Bà Rhian Miller luôn biết rằng công nghệ là con đường đi đến tương lai, nhưng là một người phụ nữ Úc gốc Thổ dân, bà nhận thấy rất khó để bước chân vào lĩnh vực này.
“Lúc đó tôi hoàn toàn không tìm ra được hướng đi. Tôi không quen ai đang làm trong lĩnh vực công nghệ, tôi cũng không nghĩ là tôi có khả năng gì về công nghệ hay máy tính.”
Nhưng tình hình nay đã thay đổi.
Vào năm 2014, bà Rhian là một sinh viên, và nay bà đã trở thành một CEO.
Bà đang triển khai các chương trình tại sáu quốc gia có tên AIME – nghĩa là Trải nghiệm Huấn luyện cho người Úc gốc Thổ dân.
Và thông qua các khoá học đào tạo và huấn luyện, bà Rhian hiện đang giúp đỡ những người gốc Thổ dân khác bước chân vào thế giới công nghệ.
“Tôi hi vọng khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy rằng tôi là một ví dụ điển hình về những gì mà một đứa trẻ người gốc Thổ dân có thể làm được. Tôi tin rằng với lịch sử 60 ngàn năm chúng ta đều là có những tài năng và trí tưởng tượng nằm trong trái tim và khối óc, những đứa trẻ như tôi không nên bị xem là những người bị thiệt thòi dưới con mắt của người khác. Tôi muốn những đứa trẻ khác như tôi hiểu rằng chúng ta có tự do để viết một chương mới của câu chuyện và khả năng của chúng ta là vô hạn.”
Những rào cản đối với người Thổ dân có thể là văn hoá, giáo dục thậm chí là cả địa lý.
Theo một phúc trình của Nghiệp đoàn giáo dục Úc vào năm 2020, có 21% sinh viên gốc Thổ dân không được tiếp cận internet, so với chỉ có 5% sinh viên ở các trường công lập.
Ở những cộng đồng nông thôn xa xôi, có 2/3 đã từng được sử dụng máy tính, nhưng 1/3 còn lại chưa bao giờ biết đến dùng máy tính để lên mạng là gì.
Và nay, lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân đã vào cuộc để giúp rút ngắn khoảng cách này.
Các tập đoàn Revolant Group, Salesforce và PIC đã mở một chương trình học kéo dài 12 tháng, tập trung vào việc đào tạo và hướng nghiệp cho những học sinh gốc Thổ dân đã tốt nghiệp trung học.
Giám đốc của Revolant Group, Kyle O’Brien, nói rằng có một sự chênh lệch trình độ đáng kể trong mảng công nghệ ở những người gốc Thổ dân.
“Đối với những người Úc gốc Thổ dân, họ đơn giản là không được tiếp xúc với công nghệ, nói một cách khác, công nghệ không phải một lựa chọn nghề nghiệp mà họ có thể cân nhắc và cũng không dễ dàng đạt được. Và thực tế là có rất ít những hình mẫu trong lĩnh vực công nghệ để người trẻ Thổ dân có thể nhìn vào và tìm kiếm con đường sự nghiệp này.”
Ông Gavin Brown đến từ công ty PIC thì nói rằng chi phí thất nghiệp dành cho những người Thổ dân thất nghiệp hoặc làm việc dưới trình độ là rất lớn.
“Nếu có thể giúp người Thổ dân đạt được thu nhập bằng với mức thu nhập trung bình hoặc đạt được trình độ ngang bằng trình độ chung của đào tạo việc làm, thì khi đó sẽ có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy GDP, giảm chi phí cho dịch vụ xã hội và từ đó xây dựng sự nghiệp thành công. Và đối với chúng tôi, tôi cho rằng đó là cách thức chúng ta nên tạo ra những lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp và an toàn về mặt văn hoá, sẽ tốt hơn thay vì chỉ tạo ra công việc.”
Khi Google đầu tư hàng tỷ đô la vào lãnh vực công nghệ và tạo ra hàng chục ngàn việc làm, ông O’Brien nói điều quan trọng là không được để những người Thổ dân tụt lại phía sau.
“Số lượng công việc trong lĩnh vực công nghệ được tạo ra trong ít nhất 5 năm cho thấy rất có khả năng cánh cửa đến thế giới công nghệ sẽ mở rộng. Nhưng tôi nghĩ rằng về phía chúng tôi là những lãnh đạo doanh nghiệp phải bảo đảm rằng chúng ta phải tạo ra những cơ hội, tạo ra lộ trình sự nghiệp, và có hệ thống hỗ trợ để cho phép người Thổ dân được tận dụng những cơ hội tuyệt vời này.”
Trong khi hầu hết vị trí công việc ở các công ty công nghệ tại Úc phải làm việc tại văn phòng trong các trung tâm thành phố, thì điều đó cũng đem lại một rào cản khác đối với người Thổ dân, những người thường muốn sống ở những vùng nông thôn.
Nhằm bảo đảm mọi sinh viên có thể chọn để được tiếp tục sống trong cộng đồng, các lớp học của Chương trình giáo dục Công nghệ Thổ dân sẽ được tổ chức trực tuyến.
Đơn đăng ký chương trình này sẽ được mở cho đến ngày 10 tháng 12, và ngày bắt đầu nhập học là vào năm 2022.