Thị trưởng của Kyiv, Vitali Klitschko, cho biết đã từng có một tác phẩm điêu khắc trong công viên tượng trưng cho tình hữu nghị của Nga và Ukraine.
Ông nói rằng nó bây giờ là vô nghĩa.
"Làm sao chúng ta có thể nói về tình bạn khi Nga đang tấn công chúng tôi, tiến hành chiến dịch thanh trừng sắc tộc tiêu diệt người dân Ukraine, giết người Ukraine và phá hủy các thành phố của Ukraine."
Một cuộc bỏ phiếu hiện đang được tổ chức tại Hội đồng Thành phố Kyiv để xóa bất kỳ dấu vết nào của Nga khỏi tên các đường phố, đại lộ và tàu điện ngầm ở thủ đô.
Tại Odessa, các công nhân Ukraine đã dỡ bỏ 5 bảng tên các thành phố của Nga, gần văn phòng thị trưởng thành phố.
Tuần này, một tàu tuần dương trang bị hỏa tiễn thuộc hạm đội chủ lực của Nga được cho là đã bị chìm trong một cơn bão khi nó đang được kéo đi sửa chữa.
Phía Ukraine cho biết họ đã bắn trúng tàu tuần dương Hắc Hải này, trong khi chính quyền Nga khẳng định nguyên nhân gây ra là do hỏa hoạn trên tàu.
Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết điều gì đã xảy ra với con tàu vẫn chưa rõ ràng.
"Chúng tôi không thể xác nhận các báo cáo của Ukraine rằng nó đã bị trúng hỏa tiễn, nhưng chúng tôi cũng không có tư cách để bác bỏ điều đó, rằng nó có thể là một hỏa tiễn Ukraine đã tấn công con tàu. Chúng tôi không có đủ nhãn quang để biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi đánh giá rằng ít nhất một số thành viên thủy thủ đoàn đã sơ tán khỏi con tàu và được đưa lên các tàu Hải quân Nga khác."
Việc mất tàu tuần dương hỏa tiễn sẽ là một hụt hẫng lớn đối với các lực lượng quân sự Nga.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng đây cũng sẽ là một thất bại mang tính biểu tượng nghiêm trọng đối với Điện Kremlin, vào lúc mà quân đội Nga dồn lực lại cho một cuộc tấn công mới ở miền đông Ukraine sau khi rút lui ra khỏi phần lớn khu vực miền bắc.
"Đây là soái hạm của họ, chiếc Moscow là biểu tượng của họ, và giờ đây họ buộc phải thừa nhận rằng nó đã bị hư hỏng nặng. Và họ phải lựa chọn giữa hai câu chuyện. Một đó chỉ là sự kém cỏi của họ để chiến hạm bị cháy, và nếu không thì là họ đã bị tấn công. Cả hai câu chuyện khôngcó cái nào hay cho họ cả."
Jake Sullivan cho biết họ đã tiếp tục làm việc với Ukraine trong việc xây dựng khả năng vũ khí của quốc gia để họ sẵn sàng ở mặt trận phía đông.
"Chúng tôi xem xét mọi thứ mà chúng tôi có thể đem ra được từ những thứ mình có, và từ mọi thứ mà chúng tôi có thể kêu gọi các đồng minh cũng như đối tác của mình cung cấp. Chúng tôi sẽ tập hợp tất cả lại và gởi đi. Và cùng với $800 triệu mà chúng tôi công bố ngày hôm qua là tất cả mọi thứ mà chúng tôi có thể thu thập trong một khung thời gian hợp lý để đến với Ukraine rằng họ sẽ có những hệ thống đó sẵn sàng để sử dụng cho trận chiến sắp tới ở phía Đông."
Trong khi sự chú ý chính của các lực lượng Nga đã chuyển khỏi thủ đô Kyiv, thành phố cảng Mariupol vẫn liên tục bị bao vây.
Một số người dân tiếp tục ra ngoài bất chấp tiếng nổ của cuộc chiến vẫn vang vọng, họ lụm cành cây bị đổ trong trận pháo kích để nhóm lửa nấu ăn.
Hầu hết các tòa nhà của trung tâm lịch sử được xây dựng từ thời Czarist không bị hư hại trong hai cuộc chiến tranh thế giới - thế nhưng chúng không thể nào sống sót trong cuộc chiến của Nga.
Phần lớn trung tâm lịch sử của Mariupol gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Nhưng hình ảnh đau thương nhất là thi thể của những người dân địa phương bị giết vẫn nằm trên đường phố, phơi bày ra dưới nắng mặt trời
Người đàn ông này, Mihail, đã ở trong thành phố khi cuộc chiến lại bắt đầu.
"Chúng tôi đến để gặp con gái. Và rồi nó bắt đầu. Chúng tôi vào hầm tránh bom, nhưng vì vợ tôi không đi được nên tôi buộc phải kéo cô ấy ra khỏi đó. Chúng tôi sống trong một nhà để xe. Tôi đang cố thoát khỏi đây."
Các nhân viên viện trợ cho biết tình hình ngày càng tồi tệ, do tính chất bất ổn của cuộc xung đột đã khiến việc cung cấp lương thực trở nên đặc biệt khó khăn.
David Beasley là giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc.
"Tôi không có bất cứ một thông tin gì về những điều đang diễn bên trong Mariupol mà tốt đẹp cả. Chúng tôi không thể tiếp cận mọi người. Chúng tôi đã yêu cầu chúng tôi được cấp quyền đi vào nhưng chúng tôi đã không được cấp cái quyền đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ chúng tôi có thể để tiếp cận những người ở đó và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì họ. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm, và chúng tôi sẽ không từ bỏ những người ở Mariupol và những người khác mà chúng tôi không thể tiếp cận. Nhưng đó là một tình huống tàn khốc, sẽ có những người chết vì đói."
Trong khi các cáo buộc về hành vi tàn bạo đối với dân thường ở Ukraine vẫn tiếp diễn, Iryna Venediktova, Tổng công tố viên Ukraine, đã có một cuộc họp ngắn với Tòa án Hình sự Quốc tế.
Bà nói đất nước của bà đòi công lý.
"Đầu tiên, chúng tôi cần tìm bằng chứng cụ thể với những người cụ thể và đến tòa án, hiểu rằng chúng tôi có điều luật xuất sắc về truy tố. Bởi vì chúng tôi muốn làm mọi thứ theo pháp quyền và theo các chuẩn mực nhân đạo công pháp quốc tế."
Bà Công tố viên Ukraine nói rằng quá trình này không thể thúc đẩy nhanh.
"Tất cả chúng ta đều hiểu rằng quá trình tố tụng hình sự bắt đầu thu thập tất cả bằng chứng khi chúng ta vẫn còn trong chiến tranh, khi chúng ta có một số lượng lớn các vụ án. Nó không thể nhanh được và nó cũng không đơn giản."
Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan cho biết cuộc điều tra sẽ nghiên cứu tất cả các bằng chứng, mặc dù ông nhấn mạnh rằng nó phải được thực hiện "với một số khẩn cấp" khi cuộc chiến tiếp tục.
Ông nói rằng tòa án có ý định xem xét mọi thứ một cách khách quan.
"Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ bằng chứng nào chưa được kiểm chứng từ bất kỳ tổ chức phi chính phủ nào hoặc thậm chí từ chính phủ hoặc các cơ quan chức năng của Ukraine, thậm chí từ tổng công tố viên. Chúng tôi sẽ xem xét mọi thứ để bảo đảm rằng chúng tôi có bằng chứng đúng và bất kỳ bằng chứng nào chúng tôi đánh giá là đáng tin cậy và xác thực."
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung