Làm sao cha mẹ biết khi nào thì con mình sẵn sàng đến trường học?
Tuổi đi học hiện nay được áp dụng khác nhau tại các tiểu bang và vùng lãnh thổ, với khoảng cách không nhỏ, chẳng hạn tại Tây Úc thì một đứa trẻ 3 tuổi rưỡi phải đến trường, trong khi đó tại những vùng khác của đất nước, có nơi quy định trẻ đến 6 tuổi mới bắt buộc phải đi học.
Bà Marianne Knaus là Phó Trưởng Khoa Giáo dục Mầm Non, thuộc Khoa Giáo dục trường đại học Edith Cowan, Tây Úc.
Bà nói ngoài sự nhầm lẫn về độ tuổi đi học, thì nhiều phụ huynh còn bị lẫn lộn vì thuật ngữ áp dụng khác nhau trên cả nước, về tên gọi năm học đầu tiên của bậc tiểu học là gì.
Ngoài ra có những quy định không thống nhất về việc cha mẹ có thể trì hoãn chuyện đến trường của con mình hay không và trong bao lâu.
Phó giáo sư Knaus nói chính sự thiếu thống nhất này đã khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn và hoang mang.
‘Tôi nghĩ đã đến lúc cả nước phải có một độ tuổi bắt đầu đến trường thống nhất. Úc là một nước phân quyền nên mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ đều giữ quyết định riêng về độ tuổi đi học, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta có thể có chung một tuổi cho cả nước thì sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho cả phụ huynh và nhà trường.’
Giáo sư Danh dự Bob Perry tại trường đại học Charles Sturt đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về những giai đoạn chuyển giao trong giáo dục.
Ông nói chỉ có một quy định bắt buộc trên cả nước đó là bất kỳ đứa trẻ Úc nào đến 6 tuổi đều phải đi học.
Nhưng với quy định tại nhiều tiểu bang là phụ huynh có thể cho con nhập học trễ một năm, thì có thể dẫn đến tình huống là trong một lớp học có những đứa trẻ 4 tuổi học chung với những đứa trẻ 6 tuổi.
Giáo sư Perry nói sự trưởng thành của một đứa bé 4 tuổi sẽ rất khác so với đứa bé 6 tuổi. Nhưng dù sao ông cũng không tin vào biện pháp chỉ dựa vào độ tuổi của một em bé để có thể bắt em phải đến trường.
‘Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là sự thể hiện của các em ở trường học, chứ không phải là bắt các em cứ đến tuổi đó là phải đi học. Các giáo viên của chúng ta đều có năng lực, đã quản trị lớp học nhiều năm, và có thể chăm sóc dạy dỗ cho những em nhỏ chỉ mới 4 tuổi rưỡi. Tôi không nghĩ chúng ta cần thiết phải có một quy định chung về việc trẻ em phải tới 6 tuổi mới bắt đầu đi học. Mà tôi nghĩ chúng ta cần trả lời câu hỏi quan trọng hơn là xem xét các em nhìn chung có thể làm được những gì khi chúng 6 tuổi.’
Giáo sư Perry nói mọi trẻ em Úc đều có thể đi học sớm tại các trung tâm pre-school, một năm trước khi chúng bắt đầu vào trường học.
Mặc dù chính phủ có trợ cấp, nhưng phần lớn phụ huynh vẫn phải trả học phí cao tại những trung tâm pre-school này, khiến gánh nặng kinh tế lại nặng nề hơn, nếu họ cũng có những đứa con khác đang học ở nhà trẻ.
Số liệu mới nhất năm 2019 của Ủy ban Thống Kê cho thấy 83% trẻ em 4 tuổi và 21% trẻ em 5 tuổi đã ghi danh học các lớp pre-school có đóng học phí tại Úc.
Giáo sư Perry nói mặc dù học các lớp pre-school rất quan trọng, nhưng ông cảm thấy lo lắng về chất lượng không đồng đều giữa các chương trình.
Vài nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng những em bắt đầu đi học trễ hơn lại có kết quả học tập tốt hơn.
Giáo sư Knaus nói một nghiên cứu tại trường đại học NSW khảo sát 100,000 em nhỏ của tiểu bang, được cha mẹ cho đến trường học trễ hơn trong vòng 1 năm.
Kết quả cho thấy một xu hướng rõ ràng là cứ học trễ 1 tháng thì hiệu quả học tập của các em lại tăng cao hơn theo tỷ lệ thuận.
Phó giáo sư Penny Van Bergen chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại Khoa Giáo dục trường Macquarie nói câu hỏi về độ tuổi chuẩn để đến trường là một câu hỏi phức tạp và sẽ không có một câu trả lời thống nhất.
Bà nói có bằng chứng cho thấy nhiều phụ huynh muốn tuổi đi học phải áp dụng thống nhất trên cả nước, nhưng có nhiều nguyên nhân khiến phụ huynh phải cho con học trễ một năm.
‘Khoảng cách 18 tháng là rất lớn, đây là vấn đề phức tạp bởi vì một trong những nguyên nhân mà phụ huynh cho con đi học trễ một năm, nếu tiểu bang họ ở cho phép làm chuyện này, là vì họ nghĩ con họ chưa sẵn sàng để đến trường. Vì vậy không cần thiết phải nói rằng nếu đi học trễ thì con mình sẽ có khả năng học tập tốt hơn, vì những đứa bạn cùng lớp đều nhỏ tuổi hơn con. Điều cần thiết phải quan tâm ở đây là tâm lý nhiều phụ huynh sợ con mình sẽ ngồi chung lớp với những đứa lớn hơn chúng, nếu đi học đúng tuổi. Đặc biệt là phụ huynh của những đứa bé trai, họ lo sợ con mình nếu đi học sớm, sẽ phải học chung với những đứa con trai lớn tuổi hơn, và khoảng cách về ngoại hình như chiều cao, cân nặng sẽ thật sự là một điều khác biệt’.
Tuy nhiên bất kể cha mẹ quyết định cho con đi học ở tuổi nào, thì chuyên gia cảnh báo cha mẹ phải chuẩn bị cho con mình một bước đệm thay đổi môi trường giáo dục lớn nhất trong cuộc đời con.
Trong đó bao gồm việc cha mẹ phải hỏi con cái rằng con nghĩ như thế nào nếu con bắt đầu đi học chính thức, cũng như đưa con đến nơi sẽ học, chỉ cho con biết trường học như thế nào trước khi đến ngày đầu tiên đi học, bên cạnh đó cũng phải thiết lập khung giờ ngủ và chơi phù hợp, thống nhất trong ngày, vào một tuần lễ trước khi con đến trường.
Phó Giáo sư Knaus nói ngày đầu tiên đi học không chỉ đánh dấu sự trưởng thành về học thức của con bạn, mà còn dạy con bạn cách cư xử với người khác.
‘Không phải ‘bắt đầu càng sớm càng tốt’, mà quan trọng là chất lượng kiến thức và nội dung học tập các em nhận được trong môi trường học đường là gì. Trong những năm đầu đời, việc chơi đùa được đánh giá là rất quan trọng cho sự phát triển. Vì vậy nếu các em bắt đầu đi học sớm, thì có thể sẽ nhận được một chương trình học dựa trên sự chơi đùa có chất lượng cao, và chúng tôi nhận thấy khả năng của các em thăng tiến hơn rất nhiều sau đó. Trẻ em học rất nhiều thứ qua các trò chơi. Thật không may là vài người và vài nơi cho rằng chơi đùa là vô ích, họ muốn trẻ nhỏ phải bước vào môi trường học tập chính thống quá sớm.’