Úc xếp hạng 5 trong số những nước ứng phó tệ nhất với biến đổi khí hậu

Julie Bishop with Ban Ki-moon at the climate conference in Marrakech, Morocco

Julie Bishop with Ban Ki-moon at the climate conference in Marrakech, Morocco Source: AAP

Một phúc trình mới nhất cho thấy các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu của Úc tiếp tục bị đánh giá là "rất kém" dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.


Lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, nước Úc đã bị xếp hạng 5 từ dưới đếm lên, trong bảng chỉ số hiệu suất ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảng xếp hạng so sánh 58 quốc gia cùng chịu trách nhiệm cho 90% lượng khí thải carbon của thế giới.

Các nước có thứ hạng thấp hơn Úc bao gồm Hàn Quốc, Kazakhstan, Nhật và Ả Rập Saudi. Trong khi đó, Pháp, Thụy Điển và Anh dẫn đầu bản xếp hạng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định Úc đã đạt được một số thành quả nhất định trong việc chống lại quá trình biến đổi khí hậu.

"Sự thành công phụ thuộc vào hành động của chúng ta, và nước Úc đang đi đúng hướng nhằm đạt được, hay thậm chí vượt qua, mục tiêu đề ra cho năm 2020. Đến năm 2030, chúng tôi hy vọng sẽ giảm một nửa lượng khí thải bình quân đầu người mỗi năm, và xuống 2/3 trên một đơn vị GDP."

Phúc trình được công bố tại một hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Morocco, cho thấy Úc đã cải thiện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và cắt giảm khí thải, nhưng thụt lùi trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Vào tháng 8 vừa qua, hơn 180 quốc gia đã đạt đến Hiệp định Paris nhằm ứng phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu. Thỏa thuận lịch sử này đánh dấu lần đầu tiên các chính phủ chịu ràng buộc pháp lý, nhằm giới hạn mức gia tăng nhiệt độ hàng năm.

Hiệp định khí hậu Paris có hiệu lực trong tháng 11, sau khi được hơn 100 quốc gia phê duyệt, trong đó có Úc. Phát biểu tại Marrakech, bà Bishop cho rằng nước Úc sẽ hoàn thành các cam kết của mình.

"Thách thức dài hạn nằm ở việc tích hợp các hành động chống biến đổi khí hậu vào trong các quyết sách chính trị, kinh doanh và kỹ nghệ, nhằm đạt đến thỏa thuận toàn cầu mà chúng tôi đã ký hồi năm ngoái. Nước Úc cam kết thực hiện mục tiêu dài hạn, và chúng tôi sẽ đưa ra một loạt các biện pháp môi sinh nhằm đạt được mục tiêu này."

Tại Morocco, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

"Không một ai có quyền đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng đến hàng tỷ người mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân hay sự hiểu biết hạn hẹp.

"Bất kỳ ai đã tham gia vào cuộc hội thoại này, đã dành thời gian để học hỏi từ các chuyên gia, đã thấu hiểu được toàn cảnh vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, tôi tin rằng họ chỉ có một quyết định đúng đắn duy nhất, đó là hành động mạnh mẽ nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu, và khuyến khích những người khác tham gia."

Với sự kiện năm 2016 được đánh giá có nhiệt độ nóng kỷ lục, ông Kerry cảnh báo về những tác động không thể chối cãi của quá trình ấm lên toàn cầu.
"Không một ai có quyền đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng đến hàng tỷ người mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân hay sự hiểu biết hạn hẹp." - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Bài phát biểu của ông Kerry một phần nhắm vào Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã gọi thuyết trái đất nóng lên là "một trò lừa bịp" và đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris. 

"Mặc dù ngay lúc này đây, tôi không thể đoán được những chính sách nào mà Tổng thống đắc cử của chúng tôi sẽ theo đuổi, nhưng tôi có thể nói cho quý vị biết rằng, trong suốt thời gian tại vị của tôi, một trong những điều tôi học được là: Một số vấn đề sẽ được nhìn nhận khác đi một khi bạn nhậm chức, so với lúc bạn đang tranh cử, và sự thực là biến đổi khí hậu ngay từ đầu không nên là một vấn đề mang tính bè phái."

Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ đã khiến dư luận hoang mang về tương lai của các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, một số người lại ủng hộ quan điểm của ông Donald Trump.

Phát biểu trên Sky News, cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đã hoan nghênh lập trường của ông Trump trong vấn đề này. 

"Vâng, dĩ nhiên đây là một vấn đề hệ trọng, nhưng những mối quan ngại về đạo đức liên quan đến vấn đề này đã đi quá đà. Một trong những điều đáng khích lệ khi Tổng thống Trump đắc cử, là cuối cùng chúng ta đã có thể nhìn nhận vấn đề từ một quan điểm tốt hơn.

"Vấn đề dĩ nhiên là quan trọng, và chúng ta cần phải tiến hành các biện pháp hợp lý nhằm hạn chế lượng khí thải, nhưng chúng ta không nên áp đặt chủ nghĩa xã hội trên danh nghĩa chủ nghĩa môi trường mù quáng, và đó là một rủi ro mà chúng ta phải đối mặt trong một thời gian dài."
"Chúng ta không nên áp đặt chủ nghĩa xã hội trên danh nghĩa chủ nghĩa môi trường mù quáng." - Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott
Cũng tại hội nghị toàn cầu về khí hậu tại Morocco, Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố chi 1,5 tỷ Mỹ kim nhằm ngăn ngừa những tác hại của biến đổi khí hậu tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong 4 năm tới. 

Số tiền này sẽ được dành cho nhiều hoạt động như bảo vệ nguồn nước và lương thực, chuyển sang nguồn năng lượng sạch không phát thải khí carbon, và bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. 


Share