Người ta cũng còn nhớ hồi tháng 10 năm 2015 Bộ trưởng Lãnh thổ Bắc Úc, ông Adam Giles đã công bố cho báo giới biết là chính phủ cho với giá $506 triệu Úc kim.
Darwin vốn đã có nhiều người gốc Hoa, con cháu của những người di cư qua Úc vào cuối năm 1800 để đào vàng ở Pine Creek.
Darwin cũng là nơi đầu tiên đã đón nhận các thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 1970.
Trong đệ nhị thế chiến của những năm 1940, Darwin trở thành điểm trung chuyển quan trọng của hải quân Mỹ cho các cuộc hành quân ở Thái Bình Dương.
Ngày nay vùng địa đầu của nước Úc vẫn chào đón quân đội Mỹ, với sự luân chuyển của khoảng 2.500 lính thủy quân lục chiến mỗi năm.
Ông Giles cho biết theo hợp đồng, Tập đoàn Landbridge được quyền khai thác trong 99 năm, nhưng chỉ một phần của Cảng Darwin, bao gồm bến tàu East Arm và Fort Hill, căn cứ hậu cần hàng hải Darwin, các thủy lộ thương mại thuộc khuôn viên cảng và trạm tiếp liệu.
Chính phủ Úc vẫn kiểm soát bến tàu Stokes Hill, Fisherman và Hornibrook, cũng như các cơ sở trong Vịnh Frances.
Tưởng cũng nên biết chủ của Tập đoàn Landbridge, tỉ phú Ye Cheng cũng là người đã mua nhà máy khí đốt WestSide ở Brisbane hồi năm 2014. Theo tạp chí Forbes thì ông này giàu thứ 206 ở Trung Quốc với tài sản trị giá 1,77 tỉ Úc kim.
China's LandBridge Group President Ye Cheng Source: AAP Image/EPA/ALEJANDRO BOLIVAR
Quan ngại cho an ninh quốc gia
Washington dưới quyền Tổng thống Barack Obama đã tức giận vì Canberra không vấn ý trước với họ trong chuyện này.
Một số nhà phân tích đã mô tả rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc lâu nay vẫn vờn nhau trong bóng tối ở Biển Đông và Cảng Darwin là một cánh tay nối dài của các chiến dịch của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Các chuyên gia quốc phòng đã thắc mắc liệu việc cho công ty của Trung Quốc thuê cảng này có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Úc hay không?
Một số thậm chí còn nói rằng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc dọ thám hay phá hoại các tàu chiến của Mỹ đến Darwin.
Nhưng Bộ Quốc Phòng Úc có vẻ không có vấn đề gì khi chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc gởi hợp đồng cho để Canberra xem xét.
Cuối cùng có vẻ những người ủng hộ Mỹ đã thổi phồng những lo sợ như vậy.
Những người ủng hộ lập luận rằng nếu muốn do thám tàu của Mỹ thì một nhân viên nhà hàng Trung Quốc ở Darwin đã có thể làm mỗi khi tàu Mỹ ghé Darwin, chứ không cần phải vô làm trong cảng.
Họ chỉ cần nghe các cuộc trò chuyện của giới chức Mỹ trên bàn ăn trong nhà hàng thì đã có thể thu thập được khá nhiều tin tình báo, và tàu Mỹ cặp cảng này khá thường xuyên.
Hồi tháng 3 năm 2016 truyền thông Úc đã loan tin về ý định tăng cường sự hiện diện quân sự ở Darwin của Washington, để gọi là chuẩn bị đối phó với việc Trung Quốc leo thang vũ trang ở Biển Đông.
Các máy bay ném bom B1 và máy tiếp nhiên liệu của Mỹ sẽ thường xuyên sử dụng các căn cứ của Úc ở Darwin và Tindal.
Nếu được tiếp nhiên liệu trên không thì máy bay B1 có thể hoạt động sâu trong vùng Biển Đông.
'Mối đe dọa từ Landbridge là vô căn cứ'
Trước áp lực từ nhiều phía, tháng 12 năm 2015 Ủy ban An ninh Quốc phòng Thượng Viện Úc đã xem xét lại thỏa thuận đầu tư tại Cảng Darwin.
Trong cuộc điều trần Tổng thư ký Bộ Quốc Phòng Dennis Richardson nói rằng mối đe dọa của Tập đoàn Landbridge không có căn cứ.
Ông cho biết khi hay tin tập đoàn được cho có nhiều liên hệ với Đảng Cộng Sản và quân đội Trung Quốc trúng thầu, ông đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng xác nhận là không có vấn đề gì phải quan tâm.
Nhưng dư luận ngày càng phản đối về chuyện này khiến ông phải cho mời tất cả các cơ quan tình báo liên hệ ngồi xuống để xem xét lại một lần nữa, nhất là về khả năng hoạt động của tình báo Trung Quốc nếu có.
Ông Richardson cho biết ông được toán chuyên viên đó vấn ý là không có ảnh hưởng gì đáng kể.
Thậm chí ông còn trấn an mọi người là bất kỳ nhân công Trung Quốc nào sang Darwin làm việc phải cần được kiểm tra an ninh và cần có visa.
Cũng xuất hiện trước cuộc điều trần, Giám đốc Cơ quan Tình báo Úc Duncan Lewis cũng xác nhận ASIO đã xem xét mọi khả năng và vấn ý cho Bộ Tài Chánh và Bộ Quốc Phòng.
Lợi ích kinh tế cho Lãnh thổ Bắc Úc
Bộ trưởng Lãnh thổ Bắc Úc Adam Giles nói thỏa thuận này đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho lãnh thổ.
Tháng Ba năm ngoái chính phủ đã công bố một ngân khoản 100 triệu Úc kim trích ra từ việc cho thuê Cảng Darwin, với 37 triệu Úc kim đầu tiên dùng để nâng cấp các trường công lập trên khắp lãnh thổ.
Tập đoàn Landbridge cam kết chi ra 35 triệu Úc kim trong 5 năm đầu để mở rộng cảng, và đầu tư thêm 200 triệu Úc kim nữa trong 25 năm.
Giám đốc hạ tầng cơ sở của Landbridge tại Úc Mike Hughes cho biết mục tiêu của công ty là gia tăng các chuyến hàng của Trung Quốc qua Úc với giá vận chuyển phải chăng.
Được biết trong hợp đồng có một số điều khoản để bảo vệ quyền lợi của người Úc, ví dụ tiền thuê nhà chỉ được tăng phù hợp với chỉ số tiêu dùng CPI sau khi cảng được thương mại hóa.
Chính phủ Lãnh thổ Bắc Úc sẽ được chia 15% hàng năm trên dự phóng tăng trưởng thu nhập của cảng.
Một điểm quan trọng là 20% của Cảng Darwin vẫn nằm trong tay người Úc, mà hiện tại là thuộc về chính phủ Lãnh thổ Bắc Úc.Đặc khu kinh tế hay nhượng địa?
Northern Territory Chief Minister Adam Giles Source: AAP Image/Liam Carroll
Trở lại với trường hợp của Việt Nam thì quốc hội chỉ mới đang thảo luận về dự luật thành lập đặc khu mà nhiều người sợ rằng sẽ bật đèn xanh cho chính phủ cho thuê dài hạn 3 khu vực có tầm quan trọng chiến lược là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, mặc dù không thấy có xác nhận chính thức nào về chuyện này.
Nhưng người ta lo ngại điều gì? Dư luận trên mạng xã hội trong mấy ngày qua cho thấy có ngườ sợ rằng có nguy cơ đảo Vân Đồn có thể bị biến thành “Crimea thứ hai”.
Bán đảo Crimea từng thuộc về Ukraine, nhưng bị Nga sáp nhập năm 2014 với lý do đa số kiều dân Nga trên bán đảo bỏ phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp tách ra khỏi Ukraine và mong muốn được Moscow bảo vệ lợi ích.
Một số người khác so sánh việc lập đặc khu cho thuê dài hạn với hình thức nhượng địa và cảnh báo Trung Quốc lợi dụng để di dân qua Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo chí trong nước trích dẫn đã cam kết chính phủ và quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, và nhấn mạnh thêm rằng quốc hội sẽ “xem xét các trường hợp được ưu đãi hay cá biệt một cách công khai, minh bạch và thận trọng”.
Tuy nhiên theo ông Phúc thời hạn 99 năm không phải là vấn đề lớn - đây chính là điểm khiến dư luận đang bất bình.
Cũng có người nói dù cho thuê trong thời gian dài nhưng đây không phải là nhượng địa bởi vì hệ thống hành chánh của các đặc khu vẫn trong tay người Việt, và trên thực tế chuyện cho thuê được gia hạn mỗi 50 năm cũng đã xảy ra rồi như trong trường hợp của các công ty Nhật và Nam Hàn.
Cách đây vài hôm trên mạng đã xuất hiện một thỉnh nguyện thư mở, thu thập chữ ký của bất cứ ai phản đối dự luật đặc khu để gởi cho quốc hội bởi vì nó 'ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa cho sự toàn vẹn lãnh thổ' và thúc giục người Việt trong và ngoài nước, cũng như quốc hội hãy 'phản đối và rút bỏ' dự luật.