Một cuộc khảo sát lên 15,000 người Úc được công bố hồi tháng 7 xác nhận rằng, tình trạng bạo hành gia đình đã gia tăng trong khoảng thời gian người dân bị buộc phải ở nhà do đại dịch.
Nghiên cứu trên do Viện nghiên cứu tội phạm Úc châu thực hiện, cho biết rằng gần như 1 trong 10 phụ nữ ở trong mối quan hệ, tường thuật việc bị bạo hành về thể chất hoặc tình dục trong vòng ba tháng đầu tiên của đại dịch từ tháng Ba đến tháng Năm
Các mối quan hệ trong cộng đồng người đồng tính LGBTQI+ không được bao trùm trong nghiên cứu này, thế nhưng theo các tổ chức hỗ trợ, các hành vi bạo hành gia đình cũng đã gia tăng trong cộng đồng này, gây bất ngờ cho cả những người đồng tính lẫn dị tính - những người mà luôn cho rằng bạo hành gia đình và việc lạm dụng không hề tồn tại trong cộng đồng LGBTIQ+.
Tyrone, một người trông coi cửa hàng trên phố Oxford gần Sydney CBD, nói rằng anh có nghe nói chuyện đó có xẩy ra, nhưng nó được coi là một đề tài cấm kỵ, và không ai nói chuyện thẳng thắn về vấn đề này.
Tôi chỉ nghe về nó từ các bạn của bạn. Không ai thực sự nói về nó. Đó là một đề tài bị né tránh. Rất im lặng.
Trong thế giới đồng tính, việc bạo hành trong các cặp đôi hầu như không được nhắc đến, trong khi nó thậm chí xẩy ra nhiều hơn so với các mối quan hệ dị tính.
Victoria, một người bán hàng trên con phố đi dạo của đông đảo người đồng tính, gần như không tin vào chuyện này.
Cô nói rằng các khách hàng của cô luôn vui vẻ, và cô không nghĩ chuyện bạo hành có xẩy ra trong cộng đồng này.
“Không. Các khách hàng của chúng tôi rất vui vẻ. Họ thực sự hợp ý nhau. Họ là những người rất tốt. Đó là lý do tại sao tôi ngạc nhiên. Họ thực sự tôn trọng lẫn nhau.”
Tuy nhiên thực tế là, bạo hành diễn ra, và nó còn trở nên tồi tệ hơn trong suốt đại dịch covid-19.
Jen, người không muốn được nêu tên đầy đủ, đã trải qua bạo hành và lạm dụng trong mối quan hệ với người bạn đời đồng tính. Việc bạo hành bắt đầu sau sáu tháng của mối quan hệ, và kéo dài cho tới 3 năm rưỡi.
“Tôi đã ở trong mối quan hệ đồng tính với một phụ nữ. Chúng tôi ở bên nhau gần bốn năm. Vào cuối năm thứ nhất là thời điểm mà mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ. Chúng tôi đối mặt với rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ của chúng tôi. Người yêu của tôi tại thời điểm đó, gia đình của cô ấy không chấp nhận quan hệ đồng tính, và đó là một phần trong những mâu thuẫn nội tâm của cô ấy, và cô ấy tìm cách giải quyết bằng sự giận dữ."
Một trong những cơ chế đương đầu của cô ấy là bực tức, giận dữ, lạm dụng. Cô ấy đã lạm dụng về mặt tinh thần và sau đó nó chuyển sang thể chất. Chúng tôi cãi nhau và cô ấy trở nên tức giận, cô ấy sẽ tát vào mặt tôi.
Tổ chức thúc đẩy sức khỏe ACON ở NSW, và Switchboard - tổ chức cung cấp đường dây hỗ trợ ở Victoria, đều ghi nhận những mức tăng lớn về bạo hành gia đình trong suốt đại dịch.
Joe Ball là Giám đốc điều hành của Switchboard, vận hành đường dây hỗ trợ người đồng tính có tên gọi Rainbow Door of Victoria.
“Có một sự khác biệt nhẹ giữa bạo lực xẩy ra trong mối quan hệ và bạo lực xẩy ra trong gia đình. Chúng tôi đã chứng kiến số lượng tăng lên trong cả hai trường hợp trên.”
Viện Nghiên cứu Gia đình Úc vào tháng 12 năm 2015 công bố một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Tình dục ((ARCHS)) về bạo hành gia đình trong cộng đồng LGBTIQ+. Nghiên cứu cho biết có khoảng 28% người tự nhận dạng là nam giới và 41% người nhận dạng là nữ giới trả lời khảo sát cho hay họ đã từng ở trong mối quan hệ với một người bạn đời bạo hành.
Nghiên cứu cũng cho hay phụ nữ đồng tính có xu hướng ở trong mối quan hệ bạo hành hơn so với nam đồng tính.
Eloise Layard là chuyên viên chương trình chống bạo hành gia đình của tổ chức ACON New South Wales.
“Một vài trong số những điều đứng sau sự gia tăng về bạo hành gia đình cho cả phụ nữ dị tính và những người trong cộng đồng LGBTQ trong suốt đại dịch covid-19 có thể kể đến như là, có nhiều thời gian ở cùng nhau hơn, gia tăng sự cô lập với xã hội, sụt giảm các hoạt động cộng đồng, điều đó khiến hạn chế các cơ hội để những người cần có thể tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài.”
Bà Layard cho hay bạo lực có nguồn gốc từ quyền lực và sự kiểm soát. Đặc biệt trong các tình huống căng thẳng về việc làm, tài chính trong đại dịch, nó có thể khiến gia tăng việc lạm dụng bạn đời.
Joe Ball thì tin rằng bạo lực có thể nảy sinh từ những trải nghiệm tiêu cực mà một số người trải qua từ khi còn nhỏ.
Nhiều khi bạo lực nảy sinh từ việc nhiều năm bị chèn ép, việc phải che giấu mối quan hệ của họ, và các hậu quả của chuyện đó là những nỗi đau và ám ảnh trong các mối quan hệ.
"Tôi nghĩ đó là một vấn đề có tính hệ thống trong cộng đồng của chúng ta. Nếu các bậc cha mẹ được cho biết rằng điều đó là sai khi con cái họ đồng tính, thì nó sẽ khiến nảy sinh bạo lực đối trong gia đình đối với những người con.”
Cảnh sát NSW nói với SBS News cho hay, họ ghi nhận rủi ro bạo hành gia đình liên quan đến đại dịch, do đó đã tăng cường các hoạt động kiểm tra ngăn chặn bạo hành gia đình. Cảnh sát tiến hành 8,500 cuộc thăm viếng kiểm tra hồi tháng 4 năm nay, tăng gần gấp đôi so với con số 4,500 trong cùng kỳ năm 2019.
Cảnh sát NSW cũng khẳng định rằng, không có lý do gì cho bạo hành gia đình, và nếu bạn đang gặp khó khăn, hay biết ai đó cần sự giúp đỡ, bạn cần phải lên tiếng.
Joe Ball từ tổ chức Switchboard nói rằng, bất cứ ai đối mặt với bất cứ hình thức lạm dụng hay bạo lực nào, nên gọi đến đường dây hỗ trợ Rainbow Door ở số điện thoại 1-800-729-367, hoặc nhắn tin vào số 0480-017-246.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại