Lao động đã dự tranh các cuộc bầu cử tiểu bang từ năm 1891 và có mặt trong mỗi kỳ bầu cử liên bang từ năm 1901, Lao động hãnh diện về quá trình tranh đấu cho giới công nhân.
READ MORE
Bầu cử Liên bang 2016
Đảng Lao động chính yếu là việc thành lập của các nghiệp đoàn và hơn 120 năm sau khi chào đời, đảng nầy vẫn chịu ảnh hưởng cuả các phong trào lao động rộng lớn, với các nghiệp đoàn dính líu trong các cơ cấu chính thức của đảng.
Hệ thống phe phái tả cũng như hữu, đã khuynh đảo đảng Lao động, vốn ngày càng xa rời niềm tin về lý tưởng lao động.
Phân tích gia về chính trị của đại học Monash, là ông Nick Economou cho biết, các phe phái trong đảng là điều quan trọng, để đảng hoạt động như thế nào.
"Không có chuyện gì xảy ra trong đảng Lao động, mà không có các lãnh đạo phe phái lên tiếng và trong cùng đường lối tập thể quyết định, vốn diễn ra trên mức độ phe nhóm".
"Thế nhưng họ cùng gắn kết nhau về một đường hướng chung, để tất cả đều ràng buộc vào quyết định đó, quả thật Lao động rất có kỷ luật".
Nói rộng ra, những người thuộc cánh tả xã hội được biết, theo đuổi các lý tưởng về tiến bộ xã hội hơn.
Còn cánh hữu thì có khuynh hướng tự do về mặt kinh tế và ít chú trọng đến các vấn đề xã hội.
Về mặt truyền thống, các cử tri Lao động thường được xem phần lớn là những người lao động cổ xanh, tức những lao động chân tay trong các hãng xưởng, tạo thành một lực lượng công nhân phần lớn là nam giới.
Thế nhưng đảng chịu nhiều áp lực, để mở rộng theo những lời kêu gọi, vượt ra ngoài ảnh hưởng của các phong trào nghiệp đoàn.
Bất chấp điều đó, giáo sư John Wanna thuộc Đại học Quốc gia Úc châu nói rằng, trong khi các đảng viên nồng cốt của nghiệp đoàn giảm bớt trong những năm vừa qua, ảnh hưởng của họ lại gia tăng trong số các dân biểu liên bang của đảng Lao động.
"Tôi nghĩ Quốc hội khóa rồi, chỉ có một vài người không thuộc nguồn gốc nghiệp đoàn hay là nhân viên của đảng, liên quan đến chức vụ dân biểu tại Quốc hội".
"Vì vậy ảnh hưởng của nghiệp đoàn trong đảng, trong cuộc họp đảng, tôi nghĩ ngày càng mạnh mẽ hơn, trong khi theo một cách mỉa mai và nghịch lý, ảnh hưởng của nghiệp đoàn đối với xã hội rộng lớn bên ngoài hiện giảm dần".
Một thay đổi then chốt đối với đảng Lao động, kể từ sau vụ thất cử ba năm trước đây, là việc tham dự vào hàng ngũ đảng, qua việc ứng cử chức vụ lãnh đạo đảng của ông Bill Shorten.
Mặc dù không được nhiều sự ủng hộ như dân biểu hàng ghế trước, là ông Anthony Albanese của New South Wales, ông Shorten thắng lợi trong lá phiếu giành quyền lãnh đạo đảng, nhờ sự ủng hộ của các đồng nghiệp trong Quốc hội.
"Cuộc chiến sẽ diễn ra tại Queensland và tại New South Wales, đến nay có bằng chứng cho thấy Lao động hiện phấn đấu để chiếm được các ghế tại những nơi nầy". Phân tích gia về chính trị của đại học Monash, ông Nick Economou.
Ông John Wanna nói rằng, đó quả là thời gian khó khăn cho ông Bill Shorten, một dân biểu tại Victoria và là một cựu viên chức nghiệp đoàn, khi lãnh đạo đảng sau vụ thất cử tan tác hồi năm 2013, và rồi đối phó với việc giành quyền lãnh đạo cuả đảng Tự do.
"Khi ông Shorten nắm quyền lãnh đạo, ông gặp khó khăn khi đoàn kết mọi người trong đảng".
"Họ đã mất chính quyền, và rất nhiều đảng viên bất mãn, mất tinh thần và ông còn đối phó với việc đảng Tự do trở lại qua việc lật đổ ông Abbott và mang ông Turnbull nắm quyền, sau đó là không khí phấn khởi chung quanh ông Turnbull".
"Thế nhưng trong khoảng 6 tháng qua, ông Shorten có lẽ đã đạt được khá nhiều thắng lợi và có lẽ cũng khôn ngoan nữa".
Khi ông Bill Shorten nắm giữ chức vụ cao nhất của đảng Lao động, ông nầy thừa hưởng một chính đảng bị nhiều mất mát, qua một loạt các vụ tranh giành quyền lãnh đạo trong đảng.
Lãnh đạo đảng Lao động ra đi là ông Kevin Rudd, thế nhưng đã quay trở lại để thách thức quyền lãnh đạo Thủ tướng, với bà Julia Gillard.
Cuộc nội chiến trong đảng, đã dẫn đến hậu quả đau thương, qua cuộc bầu cử liên bang vừa qua, với Liên đảng chiến thắng long trời lở đất.
Ít người nghĩ rằng ông Bill Shorten có nhiều hy vọng, để trở thành vị Thủ tướng trong 3 năm sau đó.
Thế nhưng cùng với việc mất lòng dân của ông Tony Abbott, việc thất bại của ông Malcolm Turnbull trong việc làm sống lại những mong đợi cùa người ủng hộ và sự cứng rắn của đối lập khi đề ra nghị trình về chính sách, khiến cho đảng Lao động có các hy vọng mới.
"Có một nỗi lo sợ vào một giai đoạn, là cả một vùng miền tây Sydney sẽ bị xóa sạch và đảng Lao động chỉ còn sót lại vai trò lãnh đạo mà thôi".
"Thế nhưng điều đó không xảy ra và ông Bill Shorten có khả năng làm việc với các phát ngôn nhân đối lập có nhiều tài năng, nhiều người là cựu Tổng trưởng trong chính phủ cũ, vì vậy ông ta có những lợi điểm như vậy".
Chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ là một bài toán khó khăn, khi Lao động cần một tỷ lệ cử tri chuyển sang bầu cho Lao động là 4 phần trăm, ở hầu hết các chiếc ghế bâp bênh và phải chiếm được 19 ghế, để trở lại nắm quyền ở chính trường liên bang.
Ông Nick Economou tiên đoán kết quả tranh cử của ông Bill Shorten, sẽ thiếu số ghế để thành lập chính phủ.
"Tôi hơi nghi ngờ những gì xảy ra trong cuộc bầu cử, là đảng Lao động sẽ nhận được phiếu chuyển sang bầu cho đảng nầy, và Lao động sẽ kiếm được ghế vài ghế dân biểu, thế nhưng không đủ để có thể thành lập chính phủ".
"Lao động có chiều hướng rất mạnh tại Victoria, thế nhưng lại có ít chiếc ghế bấp bênh tại tiểu bang nầy".
"Cuộc chiến sẽ diễn ra tại Queensland và tại New South Wales, đến nay có bằng chứng cho thấy Lao động hiện phấn đấu để chiếm được các ghế tại những nơi nầy".
Nếu đảng Lao động có thể tạo nên chiến thắng bất ngờ, thì chính phủ Lao động liên bang sẽ cùng nắm quyền với các chính phủ Lao động ở cấp tiểu bang, đó là Victoria, Queensland và Nam Úc.