Phiên tòa chính thức giữa một người nông dân Indonesia với một tập đoàn dầu khí lớn đã bắt đầu ở Sydney vào ngày hôm qua 17/6.
Đây là một phiên tòa về một vụ án cách đây 10 năm.
Người nông dân trồng rong biển Indonesia là ông Daniel Sanda bước vào Tòa án Liên bang ở Sydney, cùng với gia đình và những người luật sư của ông để tìm cách đòi bồi thường cho thiệt hại mà vụ tràn dầu Montara gây ra hồi năm 2009, khiến mùa màng của ông bị phá hủy nghiêm trọng.
Maurice Blackburn là công ty luật đại diện cho ông Sanda và hơn 15 nghìn nông dân Indonesia trồng rong biển khác trong vụ án này.
Ben Slade, luật sư tại Maurice Blackburn, đang điều hành vụ án, cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi đã trải qua 10 năm kể từ thảm họa môi trường này và công ty dầu mỏ tiếp tục phủ nhận tác động tàn phá mà dầu của họ phun ra không kiểm soát được trong nhiều tháng đối với nông dân trồng rong biển Indonesia.
Ben Slade, quyền luật sư chính cho bên nguyên đơn, nói rằng phiên tòa không nên ngăn cản một kết quả chính đáng.
“Chỉ vì họ sống ở Indonesia, chỉ vì họ không có quyền lực mạnh mẽ, không có nghĩa là họ không được nhận bồi thường. Công ty dầu khí này cần phải chấp nhận sai lầm đã làm với người nông dân Indonesia và phải bồi thường cho họ."
Giàn khoan dầu Montara đã phát nổ vào ngày 21 tháng 8 năm 2009, tại vùng biển Úc, cách bờ biển Tây Úc 250 km và một khoảng cách tương tự về phía Đông Nam của đảo Rote của Indonesia.
Hàng ngàn thùng dầu đã chảy ra biển Timor trong hơn 70 ngày trước khi được kiểm soát.
Ông Slade nói rằng công ty dầu mỏ vận hành giàn khoan Montara, là PTTEP Australasia phải chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng công ty này không chỉ sơ suất đơn thuần mà vụ tràn dầu còn phá hủy ngành công nghiệp ở Indonesia, bao gồm hai hòn đảo Rote và Kupang, nơi mà người nông dân đang có những vụ mùa bội thu."
Rong biển, còn được gọi là "vàng xanh" đối với người Indonesia, đã thay đổi cuộc sống của những người dân ở khu vực này vào đầu thế kỷ 21.
Việc trồng trọt và kế sinh nhai mới này mang lại cơ hội tiềm năng cho cộng đồng địa phương để thúc đẩy cuộc sống của họ.
Sau vụ tràn dầu, ngành công nghiệp trồng rong biển nhanh chóng suy giảm và những người nông dân sống dựa vào thương vụ này để kiếm sống, bỗng chốc trở nên khó khăn để có đủ tiền chi trả cuộc sống.
Một khía cạnh căn bản được tranh luận gay gắt trong vụ kiện của Tòa án Liên bang là mức độ lan rộng của dầu theo thời gian 1 tuần, 1 tháng, và nhiều năm sau vụ tràn dầu Montara.
Luật sư đại diện cho người nông dân trồng rong biển Indonesia thừa nhận không có phép đo khoa học kỹ lưỡng nào được thực hiện vào thời điểm đó, vì vậy phải dựa rất nhiều vào lời khai của nhân chứng.
Người ta cũng cáo buộc rằng các chất phân tán hóa học được sử dụng sau vụ tràn dầu đã làm thiệt hại thêm cho cây rong biển Indonesia.
"Công ty này phải có trách nhiệm. Một tập đoàn dầu khí lớn của Úc không thể gây thiệt hại cho môi trường, rồi quay lưng. Hệ thống tư pháp của Úc và Maurice Blackburn phải đủ cứng rắn để yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm."
PTTEP Australasia và công ty mẹ ở Thái Lan đã từ chối bình luận về vụ án mà cuối cùng đã được đưa ra Tòa án Liên bang.
Mặc dù công ty này luôn chấp nhận chịu trách nhiệm về vụ tràn dầu Montara, nhưng lập trường chính thức của họ là lượng dầu và bùn ảnh hưởng gần nhất đến bờ biển Indonesia là trong khoảng cách 94 km.
Indonesia từ lâu đã yêu cầu chính phủ Úc phải có hành động trong vụ này và đã phái một phái đoàn ngoại giao tới tham dự phiên tòa.
"Chúng tôi muốn theo dõi hành động của tòa án trong việc chế tài công ty này tại các tòa án ở Sydney."
Vụ kiện tập thể đại diện cho hơn 15.000 nông dân trồng rong biển, những người tuyên bố đã mất kế sinh nhai trong những năm sau khi dầu tràn ra biển Timor trong hơn 74 ngày sau vụ nổ tại giàn khoan dầu Montara vào tháng 8 năm 2009.
Hơn 30 nhân chứng từ Indonesia, bao gồm nông dân trồng rong biển, các chuyên gia hóa học và môi trường sẽ đưa ra bằng chứng tại phiên tòa kéo dài 10 tuần tại Sydney.
Vào năm 2016, khi vụ kiện tập thể được phát động, PTTEP cho biết họ luôn chấp nhận chịu trách nhiệm về vụ nổ Montara, thế nhưng biện hộ rằng hình ảnh vệ tinh, khảo sát trên không và các mô hình kết luận không có dầu nào chạm tới bờ biển Indonesia.