thì chỉ phát sóng 1 tuần 1 buổi chứ không được cả tuần như bây giờ.
Jacky lúc còn bé ở Darwin Source: Supplied
“Nhiều người họ xem việc nghe hay giao tiếp với những người Việt nam khác là bình thường hay phổ biến nhưng đối với em thì em biết quý trọng tiếng Việt của mình, văn hóa người Việt của mình, vì mình lớn lên trong môi trường không có sự tiếp xúc nhiều với ngôn nhữ và văn hóa Việt. Đó là lý do em muốn làm việc này (dạy tiếng Việt), mình cũng chỉ là một người bình thường thôi nhưng mình không làm được cái gì lớn lao thì mình cũng muốn đóng góp cho cộng đồng, nếu mình không dạy được các em ngôn ngữ thì mình cũng dạy được các em về văn hóa, cho các em hiểu biết về văn hóa Việt nam, về các trải nghiệm lịch sử của ông bà, cha mẹ, vì rất nhiều em ở đây có ông bà là người vượt biên, trải qua chiến tranh. Lịch sử Việt nam rất nhiều mâu thuẫn, để đến được Việt nam như bây giờ mọi người đã phải trải qua nhiều mất mát xương máu và sự đánh đổi. Không liên quan đến vùng miền nữa, kể cả là người miền Bắc, miền Trung, miền Nam hay miền Tây thì ai cũng phải hy sinh để đạt được cuộc sống như ngày hôm nay, kể cả là người Việt nam trong nước hay hải ngoại.”
Chiến tranh có lẽ phần lớn là vấn đề của các nhà cầm quyền, của các chính phủ, dù ta có ở bên này hay bên kia chiến tuyến thì ta vẫn là người Việt nam. Chính vì vậy mà bất kể là mình di cư đến Úc vì lý do gì, sẽ là rất tuyệt vời nếu mình vẫn giữ được sự gắn kết với văn hóa Việt, với đất nước Việt nam.
Với Jacky, tình yêu với văn hóa Việt bắt nguồn từ những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ chơi bắn bi, tắm mưa, … với các bạn ở Việt nam. Môi trường mới không có người Việt và văn hóa Việt đã không làm em quên đi văn hóa cội nguồn của mình mà ngược lại làm cho em thấy nhớ nó hơn, thấy gắn kết và quý trọng nó hơn. Với các em nhỏ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, việc thiếu gắn kết với văn hóa Việt là một rào cản cho các em trong việc thấy gần gũi với văn hóa Việt và muốn học tiếng Việt. Vì vậy, bố mẹ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những gắn kết này, giúp các em được tiếp xúc với văn hóa Việt ngay trong gia đình mình hoặc qua các chuyến đi Việt nam, những trải nghiệm văn hóa này sẽ giúp các em thấy gần gũi và muốn giữ tiếng Việt hơn.
“Vì các em lớn lên ở đây không có những kỷ niệm ở Việt nam, các em đi học đôi khi bị bullied, dẫn đến việc các em muốn từ bỏ luôn bản sắc là người Việt nam, vì các em nghĩ là mình muốn giống các bạn khác là người Tây, nói tiếng Anh. Điều đó rất là buồn, nên em muốn thay đổi điều đó bằng những gì em có thể làm.”
Với những trải nghiệm của bản thân và quan sát cộng đồng người Việt di dân đến Úc, Jacky nhận thấy gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ thứ 2 và thứ 3. Nhiều gia đình đã bỏ lỡ giai đoạn các con còn bé để gây dựng và vun đắp vốn tiếng Việt cũng như sự gắn kết với văn hóa Việt cho các con.
Một vấn đề phổ biến là cha mẹ đi làm để củng cố cho con cái, là những người di dân mới qua thì cố gắng để làm việc cho tương lai của các con nên không có thời gian nói chuyện, dạy con tiếng Việt. Nhưng khi có tài chính ổn định hơn thì đã quá muộn, con đã lớn, nói với con cũng khó hơn. Tốt nhất là nên dạy tiếng Việt từ nhỏ, 1 đứa trẻ có thể học được 3, 4, 5 ngôn ngữ từ lớp 1, lớp 2, chứ để đến lớp 11, 12 thì chưa chắc sự hứng thú còn ở đó nữa.
Những suy nghĩ và chia sẻ của Jacky về việc dạy tiếng Việt cho con, về sợi dây kết nối giữa văn hóa và ngôn ngữ mà cha mẹ và thầy cô có thể dựa vào để tạo cảm hứng cho trẻ học tiếng Việt cũng trùng lặp với các kết quả của dự án nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ. Thành công trong việc giữ và phát triển tiếng Việt cho con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố sau:
1. Bắt đầu từ sớm: từ lúc con lọt lòng hay con còn là bào thai, bố mẹ đã nói chuyện với con bằng tiếng Việt
2. Bố mẹ không nói tiếng Anh ở nhà với con: có thể là bố mẹ không nói giỏi tiếng Anh hoặc kiên quyết không nghe và nói tiếng Anh với con ở nhà
3. Thái độ tích cực của bố mẹ với tiếng Việt và văn hóa Việt: vì con sẽ cảm nhận được bố mẹ có thấy việc giữ tiếng Việt là cần hay không, nếu chúng thấy bố mẹ không coi trọng việc đó thì có lẽ chúng sẽ không thấy cần thiết phải làm
Hi vọng là những chia sẻ sâu sắc của thầy giáo trẻ Jacky Tran đã đem đến cho chúng ta những suy nghĩ, những xúc cảm về tiếng Việt, về sự kết nối với văn hóa Việt và trên hết là động lực để cùng giữ tiếng Việt cho con.
Mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình tuần này:
Từ “cự phách” trong tiếng Việt có nghĩa gốc là gì?
Quý vị có câu trả lời đúng và sớm nhất sẽ nhận được một bộ truyện sách của Tiệm Mọt.
Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang .