Các nhãn hàng tăng giá quá mức được đưa vào tầm ngắm để điều tra

Australia Budget

A man shops in a supermarket in Sydney, Tuesday, May 9, 2023. The Australian government on Tuesday forecast the nation's first balanced annual budget in 15 years but warned that economic pressures such as inflation would push the country into deeper debt in future years. (AP Photo/Rick Rycroft) Source: AP / Rick Rycroft/AP

Lợi nhuận quá mức và việc tăng giá cắt cổ sẽ được soi dưới kính hiển vi như một phần của cuộc điều tra bắt đầu từ hôm 21/09. Cuộc rà soát do Hội đồng Nghiệp đoàn Thương Mại Úc ACTU ủy quyền và sẽ xem xét trong hai năm qua các công ty Úc có tăng giá quá mức hay không.


Đối với Danielle Jaeger, chi tiêu hàng ngày đang bắt đầu ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của cô.

Là y tá nhi khoa làm việc toàn thời gian nhưng cô nói rằng cô đang cân nhắc một quyết định khó khăn.

"Tôi nghĩ do chi phí sinh hoạt tăng đáng kể, và hậu quả của việc giá cả tăng cao nên giờ đây tôi phải tìm cách kiếm một công việc thứ hai để có thể xoay sở. Và khi tôi nói xoay sở là nói đến khả năng trả tiền các hóa đơn, mua thức ăn để có trong tủ lạnh và giữ để có một mái nhà ở trên đầu."

Danielle là một trong những người tiêu dùng đã đưa ra bằng chứng cho cuộc điều tra về việc tăng giá quá đáng price gouging, khi một công ty lợi dụng thời điểm giá cả gia tăng đã tăng giá sản phẩm của mình lên một giá cắt cổ nhằm trục lợi.

Cuộc điều tra sẽ do cựu chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, Australian Competition and Consumer Commission ACCC, Giáo sư Allan Fels phụ trách.

"Chúng tôi tập trung vào tác động của giá cả đối với người lao động và những người thiệt thòi. Họ thường là những người không có thêm nguồn thu nhập nào để bù đắp cho chi phí sinh hoạt khi giá cả tăng mạnh."

Cuộc điều tra đã nhận được hơn 600 lượt gửi từ người tiêu dùng trên khắp nước Úc.

Giáo sư Allan Fels nói rằng ông sẵn sàng lắng nghe việc vật giá tăng một cách quá đáng đã và đang ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của nền kinh tế như thế nào.

"Ba lĩnh vực lớn nhất được nêu ra gồm thứ nhất là thực phẩm và đồ uống, thứ hai là năng lượng, và thứ ba là ngân hàng và bảo hiểm. Đó thực sự là mối quan tâm lớn nhất của tôi. Nhưng tôi cũng sẵn sàng để lắng nghe về các lĩnh vực khác, chẳng hạn như vận tải hoặc hàng không."

Các nhà nghiên cứu thị trường cũng đã đưa ra bằng chứng trước cuộc điều tra.

Nhà kinh tế trưởng của Viện Úc Australia Institute là Greg Jericho cho biết trong thời gian đại dịch sự tập trung là nhằm vào các khoản lỗ và lợi nhuận của công ty.

"Chắc chắn chúng tôi muốn thấy lợi nhuận. Không có gì sai khi tìm kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận là tốt. Chúng giúp tạo ra hoạt động kinh tế, tăng việc làm và thêm người được tuyển dụng. Chúng tôi muốn thấy lợi nhuận, tuy nhiên, những gì chúng tôi đang thấy là lợi nhuận quá mức, lợi nhuận cao hơn mức chúng tôi muốn nhìn thấy, và lợi nhuận vượt mức đó thực sự đã gây ra lạm phát."

Hiệp hội Ngân hàng Úc Australian Banking Association cho biết mặc dù tài sản của các ngân hàng tăng trưởng nhưng họ chỉ kiếm được 2/3 doanh thu mà họ có trước đây từ các khoản phí.

Hội đồng Năng lượng Úc Australian Energy Council trả lời SBS qua một văn bản, rằng họ sẽ quan tâm theo dõi cuộc điều tra.

Cuộc rà soát giá cả kéo dài 5 ngày được ủy quyền bởi Hội đồng Thương Mại Úc Australian Council of Trade Unions mà không phải là chính phủ liên bang.

Tuy nhiên, họ hy vọng có thể đưa ra khuyến nghị cho chính phủ khi chi phí sinh hoạt và áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng.

Cô y tá nhi khoa làm việc toàn thời Danielle Jaeger chia sẻ:

"Cần phải hành động. Có quá nhiều người đang vật lộn với giá cả. Có những người phải cân nhắc giữa việc mua thuốc hay mua thức ăn, giữa nhu cầu hàng ngày và sự nghỉ ngơi của họ, điều mà tôi chưa bao giờ hình dung là có một ngày người Úc phải làm. Tôi thấy là mình đang vật lộn, và tôi biết có rất nhiều người khác trong cộng đồng thậm chí còn trong hoàn cảnh khó khăn hơn."

Share