Thế nhưng ông Elliott bênh vực cho việc ngân hàng của ông, giải quyết vấn đề quản lý yếu kém về mặt cố vấn tài chính, lệ phí quá mức và thất bại trong kế hoạch quản lý đầu tư, gây ra tình trạng vỡ nợ và khó khăn về tài chính cho nhiều khách hàng.
Ông Shayne Elliott là người đứng đầu ngân hàng lớn thứ hai tại Úc, đã ra điều trần trước một Ủy ban Quốc hội, theo sau ông Ian Narev của ngân hàng Commonwealth, đã xuất hiện hôm qua và kế tiếp sẽ là Westpac và NAB.
Ông cho biết, ông hiểu biết lý do vì sao chính phủ và công chúng muốn có một lời giải thích, đối với một số các vụ tai tiếng mới đây trong hệ thống ngân hàng.
"Là một ngành kỷ nghệ, tôi nghĩ chúng tôi đã xa rời với khách hàng và trở nên chú tâm vào nội bộ, rồi quên đi vai trò của chúng tôi trong xã hội cũng như cộng đồng rộng lớn".
"Và khi chúng tôi mất đi tầm nhìn đó, việc nầy dẫn chúng tôi vào một con đường tạo nên hạnh kiểm xấu, một số cách suy nghĩ tệ hại và thực sự không đối xử với khách hàng một cách trân trọng và xứng đáng".
"Đó là lý do vì sao chúng tôi có mặt tại đây, để giải thích về những gì chúng tôi sẽ làm về chuyện đó".
Ông thừa nhận rằng, ngân hàng đã quản lý kém cỏi bộ phận cố vấn tài chính OnePath và cũng trong vụ bảo hiểm nhân thọ, cũng như đổ lỗi cho các vi phạm gây thua lỗ hơn một triệu đô la, trong suốt hệ thống.
Có khoảng 30 triệu đô la được ký thác sai trái vào các quỹ hưu bổng và các sai phạm khác, bao gồm việc ANZ không theo dõi các chi phiếu không được thu ngân.
Ngoài ra, còn có các khiếu nại về bảo hiểm nhân thọ và về hưu bổng.
Ông Elliott cũng cho Ủy ban biết rằng, ANZ đã thay đổi các thủ tục, sau khi đã hoàn trả gần 400 ngàn khách hàng với số tiền gần 29 triệu đô la, về các chi phí tính quá mức.
Ông bác bỏ chuyện ngân hàng đình hoãn việc báo cáo đến nhà cầm quyền những vụ lừa đão của các giám đốc tài chính, thế nhưng ông đồng ý rằng, các vi phạm của các quản lý tài chính đã gia tăng đến 750 phần trăm.
"Những gì chúng ta chứng kiến trong cuộc điều trần nầy trong 3 ngày là chính phủ cấu kết với ngân hàng, để thương thuyết về việc có thể che giấu để tránh né một Ủy ban Điều tra Hoàng gia". Lãnh tụ đối lập Lao động, ông Bill Shorten.
Ông Elliott cho Ủy ban biết rằng, ngân hàng đã không theo đúng các tiêu chuẩn của chính mình.
"Mỗi lần chúng tôi gặp thất bại, chúng tôi có thể gây tổn hại cho một khách hàng hay một thành viên của cộng đồng, về chuyện nầy, tôi xin lỗi".
"Khi chúng tôi gây thiệt hại cho khách hàng, đó là việc của tôi nhận trách nhiệm, xin lỗi, sửa chữa cho họ càng sớm càng tốt, và thực hiện các thay đổi để không tái diễn".
"Kiểm tra công khai và chịu trách nhiệm về những gì đã làm hay duyệt xét, là một phần trong tiến trình của chúng tôi".
Phe đối lập Lao động liên bang không hài lòng về cách thức chính phủ liên bang, trong việc tổ chức cuộc điều tra của hệ thống ngân hàng.
Lao động muốn có cuộc điều tra của Ủy ban Điều tra Hoàng gia và tranh luận rằng, đó sẽ là phương thức tốt hơn để buộc ngân hàng phải hoạt động đúng đắn và sẽ mang lại một cách thức, để có thể bồi hoàn cho những người bị ngân hàng đối xử một cách sai trái.
Thế nhưng Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết, ông không đồng ý.
"Tất cả những gì Lao động nói là,'Hãy có một Ủy ban Điều tra Hoàng gia', quí vị biết họ giống như là một con vẹt của một tay cướp biển, chỉ nói đúng có mỗi một điều. 'Hãy có một Ủy ban Điều tra Hoàng gia', 'Hãy có một Ủy ban Điều tra Hoàng gia', đó là tất cả những gì họ muốn nói".
"Những gì chúng tôi đang làm là bảo đảm có những thay đổi về luật lệ, thay đổi văn hóa của ngân hàng, thay đổi các thực hiện trong ngành ngân hàng, thiết lập một tòa án xét xử về ngân hàng".
"Chúng tôi làm mọi việc và tăng thêm quyền hạn cho Ủy hội Đầu tư và Chứng khoán ASIC, đề cập đến vấn đề sai trái trong ngành bảo hiểm, chúng tôi đang có hành động ngay bây giờ".
Ý kiến về một phiên tòa xét xử về ngân hàng hiện đang được cứu xét, có thể buộc ngân hàng trả tiền bồì thường cho những ai bị thiệt thòi, do những hành động vô đạo đức của ngân hàng.
Nó cũng có thể đòi ngân hàng trưng dẫn tài liệu và ra quyết định về các vụ tai tiếng về tài chính trong quá khứ.
Ngân hàng Commonwealth cho biết, họ có thể ủng hộ một loại tòa án như vậy.
Còn lãnh tụ đối lập Bill Shorten cho biết, ông sẽ tiếp tục làm áp lực để có một Ủy ban Điều tra Hoàng gia,
Ông nói rằng, Ủy ban nầy sẽ công bằng hơn, minh bạch hơn và có thời gian đào sâu về những gì đàng sau cánh cửa đóng kín của ngân hàng.
"Cuộc điều tra mất 3 ngày, trong đó các dân biểu Lao động chi được phép đặt câu hỏi trong 12 phút mà thôi, đó không phải là một cuộc điều trần mà chỉ để thanh minh mà thôi".
"Những gì chúng ta chứng kiến trong cuộc điều trần nầy trong 3 ngày là chính phủ cấu kết với ngân hàng, để thương thuyết về việc có thể che giấu để tránh né một Ủy ban Điều tra Hoàng gia".
Được biết ngân hàng National và Wetpac, ra điều trần trước Ủy ban kinh tế Quốc hội vào thứ năm.