Ba sự kiện quốc tế đáng chú ý về tự do tôn giáo tại Việt Nam diễn ra cuối tháng 10

Dân biểu Markus Grübel, Ủy viên Chính phủ Liên bang Đức về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế trình bày tại Quốc Hội Đức bản Phúc Trình thứ hai của chính phủ về tình hình tự do tôn giáo quốc tế

Ủy viên Chính phủ Liên bang Đức về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Markus Grübel trình bày tại Quốc Hội Đức bản Phúc Trình hai về tình hình tự do tôn giáo quốc tế. Source: BPSOS - Vietnam Advocacy Project

1/ Tù Nhân Lương Tâm Nguyễn Bắc Truyển được chọn trao giải Stefanus 2020 để vinh danh nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo của ông - 2/ Gần 30 nhân sĩ quốc tế cùng lên tiếng ủng hộ thái độ dấn thân của các cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam - 3/ Đức công bố bản Phúc Trình về tình hình vi phạm tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó Việt nam lại bị nêu đích danh.


Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày cuối tháng 10 năm 2020, đã có ba sự kiện quốc tế liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam rất đáng chú ý.

1.  Ngày 20/10/2020: Tổ chức Stefanus Alliance International tại Na Uy quyết định trao giải Stefanus thường niên cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.

Giải thưởng này nhằm vinh danh những cá nhân đã thể hiện lòng dũng cảm tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng cũng như các vấn đề nhân quyền khác trên khắp thế giới.

Ông Ed Brown, Tổng Thư Ký của Liên Minh Quốc Tế Stefanus (Stefanus Alliance International) nói với đài RFA:
Từ một danh sách những ứng viên rất sáng giá, Ủy ban giải thưởng, một bộ phận độc lập với Liên minh Stefanus, đã ghi nhận việc làm lâu năm của ông Nguyễn Bắc Truyển nhằm thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và bảo vệ những sắc tộc thiểu số tôn giáo. Ông làm như thế không chỉ với cộng đồng của mình mà còn với các cộng đồng tôn giáo khác bất chấp hiểm nguy đối với cá nhân và gia đình của ông.
Ông Ed Brown nói thêm đầu năm 2019 Liên minh Stefanus đã tổ chức một chiến dịch viết thư để động viên ông Nguyễn Bắc Truyển trong tù và hàng trăm bức thư đã được gửi đến trại giam An Điềm, nhưng toàn bộ đều bị cán bộ ngăn chặn nên ông Nguyễn Bắc Truyển không nhận được một lá thư nào.

Stefanus Alliance International đã báo lại vụ này cho Bộ Ngoại giao vả Quốc hội Na Uy cùng Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng của Liên Hiệp Quốc và yêu cầu đại sứ quán Na Uy theo dõi tình hình của ông Nguyễn Bắc Truyển. 

Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ và Hội Ái Hữu Tù Nhân Lương Tâm.

Năm 2017, ông Truyển cùng một số nhà hoạt động khác bị bắt và ngày 5/4/2018, ông bị tuyên án 11 năm tù, 3 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Hiện nay ông nay đang thụ án tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam với sức khoẻ yếu kém vì bị viêm khớp xương.

Năm 2011 ông Truyển đã được tổ chức Theo dõi Nhân quyền  trao giải thưởng Hellman/Hammett. Ông cũng được một số dân biều Hoa kỳ và Đức nhận bảo trợ.
Nguyen Bac Truyen is the winner of the Stefanus Prize 2020.
Nguyen Bac Truyen is the winner of the Stefanus Prize 2020. Source: Stefanus
2. Ngày 26/10: 27 nhân sĩ quốc tế ủng hộ thái độ dấn thân của các cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam 

Ngày 26 tháng 10, 27 nhân sĩ quốc tế cùng lên tiếng ủng hộ bức thư chung đề ngày 6/4/2020 do 30 tổ chức và 300 cá nhân, phần lớn thuộc các cộng đồng tôn giáo độc lập ở Việt Nam ký tên và gửi cho Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng đứng tên trong lá thư, ngoài một người Việt duy nhất là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, 26 nhân sĩ quốc tế còn lại gồm các chuyên gia về nhân quyền, chính khách, cựu viên chức của các chính phủ và cơ quan LHQ, và các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc các nước Anh, Mỹ, Hoà Lan, Brazil, Malaysia, Miến Điện, Đức, Slovakia và Na Uy.

Bức thư chung ngày 6 tháng 4 khẳng định vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công cuộc đối phó với các vấn đề lớn của xã hội và kêu gọi chính quyền:
... đón nhận và khuyến khích sự góp sức của mọi thành phần dân tộc, bao gồm cả những tổ chức và cộng đồng tôn giáo không hoặc chưa được công nhận… Dù chỉ một nhóm người hoặc một cộng đồng bị loại trừ hoặc bị đẩy ra bên lề, tổng lực của xã hội sẽ giảm đi và nguy cơ sẽ tăng lên.
Bức thư này đã được 27 nhân sĩ quốc tế đồng ký tên trong thư chung đề ngày 26/10 đ̃ể bày tỏ sự ủng hộ:
Chúng tôi hoan nghênh quyết định của các cộng đồng tôn giáo, bất luận có tư cách pháp nhân hay không, cùng với toàn thể xã hội dân sự và chính phủ tham gia vào chiến dịch chống đại dịch một cách thiện chí nhất trong khả năng hiện có của mình.

Cả hai bức thư được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam phải chống chọi với đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và nạn lũ lụt triền miên tại miền Trung hiện nay, nhưng việc cứu trơ giúp đỡ đồng bào của các cá nhân tổ chức tư nhân hoặc tôn giáo độc lập thường gặp nhiều khó khăn ngăn trở bởi chính quyền các cấp.
 
Xem bức thư chung ngày 6/4/2020 của các cộng đồng tôn giáo và các cá nhân ở Việt Nam .
 
Xem bức thư chung ngày 26/10/2020 của 27 nhân sĩ quốc tế .
 
3. Ngày 28/10/2020, Đức công bố bản phúc trình thứ nhì về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo trên thế giới,  trong đó Việt Nam lại bị nêu đích danh.
 
Dân biểu Markus Grübel, Ủy viên Chính phủ Liên bang Đức về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã công bố của chính phủ liên bang Đức về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
 
Một lần nữa, chính phủ Việt Nam lại được nêu đích danh với nhiều ví dụ cụ thể về chính sách đàn áp tự do tôn giáo, sự dung túng đồng lõa cho những tổ chức tôn giáo quốc doanh và các nhóm bạo lực hành hung, tấn công các nhà lãnh đạo tôn giáo và những cộng đồng tôn giáo độc lập không chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền.
 
Phần lược dịch của BPSOS về phần liên quan đến Việt Nam trong Bản Phúc Trình thứ hai của chính phủ liên bang Đức về tình hình tự do tôn giáo trên toàn cầu 
Hệ thống chính trị vẫn được định hình bởi quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Tuy Hiến pháp chính thức trao cho người dân nhiều quyền cơ bản, chẳng hạn như tự do báo chí và biểu đạt, tự do hội họp, tự do tôn giáo và niềm tin, nhưng trên thực tế, các quyền cơ bản bị hạn chế trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị và xã hội thông qua sự hạn chế bởi các cơ quan có thẩm quyền, sự kiểm duyệt và kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Điều này đặc biệt áp dụng cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo. Bản phúc trình nêu rõ sự phân biệt đối xử trong lãnh vực tôn giáo. Trong khi các tín đồ ở thành thị và các khu vực kinh tế phát triển thường có thể thực hành đức tin một cách công khai thì trái lại những cộng đồng sắc tộc-tôn giáo thiểu số nói riêng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, không những phải chịu thiệt thòi trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn mà đôi khi còn bị chính quyền địa phương và người Kinh kỳ thị. Thêm vào đó, kể từ sau đại hội đảng gần đây nhất của ĐCSVN vào đầu năm 2016, các cuộc đàn áp của chính quyền đối với các tổ chức xã hội dân sự, những nhà hoạt động và các blogger đã ngày càng gia tăng. Điều này cũng có tác động tiêu cực đến tình trạng của các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là ở những tỉnh lẻ phía Nam và phía Bắc của đất nước cũng như ở miền Trung Việt Nam. Đã có áp lực lên các linh mục và tín đồ Công giáo, những người phản đối các chính sách của chính phủ sau vụ xả thải từ một nhà máy thép Đài Loan gây ra thiệt hại lớn về môi trường vào mùa xuân năm 2016, bản phúc trình cho biết. Tuy Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 24 rằng mọi công dân đều có quyền tự do tôn giáo và niềm tin, nhưng tự do tôn giáo có thể bị hạn chế vì lý do an ninh và trật tự quốc gia. Bản phúc trình ghi nhận Luật tôn giáo có hiệu lực từ đầu năm 2018 mang phương hướng tiến tới chính sách tôn giáo tự do hơn. Việc rút ngắn thời gian chờ đợi trước khi một tổ chức tôn giáo có thể đăng ký với nhà nước từ 23 năm xuống còn 5 năm cũng là một tiến bộ. Tuy nhiên, cả việc được công nhận là một tổ chức tôn giáo và được phép tổ chức các sinh hoạt tôn giáo đều có thể bị chính quyền từ chối. Chính quyền thường xuyên can thiệp khi họ cho rằng công tác xã hội của các tổ chức tôn giáo có thể gây hại cho nhà nước hoặc đảng Cộng sản. Chẳng hạn như các giáo đoàn Công giáo, nhà thờ truyền đạo độc lập ở vùng cao nguyên miền Trung và tín đồ Hmong báo cáo rằng các sự kiện tôn giáo liên tục bị cấm đoán hoặc đôi khi bị giải tán bằng bạo lực nếu hội thánh không đăng ký trước. Theo thông tin từ các tù nhân qua những cuộc thảo luận với đại diện đại sứ quán và gia đình của tù nhân, sự bảo đảm quyền thực thi tôn giáo trong khi bị giam giữ theo luật tôn giáo thường không được thực hiện. Một số tù nhân Cơ đốc giáo không được tiếp cận với Kinh thánh và không được phép gặp linh mục; ngoài ra, một số người trong số họ bị ngăn cản thực hành tôn giáo của họ. Bản phúc trình đặc biệt nhấn mạnh mối quan ngại về việc nhà nước tiếp tục đàn áp và những nỗ lực đe dọa chống lại các nhóm tôn giáo độc lập không muốn tuân theo hệ thống đăng ký và kiểm soát của nhà nước như các cộng đồng Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo, Hmong theo đạo Tin Lành, đặc biệt là ở miền Trung. Để ngăn chặn các cuộc biểu tình hoặc tình trạng bất ổn từ trong trứng nước, chính quyền ở những vùng này chủ yếu dựa vào lực lượng công an để theo dõi và sách nhiễu các dân tộc thiểu số. Nếu có sự phản kháng thì cũng thường được giải quyết một cách nhanh chóng bằng bạo lực. Vào tháng 10 năm 2018, các vị trưởng thượng của 68 khu định cư người dân tộc thiểu số Hmong ở miền núi phía Bắc, phần lớn là những người theo đạo Dương Văn Mình, đã liên lạc với Liên Hiệp Quốc cũng như các cơ quan đại diện của EU và Hoa Kỳ để yêu cầu hỗ trợ và hòa giải trước tình trạng gia tăng đàn áp và phân biệt đối xử của chính phủ Việt Nam. Theo báo cáo, nhóm này bị chính phủ phân loại là "tổ chức tôn giáo bất hợp pháp" và phải chịu sự đàn áp nặng nề, bao gồm cả việc tàn phá các nơi thờ tự bằng bạo lực. Các cơ quan đại diện của EU và Hoa Kỳ đã vận động với chính phủ Việt Nam để bảo vệ nhóm tôn giáo này. Ở một số địa phương, chính quyền lại còn kích động sự thù ghét đối với các tôn giáo thiểu số và chấp thuận hoặc khuyến khích những cuộc biểu tình bạo lực chống lại các nhóm tôn giáo, đặc biệt là Công giáo ở miền Trung Việt Nam và Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Nam. Ngoài ra, chính quyền còn huy động bộ máy tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước và những người sử dụng Facebook và blogger được chính quyền chống lưng để kích động dư luận chống phá những nhóm tôn giáo hoặc một số công dân. Chiến lược huy động các nhóm bạo lực như "Hội Cờ Đỏ" dẫn đến những cuộc tấn công các cơ sở tôn giáo và tín đồ mà không hề có sự can thiệp nào của lực lượng an ninh. Các cộng đồng tôn giáo có đăng ký được nhà nước bảo trợ đặc biệt và sử dụng như những công cụ chống lại các cộng đồng chưa đăng ký như Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Các cộng đồng tôn giáo nhỏ, không đăng ký với nhà nước như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, các giáo hội Tin Lành và Công giáo tư gia, Phật giáo Khmer Krom, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thường xuyên bị giám sát. Có nhiều chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị tịch thu và phá hủy, những nơi thờ tự của Phật Giáo Hòa Hảo bị xúc phạm. Truyền thông nhà nước và chính quyền địa phương ở miền Bắc Việt Nam đã kích động chống lại Giáo hội Công giáo vì đã đấu tranh đòi bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường do nhà máy luyện thép của Formosa gây ra ở miền Trung. Mùa xuân năm 2017, hai linh mục Công giáo bị truyền thông nhà nước buộc tội đã tham gia vào các hoạt động "chống đảng". Vào tháng 2 năm 2017, một trong hai vị linh mục này và người đồng hành của ngài đã bị lực lượng công an và nhiều thành viên Hội Cờ Đỏ tấn công tại một cuộc biểu tình ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết khiến 30 người bị thương. Tháng 5 năm 2017, một lực lượng với hơn 1.000 thành viên Hội Cờ Đỏ đã xâm nhập nhà thờ giáo xứ Văn Thai trong khi vị linh mục này đang cử hành thánh lễ. Những kẻ tấn công này đã phá hủy xe cộ, làm hư hại bàn thờ, ảnh tượng tôn giáo và hành hung nhiều giáo dân bị thương mà không có bất cứ lực lượng an ninh nào can thiệp. Bản phúc trình đặc biệt quan tâm đến một nguyên nhân gây ra bạo lực khác. Đó là tranh chấp đất đai của các cộng đồng tôn giáo bị cơ quan nhà nước chiếm đoạt để giao cho các công ty sử dụng với mục đích kinh tế. Kể từ năm 2014, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã di dời cộng đồng Công giáo giáo xứ Đông Yên đến một vùng núi hẻo lánh để mở rộng nhà máy Formosa. Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Việt Nam đã cố chiếm quyền sở hữu một phần của tu viện Thiên An thuộc dòng Biển Đức. Đầu năm 2018, chính quyền đã ra lệnh phá dỡ một khu dân cư chủ yếu là Công giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi nhiều nhà hoạt động đã nương náu để tránh sự đàn áp của chính quyền. Trong những năm gần đây , nhiều nhà hoạt động tôn giáo đã bị bắt và bị kết án tù dài hạn. Tháng 4 năm 2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt năm người Thượng từ tám đến mười năm tù về tội tham gia các nhóm tôn giáo độc lập, không được nhà nước công nhận. Nhiều tín đồ của các nhóm tôn giáo thiểu số thường xuyên bị tra tấn trong trại giam. Một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được cho là tự cắt cổ chết chỉ 10 giờ sau khi bị tạm giam để điều tra. Mẹ và anh em trai của nạn nhân đã được các nghị sĩ Patzelt và Lengsfeld phỏng vấn vào tháng 6 năm 2017 và kể về hành vi tiếp tục sách nhiễu của chính quyền. Vào tháng 2 năm 2018, thêm nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khác đã bị kết án tù dài hạn. Sang tháng 4 năm 2018, ông Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ PGHH hoạt động cho tự do tôn giáo, bị kết án 11 năm tù. Ông Truyển đã làm việc cho Dòng Chúa Cứu Thế trong chương trình chăm sóc các thương phế binh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Truyển cũng đóng góp rất nhiều báo cáo vi phạm nhân quyền đối với các tín đồ PGHH và các nhóm tôn giáo khác cho Báo Cáo Viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hay Niềm Tin. Ngày càng có nhiều báo cáo rằng chính quyền nhà nước đang cản trở hoặc ngăn cản việc cầu nguyện và tổ chức những ngày lễ tôn giáo, đặc biệt là các hoạt động của Phật Giáo Hòa Hảo. Tháng 12, 2018, các tín đồ Tin Lành người Hmong báo cáo sự đe dọa từ phía chính quyền. Các tín đồ đã bị yêu cầu phải từ bỏ đạo Tin lành, gia nhập tổ chức đã đăng ký với nhà nước và phải treo chân dung ông Hồ Chí Minh tại cơ sở tín ngưỡng. Vào tháng 3 năm 2019, một chức sắc của đạo Cao Đài, chánh trị sự Hứa Phi đưa tin qua Facebook rằng công an huyện Đức Trọng đã nhiều lần tra hỏi ông về những hoạt động tôn giáo và gặp gỡ các nhà ngoại giao nước ngoài. Tài sản của ông bị phá hủy, bản thân ông bị công an hành hung nhiều lần, thậm chí bị cắt râu và ngăn cản không được điều trị thương tích tại bệnh viện.

Tường thuật của Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
 
Trong phần phỏng vấn đầu trang, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ,  tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận tại Hoa kỳ đã theo dõi và thông tin cụ thể về ba sự kiện nêu trên trên trang  facebook , đã trình bày những chi tiế̀t đáng chú ý, những vụ đàn áp nghiêm trọng các tổ chức tôn giáo độc lập hồi gần đây tại Việt Nam và ý nghĩa của những sự kiện này trong công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt Nam. 

Ông cũng nêu hai trong những trường hợp vi phạm đáng chú ý hồi gần đây. Đó là:

  •  Vụ Chi phái 1997 trá danh Cao Đải giáo hành hung và xâm phạm quyền tự do tôn giáo của tín đồ Cao Đài chơn truyền ().
  •  Vụ chiếm đất kéo dài và đàn áp nghiêm trọng liên quan đến Đan Viện Thiên An, trong đó một nhà lãnh đạo Đan Viện, Linh mục Anthony Nguyễn văn Đức, bị tạt axit và nghi ngờ đã bị đầu độc ̣().


Share