Úc nổi tiếng với các loài động vật có nọc độc đáng sợ, nhưng khi nói đến nhện thì đây được coi là một quốc gia may mắn.
Giám đốc Y tế của Trung tâm về chất độc NSW Poisons Information Centre, Darren Roberts giải thích.
“Chúng ta thực sự may mắn khi ở Úc, chỉ có một loài nhện phải đặc biệt lo lắng là nhện mạng phễu - funnel web.
Mặc dù người ta hay nói về việc nhện lưng đỏ có độc, nhưng chúng có thể khiến bạn không khỏe, nguy cơ tử vong hoặc thậm chí bị ngộ độc nặng phải nhập viện là rất thấp. Vì vậy, tất cả các loài nhện khác ở Úc thường được coi là ít độc hoặc không độc.”
Nhện lưng đỏ không nguy hiểm như nhiều người nghĩ. Credit: Getty Images/Jenny Dettrick
Cách sơ cứu đối với nhện lưng đỏ cũng giống như bất kỳ loài nhện nào, ngoại trừ nhện mạng phễu.
Lời khuyên y tế là hãy rửa sạch khu vực đó bằng thuốc sát trùng, kiểm tra kỹ xem vắc xin uốn ván của bạn còn hiệu lực hay không. Nếu không, chỉ cần theo dõi và chờ đợi. Các triệu chứng, nếu có tiến triển, sẽ diễn ra từ từ và không phải trường hợp nào cũng cần phải đi bệnh viện.
Đau cục bộ sau khi bị nhện cắn thường phổ biến. Chườm khăn lạnh hoặc túi nước đá bọc trong vải sạch trực tiếp lên vết cắn trong 15 phút có thể giúp giảm đau.
Thông thường, vết cắn của nhện có thể rất nhẹ đến nỗi mọi người không thực sự cảm thấy cho đến sau này.
Tiến sĩ Roberts cho biết điều này trái ngược với việc bị nhện mạng phễu cắn.
“Bị nhện mạng phễu cắn thực sự rất đau. Khi nó cắn, đó là lúc nó tiêm nọc độc. Trong vòng 30 đến 60 phút, rất nhanh chóng, mọi người bắt đầu thấy các triệu chứng đau, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở.
Chúng ta thường thấy bị ngứa ran quanh môi, đôi khi cơ bắp của họ có thể cảm thấy yếu và run. Vì vậy, nhện mạng phễu là mối lo ngại lớn vì nó gây ngộ độc, đe dọa đến tính mạng.
Rắn hiếm khi bò vào nhà và không chủ động tấn công người. Credit: Getty Images/Andrew Balcombe / EyeEm
Shaun Francis là bác sĩ tại Queensland của Dịch vụ Y sĩ khẩn cấp vùng ngoại ô, một nhà cung cấp phi lợi nhuận các dịch vụ vận chuyển y tế, chăm sóc sức khỏe và cấp cứu 24 giờ tại các cộng đồng nông thôn và vùng hẻo lánh của Úc.
Đường dây RFDS Telehealth theo số 1300 69 7337 là điểm đầu tiên để được tư vấn về sức khỏe, còn các cuộc gọi 000 sẽ chuyển hướng đến đường dây này khi bệnh nhân cần vận chuyển y tế bằng trực thăng, kể cả khi bị rắn và nhện cắn.
“Dịch vụ hồi sức trên trực thăng cho phép bệnh nhân nhận được sự chăm sóc mà họ yêu cầu. Có rất nhiều nhóm bệnh nhân của chúng tôi ở những nơi mà họ không thể được chăm sóc y tế kịp thời.
Vì vậy, những bệnh nhân đó sẽ gọi điện trực tiếp cho chúng tôi, họ sẽ nói chuyện qua điện thoại với bác sĩ, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ, sơ cứu và sau đó khởi động phương pháp phù hợp để đưa người đó đến bệnh viện để chăm sóc y tế.”
Vết cắn của nhện đôi khi không gây đau, nên người bị cắn không biết. Credit: Getty Images/Stefania Pelfini, La Waziya Photography
Sơ cứu khi bị nhện hoặc rắn cắn
Ở vùng hẻo lánh, tất cả các vết rắn cắn đều được coi là có độc. Tuy nhiên, vết cắn của nhện khá phổ biến, các chuyên gia y tế sẽ đánh giá các triệu chứng để đưa ra can thiệp.
Tiến sĩ Francis giải thích.
“Cách tiếp cận chung của chúng tôi đối với những người đã bị rắn cắn là coi tất cả các trường hợp đều bị nhiễm độc, ngay cả khi không có triệu chứng, bởi vì như vậy là an toàn nhất.
Vết cắn của nhện phức tạp hơn một chút. Thường thì người ta không biết loại nhện hoặc loại vết thương. Khi có nhiều triệu chứng hơn là chỉ đau tại chỗ, đó là động cơ để chúng tôi can thiệp và tăng cường chăm sóc.”
Lời khuyên cho bất kỳ vết cắn nào từ một con nhện đen, lớn, có thể thuộc hoặc không thuộc họ nhện mạng phễu, là coi đó như một trường hợp cấp cứu y tế.
Nhện mạng phễu chỉ có ở một số nơi ở Úc như Sydney, và vùng biển phía Đông. Credit: Getty Images/Image Created by James van den Broek
“Những gì chúng tôi làm là quấn một miếng băng cố định tạo áp lực quanh vết cắn và sau đó quấn lên xuống. Đó là một miếng băng, không phải là dây buộc.
Người đó nằm thật yên, cho đến khi xe cấp cứu đến. Khi ai đó bị nhện mạng phễu cắn, tốt nhất là không khuyến khích họ đi lại. Vì điều đó có thể đẩy nhanh tốc độ nọc độc di chuyển khắp cơ thể.
Ở một số khu vực, xe cứu thương thậm chí còn có chất giải nọc độc vì tầm quan trọng của việc đưa chất giải độc nhanh chóng. Và họ sẽ đưa bạn đến bệnh viện.”
Theo thống kê, rắn cắn gây chết người không phổ biến. Các số liệu gần đây cho thấy trung bình có hai trường hợp tử vong mỗi năm ở Úc cho 3.000 trường hợp bị rắn cắn.
Một số vết cắn khô, nghĩa là rắn tấn công nhưng không tiết ra nọc độc. Tuy nhiên, mọi vết rắn cắn phải được coi là có nọc độc.
Tiến sĩ Francis phác thảo ba bước cần thiết: Dùng băng cố định áp lực, nẹp để cố định chân tay bị cắn và gọi ba số không (000).
“Bất kỳ vết rắn cắn nào cũng cần được xử trí với cùng một cách sơ cứu, bất kể các triệu chứng hoặc mối lo ngại về vết cắn khô hay có nọc độc.
Vì vậy, bất kỳ trường hợp nào chúng ta nghĩ rằng con rắn đã cắn bệnh nhân, chúng ta đều tiến hành sơ cứu giống như vậy. Dùng băng gạc quấn tạo áp lực, cố định, nẹp và chăm sóc y tế cho tất cả những bệnh nhân đó.”
Dùng băng gạc để ngăn nọc độc di chuyển ra các phần khác của cơ thể. Credit: Getty Images/Lisa Maree Williams / Stringer
Làm gì khi nhìn thấy rắn?
Ông Gianni Hodgson là một người bắt rắn được cấp phép ở vùng Victoria.
Có một số loại rắn độc mà ông nhìn thấy thường xuyên, nhưng ông nói rằng ngay cả một vết cắn không có nọc độc vẫn gây ra vấn đề.
“Rắn hổ và rắn nâu có lẽ là phổ biến nhất, trăn đầu đồng thực sự rất ít thấy, rắn đen bụng đỏ cũng phổ biến, nhưng chúng ít được nhìn thấy hơn những con khác.
Vì vậy, khi nhìn thấy trăn, cũng nên di chuyển ra khỏi nhà. Bạn có thể có vật nuôi, có thể tương tác với trăn, trẻ em có thể tương tác và chúng có thể bị trăn cắn. Chúng không có nọc độc nhưng chúng có thể chứa vi khuẩn và những thứ có thể gây hại. Dù sao thì không ai thích bị cắn cả.”
Rắn không có khả năng tấn công trừ khi chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc sợ hãi. Ông Hodgson chia sẻ một số lời khuyên về những điều không nên làm khi bạn nhìn thấy một con rắn.
Tất cả các vết rắn cắn đều coi là nhiễm độc và cần sơ cấp cứu. Credit: Getty Images/kristianbell
Nếu con rắn ở bên trong, chẳng hạn như hai hoặc ba mét, hãy di chuyển xung quanh và lùi ra xa khỏi nó. Nếu bạn vô tình thấy rắn, giống như bạn đang đi bộ và đột ngột đứng lại, thấy rắn cách bạn 30 cm, cứ đứng yên. Cứ để nó di chuyển, nó sẽ tiếp tục đi. Chỉ là nó chưa nhận ra rằng bạn đã ở đó mà thôi."
Khi không chắc phải làm gì sau khi bị nhện cắn, mọi người có thể gọi đến đường dây trợ giúp của trung tâm thông tin chất độc toàn quốc, Tiến sĩ Roberts nói.
“Bạn luôn có thể nhận được lời khuyên từ Trung tâm Chất độc Poisons Information centre theo số 13 11 26. Một chuyên gia được đào tạo sẽ trả lời điện thoại, 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, họ có thể giúp đưa ra lời khuyên tốt nhất nên làm gì. ”
Nhưng đối với tất cả các trường hợp bị rắn cắn, để đề phòng, bạn cần gọi 000 ngay lập tức, phòng trường hợp khẩn cấp.
“Nếu bạn ở cùng với bất kỳ ai bị rắn hoặc nhện cắn, và họ có sự thay đổi, chẳng hạn như trông có vẻ bối rối, bị đau dữ dội hoặc các triệu chứng rõ rệt khác, đừng ngần ngại. Hãy gọi 000.”