Tiến sĩ Lê Thu Hường của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Úc, ASPI, của Đại học ANU nói với SBS rằng quyền lợi của nước Úc gắn liền với khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Cũng dễ hiểu vì về địa lý Canberra nằm gần khu vực ĐNA, đó là khu vực đang bùng phát về dân số và kinh tế, là một nơi có nhiều tiềm năng. Tôi nghĩ sẽ thật vô lý nếu chúng ta bỏ qua các thị trường có nhiều tiềm năng nhưng đó cũng là khu vực khá bất ổn về mặt chính trị. Tôi nghĩ vì quyền lợi tốt nhất cho nước Úc, Canberra nên tiếp cận với các nước láng giềng.
SBS: Đó là quyền lợi hiển nhiên nếu tiếp cận với Asean, nhưng về phần mình Úc có thể đóng góp gì cho Asean?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Tôi nghĩ quan trọng là chúng ta phải phân biệt một bên là quan hệ của Úc với vùng ĐNÁ, và quan hệ giữa Úc và Hiệp hội các Quốc gia ĐNÁ, hay Asean. Và tôi luôn nhấn mạnh rằng cần phân biệt điều đó bởi vì như tôi đã nói Canberra gần phải tiếp cận với các nước láng giềng trên quan hệ song phương với mỗi nước trong khu vực. Nhưng đối với Asean như là một tổ chức thì Úc đã là đối tác kể từ năm 1974, và đó là một trải nghiệm rất hữu ích. Nếu hỏi Úc có thể đóng góp gì? Tôi nghĩ điều quan trọng như chúng ta đang thấy là sự thay đổi trong cán cần quyền lực giữa các cường quốc, và trong tình huống như vậy điều quan trọng là cần khẳng định vai trò của các tổ chức hay định chế đa phương. Úc là một cường quốc hạng trung vốn luôn luôn tôn trọng chủ nghĩa đa phương và tham gia các định chế đa quốc gia. Tôi nghĩ Úc và Asean nên tiếp tục con đường hợp tác đó.
SBS: Nhưng mà các nước trong Asean luôn luôn tôn trọng chủ quyền của các nước thành viên thành ra trên thực tế họ chỉ giải quyết các vấn đề trên căn bản song phương chứ không phải đa phương.
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Đôi khi ta có thể thấy điều đó, đôi khi ta có thể thấy những dấu hiệu có vẻ làm suy yếu nguyên tắc đa phương, nhưng điều đó chỉ xảy ra đối với một số vấn đề nhất định mà thôi. Tôi nghĩ sẽ không công bằng nếu nói rằng họ không tin vào nguyên tắc đa phương bởi vì ta cũng thấy các nước thành viên trong Asean gặp nhau cả ngàn lần mỗi năm, họ sẽ không bỏ ra nhiều thời gian và vật lực để làm như vậy nếu như họ không tin vào nguyên tắc đa phương. Tôi biết chắc là họ tin vào nguyên tắc đa phương và đối với những nước cở trung và nhỏ họ lại càng phải quan tâm hơn đến nguyên tắc đa phương. Tuy nhiên đúng là một số nước trong khối không nghĩ rằng chuyện gì cũng có thể giải quyết một cách đa phương được. Làm việc đa phương mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn là song phương. Nhưng tôi nghĩ các nước cần cả hai cách chứ không thể chỉ theo một nguyên tắc mà được.
SBS: Nước chủ nhà, Úc và Asean có thể trông đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần ở Sydney?
Tiến sĩ Lê Thu Hường: Đây là sáng kiến hay của Úc và dành cho Úc khi lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh Asean tổ chức trên đất Úc, dù đây không phải là lần đầu tiên Asean có hội nghị thượng đỉnh với các nước đối tác bên ngoài khối, cho nên rất được các nước hoan nghênh. Đối với Úc đây là cách thể hiện sự cam kết và tiếp cận với các nước trong khu vực như là Bạch thư Chính sách Ngoại giao của Úc đã khẳng định vị trí và vai trò của Asean trong khu vực. Vì vậy hội nghị thượng đỉnh với Asean lần này là để Úc thể hiện đường lối ngoại giao của mình. Về phần Asean, tham gia hội nghị thượng đỉnh với Úc là cách để tái khẳng định thực tế là Asean vẫn được các đối tác bên ngoài xem là định chế trung tâm trong khu vực. Asean cần các đối tác bên ngoài đối xử công bằng, chứ không vì nước lớn mà thái độ không nhất quán. Asean cần các nước xem họ là đối tác ngang hàng.