Xem geisha trình diễn ở Kyoto
Geisha, âm Hán Việt là “nghệ giả”, là những nghệ sĩ chuyên phục vụ cho khách trong các bữa tiệc hoặc trà quán. Họ được đào tạo về nhiều môn nghệ thuật khác nhau như khiêu vũ, âm nhạc, giao tiếp, và trò chơi truyền thống. Geisha từng có mặt ở nhiều thành phố tại Nhật Bản, nhưng hiện nay phổ biến nhất là ở Kyoto. Tại đây thì geisha được gọi là geiko, và những người mới vào nghề thì gọi là maiko.
Trong quá khứ, geisha thường phục vụ tại các trà quán đắt tiền, và thường chỉ nhận khách quen hoặc những người được giới thiệu. Nhưng khi du lịch phát triển thì bắt đầu xuất hiện nhiều nơi mà du khách quốc tế có thể thưởng thức các điệu múa của geisha, và thậm chí chơi các trò chơi truyền thống và trò chuyện với họ thông qua một thông dịch viên. Bạn có thể tìm kiếm những nhà hàng như vậy ở khu Gion, Kyoto, hoặc đặt trước trên mạng qua các đại lý du lịch với từ khoá là “geisha show” hoặc “geisha dinner”.
Ngoài ra thì bạn cũng có thể xem maiko biểu diễn mỗi ngày, kết hợp cùng nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, ở nhà hát Gion Corner, hoặc mua vé xem Miyako Odori – đây là một show diễn lớn vào tháng Tư hàng năm, quy tụ hàng chục maiko, geiko và nhạc công, và kéo dài 1 tiếng đồng hồ.
Một điều lưu ý là nếu bạn bắt gặp một geiko hoặc maiko trên đường ở Kyoto, thì đừng nên chặn đường họ để chụp hình. Vấn đề này đã trở nên phổ biến trong nhiều năm nay, và chính quyền thành phố thậm chí đã phải gắn biển nhắc nhở khách du lịch ở Gion.
Ghé thăm lò võ sumo ở Tokyo
Source: SBS / Đăng Trình
Thi đấu sumo không phân theo hạng cân, do đó các võ sĩ thường cố gắng tăng cân nhiều nhất có thể, nhưng đồng thời cũng phải tập luyện theo một chế độ đặc biệt để sử dụng cân nặng và cơ bắp một cách hiệu quả nhất. Đó là lý do các võ sĩ sumo trên phim ảnh và ngoài đời thật rất mập mạp. Thậm chí, một số võ sĩ vốn xuất thân từ môn võ khác, như karate hay judo, lúc mới bắt đầu chuyển sang sumo thì khá gọn gàng, nhưng sau một thời gian thì họ sẽ tăng ký để phù hợp với môn võ này. Theo Wikipedia, ba võ sĩ sumo nặng nhất là Orora (292,6kg), Konishiki (287kg), và Yamamotoyama (277kg).
Mỗi năm có 6 giải đấu sumo được tổ chức, ba giải ở Tokyo vào tháng Giêng, tháng 5 và tháng 9; một giải ở Osaka vào tháng 3; Nagoya vào tháng 7; và Fukuoka vào tháng 11. Mỗi giải đấu kéo dài 15 ngày, và vé được mở bán trước đó một tháng. Bạn có thể mua vé trên mạng, thông qua các đại lý du lịch hoặc cửa hàng tiện lợi.
Xem thi đấu sumo rất thú vị vì bạn sẽ cảm nhận được không khí trong đấu trường, cũng như xem các nghi thức trước trận đấu. Tuy nhiên, nếu đến Tokyo không trùng vào dịp có giải đấu, bạn có thể ghé thăm một võ đường sumo ở quận Ryogoku vào buổi sáng. Tại đây, bạn sẽ được thấy tận mắt cảnh các võ sĩ sumo tập luyện cùng nhau. Khi đã gia nhập võ đường, một võ sĩ sumo phải tuân theo các quy định khắt khe về trang phục, kiểu tóc, giờ giấc sinh hoạt, cách hành xử ở nơi công cộng – phải búi tóc theo kiểu truyền thống, mặc kimono mỗi khi ra ngoài đường, và khi thi đấu, dù thắng hay thua thì cũng không được thể hiện cảm xúc.
Bạn có thể đặt tour trên Airbnb Experiences, Klook hay các đại lý du lịch khác, sẽ có một hướng dẫn viên đi cùng để thông dịch. Ở quận Ryogoku, bạn cũng có thể thử món chanko nabe, một loại lẩu rau củ, thịt và hải sản rất giàu chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các võ sĩ sumo luyện tập và thi đấu.
Một thông tin thú vị khác là mỗi võ đường sumo chỉ được phép nhận một võ sĩ nước ngoài. Trong quá khứ, có võ đường đã từng nhận 6 võ sĩ Mông Cổ, sau đó thì luật mới được áp dụng. Những võ sĩ nước ngoài này phải nói được tiếng Nhật, và phải am hiểu văn hoá Nhật Bản.
Nghỉ trọ trong tu viện ở Koyasan
Source: SBS / Đăng Trình
Cũng giống như nhà trọ truyền thống ryokan, phòng ngủ trong shukubo được lót thảm tatami, bàn ghế thấp, có nệm trải trên mặt đất thay cho giường, phục vụ đồ ăn kaiseki thuần chay, và thường kết hợp với tắm nước nóng onsen. Đặc biệt, bạn có thể tham gia thời khoá buổi sáng cùng các vị tu sĩ Chân ngôn tông, ngồi thiền và chép kinh trong thời gian rảnh.
Khi ở trong shukubo, khách trọ phải tuân thủ giờ giấc sinh hoạt của tu viện, chẳng hạn như thời khoá lúc 6 giờ sáng, điểm tâm lúc 7 giờ, tắm rửa từ 5-8 giờ, ăn tối lúc 6 giờ chiều, và cổng chùa đóng lúc 8 giờ tối.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tham gia nghi thức thọ giới (jukai) theo truyền thống Nhật Bản ở Daishi Kyokai. Hình thức của buổi lễ thọ giới hầu như vẫn giữ nguyên suốt 1.200 năm qua. Bạn sẽ được dẫn vào một gian phòng tối, chỉ có vài ngọn nến thắp sáng. Trên điện thờ có một vị chủ lễ, cùng một vị tu sĩ trẻ đứng dưới để thông dịch. Theo hướng dẫn của vị chủ lễ, bạn sẽ thực hiện phần sám hối, quy y Tam Bảo, sau đó tụng đọc 10 giới luật của nhà Phật. Vào cuối buổi lễ, vị chủ lễ sẽ đưa cho bạn một lá bùa có in nội dung 10 giới để làm kỷ niệm.
Phía tây Koyasan là nghĩa trang Okunoin, nơi an nghỉ của đại sư Không Hải. Lúc sinh thời ông rất được tôn trọng, nên sau khi viên tịch, các đời vua chúa, tăng lữ lẫn thường dân đều muốn được chôn cất gần ông. Vì vậy mà ở Okunoin có hơn 200.000 bia mộ kéo dài gần hai cây số. Có những bia đá cổ bám đầy rêu phong nằm giữa hàng cây cổ thụ, nhưng cũng có khu nghĩa trang của các tập đoàn lớn, với nhiều kiểu bia mộ, đài tưởng niệm thể hiện lĩnh vực kinh doanh của công ty, và thậm chí có cả mô hình… tên lửa.