Thành tích học tập của các học sinh tiểu học có nguồn gốc di dân, nói được các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh đang là câu chuyện thành công đầy bất ngờ và thú vị trong kết quả thi NAPLAN năm nay.
Các học sinh Thổ dân và dân đảo Torres Strait cũng đạt được những thành tích đáng khích lệ trong việc cải thiện khả năng đọc và làm toán, mức độ tiến bộ cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, bức tranh giáo dục Úc năm nay đan xen nhiều gam màu sáng tối. Chính phủ liên bang đã phải nhắc đến sự giảm sút chung ở môn viết và đọc là "đáng phải thức tỉnh" - "wake-up call".
Học sinh gốc di dân tiến bộ “thần tốc”
Hàng trăm trẻ em bắt đầu năm học đầu tiên ở cấp tiểu học tại Úc với khả năng nói tiếng Anh hạn chế, một số trường hợp còn không hề biết chút tiếng Anh nào.
Thế nhưng đến năm học lớp 3, chính các em này lại đạt được kết quả vượt trội về khả năng nói và đánh vần tiếng Anh. Thực tế rất đặc biệt này diễn ra ở 2 tiểu bang New South Wales và Tasmania.
Ở đa số các tiểu bang khác, trẻ em có nguồn gốc di dân, nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng đạt được trình độ tiếng Anh ngang bằng với các em bản ngữ.
Fairfield, miền Đông Nam Sydney được coi là khu vực rất đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ. Có một trường công giáo địa phương mang tên Our Lady of the Rosary, chào đón khoảng 90 học sinh mẫu giáo mỗi năm. Với đa số các em này thì tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai.
Bất chấp những thách thứ về ngôn ngữ, đây cũng là một trong 40 ngôi trường trên toàn nước Úc đã được chứng nhận là đạt được sự cải thiện lớn nhất trong môn đọc viết và toán số.
Theo nhận định của trường thì học sinh ở đây đạt được điểm số cao hơn mức trung bình toàn quốc và toàn tiểu bang trong môn đánh vần và trong 5 năm qua, học sinh các khối lớp 3, lớp 5 và lớp 7 của trường cũng đều giỏi hơn mức trung bình toàn quốc và tiểu bang ở môn đánh vần.
Học sinh Thổ dân ấp ủ ước mơ sau tốt nghiệp
Trong khi đó, cũng tại Úc, năm nay các em học sinh gốc Thổ dân không những cải thiện về khả năng đọc viết mà các em còn được sử dụng một dịch vụ rất hữu ích khi đi học xa nhà.
Nhóm học sinh trung học mà SBS tiếp xúc cũng giống như hàng ngàn bạn đồng trang lứa trên khắp nước Úc, các em đang ngày càng gần hơn với lễ tốt nghiệp.
Thế nhưng, điều kiện học tập của các em thì hoàn toàn khác với bạn bè.
Các em là những học sinh nội trú, đến từ các cộng đồng xa xôi hẻo lánh, quy tụ lại trong cơ sở nội trú gọi là Wiltja ở Adelaide.
Em Rueben Williams, từ Alice Springs, vừa học xong lớp 12 chia sẻ về kế hoạch của em.
“Em sẽ về nhà, về lại Alice Springs, tụi em đâu có nhiều lựa chọn, từ chuyện trường lớp đến những thứ khác. Giáo dục chẳng hạn, nếu muốn giúp đỡ hay việc gì đó thì em ở lại Wiltja,” em Williams nói.
Williams cho hay có lẽ em đã không bao giờ đạt được học vấn nếu không có sự hỗ trợ của Wiltja bởi quãng đường từ nhà đến trường là 1400 cây số.
“Năm học đầu tiên em rất lo lắng, không học được gì nhiều. Sau đó em khá hơn và bắt đầu làm quen với Adelaide,” học sinh Williams nói.
Có mặt trong lễ tốt nghiệp của Williams có cả bà nội Marjorie Williams, bà đã đi từ Alice Springs đến trường để tận mắt chứng kiến dịp đặc biệt này.
Và tất nhiên, chuyến đi không hề dễ dàng, 20 tiếng ngồi xe bus nếu không muốn trả tiền cho tấm vé máy bay đắt đỏ.
“Với chúng tôi, đến được nơi đây thật là khó khăn. Chúng tôi phải xoay sở tiền bạc, làm sao để có đủ tiền mà đi.”
“May mà chúng tôi cũng đã tiết kiệm vì không muốn lỡ mất dịp tốt nghiệp của Ruben,” bà Williams nói.
Bà cũng cho hay đầu tư cho việc học của cậu cháu Rueben là việc đáng làm cho tương lai của cháu.
Trở lại với ý tưởng thành lập khu nhà nội trú Wiltja. Một nhóm các phụ nữ Anangu từ Nam Úc đã lập ra cơ sở này cách đây 20 năm.
Cũng từ đó, 75 em học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 từ nơi đây. Giờ đây, học sinh từ các cộng đồng xa xôi hẻo lánh ở 3 tiểu bang đều được chào đón đến học ở cơ sở tại Adelaide này.
Bà Makinti Minutjukur, cựu từng đứng đầu đầu Ủy ban giáo dục Pitjantjatjara Yankunytjatjara cho hay đây là nơi mà văn hóa và giáo dục hội tụ.
“Đa số học sinh đến với Wiltja được học tập, được nói tiếng Anh, đọc và viết.”
“Nhiều em sau khi đến đây đã thật sự tự tin và mạnh mẽ, sẵn sàng lên tiếng trước những người ở các cấp cao hơn như chính phủ, ngành giáo dục, hoặc trở thành những người lãnh đạo,” bà Minutjukur nói.
Còn với cậu học trò vừa tốt nghiệp lớp 12 Reuben Williams thì mục tiêu cậu đặt ra là trở thành một người lãnh đạo trong tương lai.
Williams đang lên kế hoạch đến làm việc ở một vùng xa xôi hẻo lánh nào đó, để giúp đỡ cho ươm mầm cho các thế hệ sau.
Thế nhưng, đó là chuyện tương lai còn giờ là lúc Williams và các bạn được ăn mừng sau những năm học vất vả.