Chiến đấu cơ Trung Quốc cắt ngang đầu máy bay trinh sát của Úc

Một chiếc trinh sát Boeing P-8 Poseidon

Một chiếc trinh sát Boeing P-8 Poseidon Source: AAP

Cuộc gặp gỡ giữa chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc và máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Úc có nguy cơ làm bùng phát căng thẳng giữa hai nước.


Chỉ mới lên nắm quyền có hai tuần chính phủ Lao động đã được nhắc nhở rõ ràng về những thách thức quốc tế mà họ phải đối mặt, đặc biệt là khi đối phó với Trung Quốc.

Vụ chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận một máy bay trinh sát của không quân Úc hôm ngày 26 tháng 5 ở Biển Đông được coi là rất nguy hiểm.

Chiếc tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã bay sát sườn chiếc trinh sát P-8 Poseidon trước khi cắt ngang mũi máy bay của Úc. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói rằng máy bay Úc hoàn toàn có quyền bay trên vùng biển quốc tế.

"Biển Đông quan trọng với Úc. Nó quan trọng với Úc vì hầu hết thương mại của chúng ta đi qua Biển Đông. Là một quốc gia tôn trọng luật biển của LHQ, chúng ta hành xử quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Vì vậy, tôi muốn nói rõ rằng vụ việc này sẽ không ngăn cản Úc tiếp tục tham gia vào các hoạt động này."

Trong khi tất cả các thành viên phi hành đoàn đều không hề hấn gì trong vụ việc, Thủ tướng Anthony Albanese đã nêu vấn đề với Trung Quốc.

"Bộ Quốc phòng Úc trong nhiều thập niên đã thực hiện các hoạt động trinh sát hàng hải trong khu vực và làm như vậy phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trong hải vận và không phận quốc tế. Chúng tôi lo ngại về vụ việc này. Chúng tôi đã bày tỏ những lo ngại đó thông qua các kênh thích hợp và tôi sẽ không bình luận thêm về điều đó."

Các nhà phân tích chiến lược và chính trị cho rằng đó không có khả năng là hành động của một phi công bất hảo, mà có lẽ được chỉ đạo từ Bắc Kinh. Cùng ngày, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối một máy bay quân sự của Canada đang thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên. Nhà phân tích Graeme Smith của Đại học Quốc gia Australia tin rằng động thái này nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ.

"Nếu bạn gặp những sự cố này trong đó các đồng minh của Hoa Kỳ bị nhắm mục tiêu trực tiếp một cách rất hung hãn như vậy, nó sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng vũ trang trong khu vực."

Đây là sự việc mới nhất trong một loạt các vụ việc khiến bang giao giữa Úc và Trung Quốc thêm căng thẳng. Hồi tháng 2, hai nước đã lên tiếng phản đối sau khi một tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser lên một máy bay của không quân Úc trên biển Arafura. Và vào giữa tháng Năm, chính phủ Liên Đảng tiết lộ rằng một tàu hải giám của Trung Quốc đã được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Tây Úc, cách không xa một cơ sở quốc phòng nhạy cảm.

Ông Michael Shoebridge của Viện Chính sách Chiến lược Úc nói rằng trong vụ tiếp cận trên Biển Đông, máy bay Trung Quốc đã thả các sợi nhôm nhỏ gọi là 'chaff' mà động cơ máy bay Úc đã hút vào một ít.

"Việc thả chaff ra phía trước máy bay phản lực là vô cùng nguy hiểm. Chaff có thể làm dừng động cơ của máy bay, thậm chí có thể khiến nó bị hỏng. Sự việc với máy bay Canada xảy ra cùng ngày và vụ này đối với máy bay P-8 của Úc đều minh họa bằng hình ảnh cho thấy việc cho phép quân đội Trung Quốc hoạt động thường xuyên và dễ dàng hơn ở Nam Thái Bình Dương như Bắc Kinh muốn và như thủ tướng Solomons ông Sogavare đang khuyến khích - là một tin xấu cho Nam Thái Bình Dương, bởi vì hành động gây hấn mà chúng ta đang thấy là sự hỗ trợ cho đường lối quân sự của Trung Quốc."

Tất cả diễn ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói về điều mà ông gọi là thiết lập lại bang giao với Úc. Ông Vương Nghị nói rằng mối quan hệ đó không thể tự động được cải thiện mà đòi hỏi hai nước cần phải có các hành động cụ thể.


Share