Cảnh giác nhiều vụ lừa đảo từ thiện trong mùa Giáng sinh

Charity

Source: Getty / Getty Images/Constantine Johnny

Vào thời điểm các tổ chức từ thiện đang tăng cường kêu gọi quyên góp trước Giáng sinh, cơ quan quản lý từ thiện quốc gia cảnh báo rủi ro xảy ra các vụ lừa đảo giả mạo từ thiện. Việc này xuất hiện khi dữ liệu chính thức cho thấy người Úc đang mất hàng tỷ đô la vào tay những kẻ lừa đảo mỗi năm.


Dữ liệu chính thức cho thấy người Úc đang mất hàng tỷ đô la vì các vụ lừa đảo. 

Khi nhiều tổ chức từ thiện đang đưa ra lời kêu gọi quyên góp trong mùa Giáng sinh, cơ quan quản lý từ thiện quốc gia cảnh báo những kẻ lừa đảo đang lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người thông qua các lời kêu gọi từ thiện giả mạo. 

Ủy viên Tổ chức Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc (ACNC) Sue Woodward kêu gọi mọi người thận trọng để chắc chắn các khoản quyên góp đến tay những người có nhu cầu.

"Chúng tôi biết rằng vào thời điểm này trong năm, nhiều tổ chức từ thiện đang thực hiện các hoạt động quyên góp Giáng sinh và lễ hội.

Họ xứng đáng nhận được sự ủng hộ của công chúng về mặt quyên góp và hoạt động tình nguyện.
Thật không may, đôi khi chúng ta có thể thấy sự gia tăng các vụ lừa đảo, những người cố gắng lợi dụng sự hào phóng và lấy số tiền đó mà không sử dụng cho mục đích tốt đẹp ban đầu.
Ủy viên Tổ chức Từ thiện Úc Sue Woodward
Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy người Úc đã mất 3,1 tỷ đô la vào tay những kẻ lừa đảo vào năm ngoái. 

Đã có hàng trăm báo cáo về các vụ lừa đảo từ thiện giả mạo gửi tới Scamwatch, nhưng bà Woodward cho biết con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

"Điều mà chúng tôi biết là báo cáo chưa đầy đủ, vì vậy con số có thể cao hơn nhiều vì mọi người thường không chia sẻ hoặc quá xấu hổ khi báo cáo, nên đây là một con số lớn. Đó là vấn đề mà chúng tôi quan ngại." 

Tổng Giám đốc Điều hành trung tâm Chống Lừa đảo Quốc gia tại ACCC Heidi Snell cho biết các tổ chức từ thiện giả mạo chiếm phần lớn các vụ lừa đảo được trính báo.
Năm nay, chúng tôi đã nhận được 96 báo cáo các vụ lừa đảo từ thiện giả mạo, với số tiền thiệt hại lên tới hơn 82.000 đô la.
Giám đốc Điều hành trung tâm Chống Lừa đảo Quốc gia Heidi Snell
Một vụ đặc biệt mà chúng tôi thấy là những người đến gõ cửa tự xưng từ Tổ chức ung thư vú ở New South Wales và Victoria, trong khi thực tế là họ không phải.

Vì vậy, chúng tôi chắc chắn đã thấy những kiểu lừa đảo này, do đó chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng đặc biệt cảnh giác với chúng." 

James Roberts là Giám đốc Quản lý Gian lận tại Ngân hàng Commonwealth. 

Ông cho biết các vụ lừa đảo từ thiện giả mạo đã thao túng sự quan tâm thực sự của mọi người với những người khác trong cộng đồng, như trường hợp xảy ra trong vụ cháy rừng Mùa hè đen.

"Quay lại thời kỳ cháy rừng, chúng ta có rất nhiều tổ chức từ thiện giả kêu gọi quyên góp cho các vụ cháy rừng, chúng thực chất là những kẻ lừa đảo săn lùng thiện chí và sự tốt bụng của người Úc."

Bà Snell cho biết những vụ lừa đảo này gây ra những hậu quả đáng kể về mặt tài chính và tinh thần.

"Ngay cả những vụ lừa đảo chỉ liên quan đến việc mất vài trăm đô la cũng có thể có tác động tàn khốc đối với một người, đang ở trong tình trạng bấp bênh về mặt tài chính."

Tuy nhiên, bà Woodward nói rằng sự tồn tại của các vụ lừa đảo từ thiện giả mạo không ngăn cản người Úc quyên góp vào thời điểm có nhu cầu cao. 

Bà cho biết trang đăng bạ từ thiện trực tuyến miễn phí Charity Register của ACNC là một cách dễ dàng để kiểm tra xem tổ chức từ thiện có hợp pháp hay không.

"Các tổ chức từ thiện cần sự hỗ trợ của bạn hơn bao giờ hết, họ đang đối mặt với những người vật lộn với áp lực chi phí sinh hoạt và khó khăn hơn thế nữa. Mùa lễ hội áp lực rất cao. Chúng tôi khuyến khích bạn thực hiện bước đơn giản là kiểm tra sổ đăng bạ để đảm bảo rằng tiền của bạn sẽ đến nơi bạn muốn." 

Charity Register liệt kê 60.000 tổ chức từ thiện đang hoạt động trên khắp đất nước và cung cấp thông tin chi tiết về tài chính quan trọng, bao gồm ai đang điều hành tổ chức từ thiện, tổng doanh thu và chi phí cũng như tình nguyện viên. 

Bà Woodward cho biết cách an toàn nhất để quyên góp là thông qua thông tin trong sổ đăng bạ này, thay vì nhấp vào liên kết hoặc cung cấp thông tin chi tiết qua điện thoại. 

Bà cho biết bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của lừa đảo, nhưng một số nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương.

"Tất cả chúng ta đều bận rộn. Chúng ta nhận được tin nhắn từ ai đó hoặc các bài đăng trên mạng xã hội mà chúng ta thấy cảm động, rồi nhấp vào và quyên góp, hoặc chúng ta nhận được một cú điện thoại. Tôi nghĩ mọi người đều ở trong tình huống đó.
Đây là một thông điệp dành cho tất cả mọi người. Nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của bạn, thì bạn sẽ dễ bị lừa đảo hơn, nghĩa là những người thuộc nhóm đó có nguy cơ cao hơn.
Uỷ viên ACNC Sue Woodward
Ông Roberts kêu gọi mọi người hãy cảnh giác và để ý một số dấu hiệu đáng chú ý.
 
"Những kẻ lừa đảo thường cố gắng khiến bạn nhanh chóng phản hồi điều gì đó mà không suy nghĩ kỹ. Vì vậy, bước đầu tiên là tạm dừng và hít thở, sau đó chuyển sang kiểm tra. Hãy suy nghĩ về điều đó. Liệu nội dung có ổn không? Liên kết có ổn không? Thường thì liên kết trông không đáng tin lắm. Hãy dành thời gian để kiểm tra." 

Ông nói nếu bạn là nạn nhân của một vụ lừa đảo, bước đầu tiên rất đơn giản.

 "Điều quan trọng nhất cần làm là liên hệ với ngân hàng của bạn. Điều quan trọng là phải dừng mọi giao dịch tiếp theo nếu chúng là giao dịch trái phép.
A young man holding a phone and looking at it.
Artificial intelligence is fuelling an epidemic of online financial scams, cyber security experts warn. Source: AAP / Jaap Arriens/PA/Alamy
Hoặc trường hợp khác, nếu bạn đã tự mình thực hiện các giao dịch, vì bạn bị một kẻ lừa đảo nào đó lừa làm việc đó, hãy gọi cho ngân hàng nhanh chóng để ngân hàng có cơ hội phong tỏa số tiền đó và thu hồi lại cho bạn. Một lời khuyên duy nhất, hãy liên hệ ngân hàng càng sớm càng tốt." 

Bà Snell cho biết vì các vụ lừa đảo thường rất khó phát hiện nên điều quan trọng là nạn nhân của vụ lừa đảo này phải liên hệ với Scam Watch để bảo vệ những người khác trong cộng đồng.
 
"Bất kỳ ai cũng có thể bị lừa đảo. Điều đó không có nghĩa là bạn làm điều gì đó ngớ ngẩn. Hiện nay, chúng thực sự là những kẻ lừa đảo tinh vi, bất kỳ ai có thể lọt bẫy. Vì vậy chúng tôi thực sự khuyến khích mọi người.

Đừng xấu hổ nếu bạn bị lừa đảo mà hãy tận dụng cơ hội để kể câu chuyện của mình, chia sẻ với bạn bè, chia sẻ với gia đình và báo cáo cho SCAMwatch để không ai khác bị lừa bởi kẻ lừa đảo này, cùng một trò lừa đảo."

Share