Khi thế giới chuẩn bị bước qua năm 2020 nhà chức trách Trung Quốc báo động với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về các ca viêm phổi cấp ở Vũ Hán, mà sau được biết là do coronavirus, tên chính thức là COVID-19, gây ra.
Ban đầu chỉ lây lan bên trong Trung Quốc, nhưng vào ngày 25 tháng 1 năm 2020 Melbourne ghi nhận ca bệnh đầu tiên do một người Hoa mang vào.
Bộ trưởng Y Tế Victoria Jenny Mikakos trấn an công chúng không có lý do gì để báo động.
"Chúng ta có luật lệ nghiêm khắc để đối phó với bệnh truyền nhiễm. Chúng ta đã từng có đại dịch cúm hay SARS trong quá khứ. Hệ thống y tế của chúng ta sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh thế này."
Cùng ngày 3 người khác có kết quả dương tính với xét nghiệm coronavirus, cả ba đều từ Vũ Hán đến Sydney.
Nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu đóng cửa Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân. Hàng trăm người Úc gốc Hoa về quê ăn Tết đã bị kẹt lại.
Chính phủ Úc đã phải thuê máy bay chở họ về Christmas Island để được cách ly trong 14 ngày trước khi cho đoàn tụ với gia đình.
Bộ trưởng Nội Vụ Peter Dutton giải thích họ cần được cách ly trong 14 ngày mà ông không thể tìm đâu ra 1 bệnh viện trống ở Sydney, Melbourne hay Brisbane để có thể chứa hàng trăm người ngay một lúc, trong khi trên đảo Christmas có đầu đủ cơ sở cho việc này.
Ngày 31 tháng 1, Tổ Chức Y Tế Thế Giới công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì coronavirus.
Thủ tướng Scott Morrison khuyến cáo người Úc không đến Trung Quốc và không cho những người đến từ Trung Quốc vào Úc.
Ngày 3 tháng 2, chuyến bay đầu tiên chở người Úc kẹt ở Vũ Hán đáp xuống Christmas Island.
Đến trung tuần tháng 2, số người chết vì coronavirus ở Trung Quốc đã lên đến 1.500 người, và hơn 50.000 ca nhiễm trên toàn cầu.
Ngày 27 tháng 2, chính phủ Úc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc là trên tàu du lịch Diamond Princess, cặp bến ở Nhật. Hơn 150 hành khách trên tàu là người Úc.
Ca tử vong đầu tiên ở Úc xảy ra vào ngày 1 tháng 3, nạn nhân là một người đàn ông 78 tuổi ở Perth.
Trưởng ban Y tế của Tây Úc, Dr Andrew Robertson cho biết coronavirus đặc biệt nguy hiểm ở người cao niên.
"Chúng ta đã biết đây là một căn bệnh rất nguy hiểm, đặc biệt cho người cao niên, hay những ai đã có bệnh kinh niên. Người đàn ông vừa qua đời không may nằm trong diện này."
Qua ngày hôm sau Úc ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên lây trong cộng đồng.
Ngày 11 tnháng 3, Tổ Chức Y Tế Thế Giới công bố coronavirus là đại dịch. Nhà chức trách ở Ý và Iran vất vả chống trả.
Nhà chức trách Úc yêu cầu tất cả những ai từ nước ngoài đến Úc đều phải tự cách ly trong 14 ngày và khuyến cáo dân Úc đừng có đến bất kỳ nước nào trên thế giới.
Các biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu được áp dụng – hậu quả là nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, vô số người mất việc làm.
Ngày 12 tháng 3 chính phủ liên bang công bố ngân khoản hỗ trợ trị giá 17,6 tỉ Úc kim, mà Thủ tướng Morrison giải thích để kinh tế không bị suy thoái.
"Dịch kéo dài trong bao lâu giới chuyên môn y tế sẽ cho chúng ta biết, nhưng nó sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục. Tôi và bộ trưởng ngân khố muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp để họ có thể giữ nhân viên, duy trì kế hoạch đầu tư cho doanh nghiệp, bảo đảm họ có thể nhanh chóng phục hồi."Ngày 19 tháng 3, hơn 2.500 hành khách của tàu du lịch Ruby Princess lên bờ ở Sydney và trở thành nguồn lây nhiễm lớn nhất tại Úc.
The Ruby Princess cruise ship departs Port Kembla in Wollongong, NSW. Source: AAP
Ngày 20 tháng 3, nhà chức trách cấm toàn bộ người ngoại quốc đến Úc. Đến cuối tháng 3 tất cả nhà hàng, câu lạc bộ, nơi thời phượng, rạp hát, sòng bài và phòng thể dục dụng cụ đều đóng cửa. Nhà hàng chỉ được phép bán đem về nhà.
Vô số người mất việc phải xếp hàng xin trợ cấp thất nghiệp, như Ramey Elali.
“Tôi chỉ cảm thấy tác động của nó khi chủ của nơi tôi làm việc trong 9 năm qua là tôi phải tạm nghỉ trong chừng 3 tháng. Tôi bây giờ phải tạm thời đi tìm việc khác."
Số người dự đám cưới hay đám tang cũng bị giới hạn. Trường học lúc này vẫn mở cửa nhưng phụ huynh được khuyên nên cho con ở nhà.
Thủ hiến Victoria Daniel Andrews cho khuyến khích học sinh học từ nhà và chỉ đến trường nếu không thể làm như vậy.
"Chúng ta có khoảng 1 triệu học sinh. Chúng ta không thể để cho 1 triệu cháu đi lại ở ngoài kia mỗi ngày. Làm vậy sẽ khiến bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến các nỗ lực ngăn ngừa lâu nay của chúng ta."
Các ca nhiễm mới tăng mỗi ngày, New South Wales và Victoria là hai nơi bị nặng nhất. Tây Úc và Queensland quyết định đóng cửa biên giới.
Lần đầu tiên thánh lễ Phục Sinh được cử hành qua mạng. Sau 1 tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt, Nam Úc, Tây Úc và Queensland bắt đầu không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Ngày 13 tháng 4, Tổng trưởng Y tế Greg Hunt tuyên bố sự lây lan của coronavirus tại Úc đã thật sự chững lại.
"Thốngf kê cho thấy tử lệ các ca nhiễm mới liên tục thấp hơn 2 phần trăm mỗi ngày. Chúng ta bắt đầu thấy mức độ lây lan chững lại. Không có nghĩa là nó không bộc phát trở lại nhưng điều đó mang lại niềm hy vọng. Tôi hoàn toàn tin tưởng là chúng ta sẽ vượt qua."
Lễ Anzac Day năm nay diễn ra gọn nhẹ tại Viện Bảo tàng Chiến tranh và truyền đi trên mạng chứ không có diễu hành trên đường phố như mọi năm.
Nhà chức trách sau đó cho phép thực hiện các ca mỗ không cấp bách.
Ngày 26 tháng 4, chính phủ tung ra ứng dụng di động COVID-Safe để phát hiện và theo dõi các ca nhiễm.
Hơn 4 triệu người đã tải về và chính phủ hy vọng sẽ có khoảng 10 triệu người sử dụng để app này thực sự có kết quả.
Kể từ ngày 1 tháng 5, một số tiểu bang bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Người dân được khuyến khích đi làm xét nghiệm coronavirus, để giới hữu trách có đủ thông tin mà nới lỏng thêm nữa để cho cuộc sống có thể trở lại bình thường.