Thế hệ thứ Hai (Bài 37): Chương trình DILP cùng Hanna Tran, Albert Le và Lucy Nguyen

Các khóa sinh tham gia Chương trình Lãnh đạo Hai  Nguồn gốc.  (Supplied)

Các khóa sinh tham gia Chương trình Lãnh đạo Hai Nguồn gốc. (Supplied)

Trò chuyện với Hanna Trần, Albert Lê và Lucy Nguyễn - những khóa sinh đầu tiên của Chương trình Lãnh đạo Hai nguồn gốc.


Chương trình Lãnh đạo Hai nguồn gốc (Dual Identity Leadership Program - DILP) do Cộng đồng Người Việt Tự Do Úc Châu ở Victoria thực hiện, nhằm trợ giúp các bạn trẻ người Úc gốc Việt tìm hiểu và gánh vác vai trò lãnh đạo cộng đồng mở rộng trong tương lai.

Ban Việt ngữ Đài SBS đã có cuộc trò chuyện với Hanna Trần, Albert Lê và Lucy Nguyễn - những khóa sinh của Chương trình Lãnh đạo Hai nguồn gốc đầu tiên vào năm 2014. Sau khi tốt nghiệp, Hanna Trần và Albert Lê nay đã trở lại tham gia Ủy ban điều hành (steering committee) của DILP, còn Lucy Nguyễn thì hiện là Chủ tịch của Tổng hội Sinh viên Việt Nam Úc Châu tại Victoria (VSA).
"Tôi nghĩ một trong những thách thức lớn nhất của Thế hệ thứ Hai ở Úc là khoảng cách về ngôn ngữ. Hầu hết các bạn trẻ người Úc gốc Việt nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Tất cả chúng ta đến từ những nền tảng và thời điểm khác nhau trong những giá trị văn hóa và xã hội. Thế hệ thứ Nhất, như ba mẹ tôi chẳng hạn, thường sống nội tâm và thu mình, trong khi Thế hệ thứ Hai của chúng tôi thích khám phá, thích ra ngoài tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới lạ. Do đó, thỉnh thoảng có sự hiểu nhầm giữa hai thế hệ."
Kim Anh: "Điều gì khiến hai bạn ấn tượng nhất khi tham gia Chương trình Lãnh đạo Hai nguồn gốc?"

Albert Lê: "Trong toàn bộ chương trình, các học viên được tham quan Bảo tàng Cựu chiến binh Việt Nam, có cơ hội được nghe những câu chuyện xúc động từ các cựu chiến binh đã từng trải qua chiến tranh Việt Nam, những chuyện mà tôi chưa từng được nghe trước đây. Rất khó để chúng tôi có thể hiểu được những chuyện mà ba mẹ đã trải qua vì chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Úc. Nhờ khóa học này mà chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, không phải là những điều từ sách vở hay những thông tin tìm thấy về Chiến tranh Việt Nam qua Google. Đây là những trải nghiệm thật sự khác biệt."

"Chương trình đã giúp tôi thay đổi quan điểm cá nhân cũng như cách nhìn về cộng đồng. Tôi thoải mái hơn khi nói chuyện trước mọi người và nêu lên ý kiến của mình, cho dù là không đồng ý với quan điểm của người khác thì mình cũng tôn trọng họ. Tôi thật sự cảm kích những người làm việc thiện nguyện trong cộng đồng. Tôi học hỏi biến lời nói thành hành động."
 
Kim Anh: "Hiện giờ, cả Hanna và Albert đều đã quay trở lại tham gia Ủy ban điều hành của DILP. Hai bạn muốn mang điều gì đã được học từ DILP trở lại cho các khóa sinh tiếp theo cũng như là cộng đồng Việt ở Úc?"

Albert Lê: "Như bạn thấy đó, người Việt không thường bày tỏ ý kiến của mình mà giữ lại trong lòng, không chủ động nói tôi muốn điều này, điều nọ hay tôi muốn giúp đỡ... Tôi muốn thay đổi điều đó. Nhiều bạn trẻ không cảm thấy thoải mái khi nói lên ý kiến của mình. Nhưng bạn có biết rằng khi mình làm như vậy, mình sẽ học hỏi được rất nhiều điều. Tôi muốn thấy những điều đó trong cộng đồng, những bạn trẻ dám bước lên phía trước để đón nhận những thách thức. Tất cả những gì mà chúng tôi cần từ chương trình này là 1-2 bạn trẻ dám bước lên, và những người sẽ bước theo. Các bạn trẻ có thể học hỏi về cộng đồng, về cách để trở nên tốt hơn, và tạo nên sự khác biệt. Khi đó, cộng đồng Việt sẽ tạo nên một sự khác biệt rất lớn."

Hanna Trần: "Tôi mong muốn có thêm nhiều bạn trẻ tham gia chương trình, thêm nhiều bạn trẻ người Úc gốc Việt tiến lên nắm giữ vai trò lãnh đạo trong cộng đồng. Chương trình Lãnh đạo Hai Nguồn gốc thật sự giúp đỡ các bạn trẻ nêu cao vai trò và tiếng nói của mình, nhất là trong tương lai gần. Sự động viên và nguồn cảm hứng có vai trò rất quan trọng trong việc biến lời nói thành hành động, và chương trình này sẽ hướng dẫn các bạn làm điều đó. Như Albert đã nói trước đó, khi tiềm năng lãnh đạo của bạn được phát huy, bạn có  thể đóng góp trở lại cho cộng đồng."

Kim Anh: "Sinh ra và lớn lên ở Úc, nhưng ba mẹ các bạn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Các bạn là người Úc gốc Việt. Hanna và Albert gặp thách thức hay trở ngại gì khi mang trong mình hai nguồn gốc?"

Hanna Trần: "Tất nhiên rồi. Tôi lớn lên và gặp rất nhiều thử thách trong việc nhìn nhận nguồn gốc của mình. Trước đây, nhiều lúc tôi không biết mình nên thích ứng với nguồn gốc nào nhiều hơn, Việt hay Úc. Cho đến khi tôi bước vào tuổi 20, tôi cảm thấy thoải mái hơn với cả hai nguồn gốc của mình. Trước đó, tôi hầu như không nhận thức được nguồn gốc Việt của mình hay thật sự thừa nhận nó. Khi tham gia vào Chương trình Lãnh đạo Hai nguồn gốc, tôi gặp gỡ nhiều bạn trẻ giống mình, chúng tôi cùng chia sẻ những cảm giác và suy nghĩ giống nhau."

Albert Lê: "Tôi hoàn toàn đồng ý với Hanna. Tôi cũng cảm thấy bối rối khi rõ ràng là sẽ có một nguồn gốc nổi trội và lấn át nhiều hơn. Tôi nghĩ một trong những thách thức lớn nhất của Thế hệ thứ Hai ở Úc là khoảng cách về ngôn ngữ. Hầu hết các bạn trẻ người Úc gốc Việt nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Tất cả chúng ta đến từ những nền tảng và thời điểm khác nhau trong những giá trị văn hóa và xã hội. Thế hệ thứ Nhất, như ba mẹ tôi chẳng hạn, thường sống nội tâm và thu mình, trong khi Thế hệ thứ Hai của chúng tôi thích khám phá, thích ra ngoài tìm kiếm và trải nghiệm những điều mới lạ. Do đó, thỉnh thoảng có sự hiểu nhầm giữa hai thế hệ. Một điểm nổi bật khác của Chương trình Lãnh đạo Hai nguồn gốc là bạn có cơ hội để nói chuyện với cả thế hệ trẻ lẫn thế hệ lớn tuổi và học hỏi những thách thức đó. Chúng ta còn trẻ, còn cả con đường dài phía trước để đi, 40 năm nữa chẳng hạn, và chúng ta sẽ rút ngắn được khoảng cách này."

Share