Chăm sóc phụ sản theo nguồn gốc văn hóa: thử nghiệm mới tại các cộng đồng di dân

Talking to the midwife at Redbank Community Centre

Talking to the midwife at Redbank Community Centre Source: SBS

Mang thai là thời gian thử thách cho những người lần đầu tiên làm mẹ, đặc biệt đối với những phụ nữ di dân và tị nạn tại quốc gia mới đặt chân tới. Thành phố Ipswich, thuộc Tây Nam Brisbane, là một trong những trung tâm đa sắc tộc mới của Úc. Giới chức y tế tại địa phương đã thành lập các phòng khám bệnh, có những nữ hộ sinh có thể chăm sóc đặc biệt cho các sắc tộc khác nhau.


Cô Sonja Makei, 24 tuổi đi đến phòng khám phụ sản vào những ngày cuối, trước khi cô chuyển dạ đứa con đầu lòng.

Nay đang ở tuần thứ 38, cô nói cô đã trải qua một kỳ mang thai thật dễ chịu, nhờ vào mối quan hệ gắn bó khăng khít với nữ hộ sinh.

‘Cô ấy biết rõ mọi thứ về bạn, bạn không cần phải lặp đi lặp lại câu chuyện của mình trong mỗi lần thăm khám. Cô ấy biết rõ về bệnh án của bạn cũng như con người bạn, và đây là điều tuyệt vời nhất của việc mang thai, khi bạn có một người hộ sinh thật sự hiểu mình và hiểu về hoàn cảnh của mình.’

Cô Makei là một trong hàng trăm người sắp làm mẹ, lựa chọn khám thai tại trung tâm y tế cộng đồng Redbank Plains – thuộc khu vực West Moreton – thay vì đi đến bệnh viện.

‘Sau chuyến đi khám thai đầu tiên tại bệnh viện, tôi đã nghĩ: ‘ồ, nơi này xa chỗ mình ở quá’. Nên khi họ đề nghị và yêu cầu tôi đến khám ở trung tâm này, tôi thấy rất vui vì chỗ này chỉ cách nhà tôi đúng một phút, nó thật là gần, tôi thật sự hạnh phúc, tôi cảm thấy thật thoải mái. ‘  

Nữ hộ sinh của Makei tên là Natalie Poole, thuộc cơ quan Y khoa West Moreton. Cô được huấn luyện đặc biệt để chăm sóc cho những phụ nữ mang thai gốc đảo, cô nói các phòng khám cộng đồng, giống như phòng khám ở West Moreton, mang lại cho bệnh nhân sự tự tin và được khám bệnh thường xuyên.

‘Có rất nhiều phụ nữ gốc đảo tại Redbank, Goodna và khu vực West Moreton nói chung, và thật lý tưởng nếu chúng ta có thể mang lại sự chăm sóc tốt hơn, bằng cách có những hỗ trợ y khoa thích hợp với văn hóa đảo cho những người này, như phát triển các dịch vụ y tế mang tính văn hóa, nhất là trong dịch vụ hộ sản.’

Các cộng đồng gốc đảo và tị nạn đang tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực này, khiến giới chức y tế địa phương phải nghĩ tới các dịch vụ y khoa hướng đến văn hóa cộng đồng.

Kể từ lúc khai trương phòng khám cộng đồng đầu tiên vào 2 năm trước, đến nay đã có hơn 15,000 người đến khám ở các phòng khám cộng đồng trong khu vực.

Nhiều phụ nữ di dân và tị nạn không thích đi khám thai tại bệnh viện vì rào cản ngôn ngữ và văn hóa, cũng như họ bị thiếu các dịch vụ hỗ trợ.

Các nguyên nhân nói trên khiến họ thường bị bỏ lỡ những cuộc kiểm tra sức khoẻ quan trọng, vào mỗi giai đoạn của thai kỳ.  


Share