Điều tra tiến hành bởi The Feed của SBS đã truy vấn một cuộc lừa đảo điện thoại gọi đến Úc bởi các tổ chức tội phạm đóng tại Đài Loan.
Các tổ chức này cho các thành viên của nó thuê tài sản và thiết lập các trung tâm cuộc gọi ở các quốc gia khác, để săn tìm các con mồi đặng lừa đảo. Sau đó, các cuộc gọi có thể được tiến hành từ bất cứ nơi đâu.
Một sinh viên mà chúng tôi tạm gọi là Xiao Chen đang học tại Úc. Một ngày, cô nhận được một cuộc gọi bằng tiếng Quan Thoại, thoạt đầu nói với cô rằng, cô đã nhận được một bưu kiện từ dịch vụ chuyển phát nhanh DHL.
Sau đó, cô được chuyển cuộc gọi đến một người đàn ông, tự giới thiệu mình là một sĩ quan công an cấp cao của Trung Quốc. Người này nói với cô rằng, cô đang gặp rắc rối lớn do liên quan đến hoạt động tội phạm tài chính xuyên quốc gia của một tên tội phạm khét tiếng.
Ông ta gửi cho Xiao Chen một tờ giấy trên đó có ảnh của cô để chứng minh với cô rằng cô hiện đang bị điều tra và nếu không hợp tác, cô sẽ bị đi tù.
Chen nói: “Điều đó với tôi là không thể tin nổi. Tôi nghĩ, “Chuyện gì đang xảy ra với tôi thế này?”.
Trong khoảng 10 ngày, Xiao Chen đã chuyển gần 500 ngàn đô la cho người đàn ông nói trên cũng như những đồng sự khác của ông ta.
Và khi cô hết tiền, họ lại bày cho cô cách nói dối cha mẹ cô, hiện đang ở Trung Quốc để kiếm thêm tiền.
Mẹ của Xiao Chen nghĩ rằng, đó là khoản tiền đặt cọc liên quan đến thị thực của con gái mình; và số tiền đó sẽ nằm trong tài khoản ngân hàng mà thôi.
Ngoài ra, cô còn vay mượn thêm từ người thân trong gia đình và bạn bè để gửi cho những kẻ tự xưng là công an nói trên.
Xiao Chen là một trong nhiều trường hợp dính bẫy lừa như vậy. Tính ra, các nạn nhân nói tiếng Trung tại Úc đã mất hơn 9 triệu Úc kim bởi các vụ lừa đảo kiểu này.
Người đứng đầu cơ quan điều tra thuộc Cảnh sát Liên bang Úc, Glen Fisher nói rằng, việc tìm kiếm thủ phạm có thể khó khăn. Ông nhấn mạnh: “Đây là những tên tội phạm chuyên nghiệp. Chúng sống bằng cách lừa đảo tiền của các nạn nhân. Đơn giản chỉ là vậy”.
Mà không chỉ tại Úc, những nạn nhân của hình thức lừa đảo này còn trải khắp toàn cầu, từ New York (Hoa Kỳ) đến New Zealand. Các nạn nhân này có điểm chung là họ đều nói tiếng Quan Thoại.
Trong một số trường hợp khác, các nạn nhân được cho biết, họ đang đối mặt với tội hình sự và sẽ bị dẫn độ về Trung Quốc.
Hay họ bị buộc phải giả vờ rằng, họ đang bị bắt cóc. Và rồi những hình ảnh của họ đang bị trói tay trói chân, bị bịt miệng sau này sẽ được dùng để tống tiền cha mẹ của họ.
Trong năm 2015, Cảnh sát Liên bang Úc đã đóng cửa một trung tâm cuộc gọi lừa đảo như vậy ở Brisbane, tiểu bang Queensland.
Trong trường hợp này, những kẻ lừa đảo là người Đài Loan còn nạn nhân của chúng đến từ Trung Quốc.
Cơ quan đầu sỏ của mạng lưới tội phạm có tổ chức này thường đóng tại Đài Loan và làm việc trong bóng tối, hòng tránh các cuộc săn lùng của cảnh sát.
Ah Wei (tên nhân vật đã được thay đổi) làm việc cho một nhóm lừa đảo kiểu như vậy, với nhiệm vụ tìm kiếm các mục tiêu để lừa đảo. Wei cho hay: “Chúng tôi muốn kiếm thật nhiều tiền trong một vụ. Kỷ lục của tôi là có ngày, tôi đã kiếm được tới 220 ngàn đô la”.
Ah Wei sống ở Đài Loan, nơi mà theo ông, không thiếu những người sẵn sàng làm những công việc kiểu như thế này. “Khi nghe nói đến số tiền có thể kiếm được mỗi ngày, dù biết đó là một trò lừa đảo, họ vẫn sẽ bất chấp”.
Giờ thì Ah Wei đã thôi làm công việc đen tối này. Ông có lời khuyên với các nạn nhân như Xiao Chen chẳng hạn: “Hãy suy xét. Bởi những kẻ lừa đảo đã thành chuyên gia rồi. Chúng rất giỏi trong chuyện lừa phỉnh”.
Xiao Chen nói rằng, bất cứ ai nhận được cuộc gọi kiểu như vậy, hãy trao đổi với gia đình và bạn bè, trước khi chuyển tiền.