Sẽ có không ít quý vị sau khi đi khám sức khỏe hoặc đi điều trị về, cầm trong tay tờ hóa đơn dịch vụ mà quý vị đã trả lên tới hàng ngàn đô la. Có thể quý vị sẽ đổ lỗi đó là do Medicare hoặc dịch vụ mà quý vị sử dụng đã kê giá lên quá cao, nhưng thực sự vấn đề chưa hẳn nằm ở đó.
Một phần trong cuộc điều tra về những chi phí vượt khả năng chi trả của rất nhiều người, đã kêu gọi người dân gửi cho họ những hóa đơn cũ từ việc sử dụng dịch vụ y tế, và có đến hơn 700 người đã gửi phản hồi cho cuộc điều tra.
Có một số người đã phải tự chi trả lên đến hàng chục ngàn đô la, cho dù họ đã sử dụng dịch vụ bảo hiểm tư và dịch vụ đã hỗ trợ một phần trong số đó.
Một trong những vấn đề mà cuộc điều tra đã tìm thấy, đó là việc những hóa đơn này ‘leo thang’, ở việc một bệnh nhân phải trải qua rất nhiều thủ tục, xét nghiệm và tham vấn bác sĩ chỉ để kiểm tra một bệnh.
Hóa đơn cứ thế mà càng thêm chồng chất, trong khi đó rất nhiều dịch vụ trong hóa đơn không nằm trong danh sách chi trả của bên bảo hiểm tư vì đa phần các dịch vụ đó được thực hiện bởi một đơn vị khác bên ngoài bệnh viện. Và theo luật thì những nơi đó không bao gồm trong danh sách chi trả của bảo hiểm tư.
Madonna Buiter đã phải tự chi trả căn bệnh ung thư vú của cô với chi phí lên đến $16,000 – kết quả của gần 40 xét nghiệm và thủ tục hoàn toàn khác nhau.
Người mẹ hai con này chia sẻ rằng cô và chồng đã buộc phải đem phần tiền mà họ để dành để đặt cọc nhà để bù vào khoản chi phí y tế này.
“Họ đã nói với chúng tôi rằng, ‘Ồ, anh chị có thể đi lòng vòng tìm hiểu xem có bác sĩ phẫu thuật nào rẻ hơn thì dùng dịch vụ của họ’,” cô Buiter đã kể với Four Corners.
“Nghe lý thuyết suông thì có vẻ tuyệt đấy, nhưng khi đặt vào hoàn cảnh của tôi lúc này tôi mới dám nói, giả sử khi bạn được chuẩn đoán và phát hiện mình bị ung thư vú, và bạn cần phẫu thuật càng sớm càng tốt. Tôi không rõ là việc tìm lòng vòng như thế là thực tế hoặc nó có hợp lý về mặt thời gian hay không.”
Cô Builter đã nói rằng rất khó để cô hình dung được tổng chi phí mà cô phải tự bỏ ra để trả và dịch vụ bảo hiểm tư của cô thì hoàn toàn chẳng giúp được gì nhiều.
“Chạy lòng vòng từ bác sĩ này tới bác sĩ khác…cho tới khi tôi thực sự đặt được một cuộc phẫu thuật, thì họ lại không cho tôi biết, thậm chí đến tận cái thuốc gây mê mà họ sẽ sử dụng cho tôi là gì, họ cũng không nói. Nên tôi không thể biết họ sẽ tính phí bao nhiêu cho tôi nữa,” cô nói.
Những chi phí ẩn
Source: Pixabay
Nhiều bác sĩ phẫu thuật sẽ được hoàn trả mức phí cao hơn từ các quỹ y tế, nếu như họ đồng ký vào hợp đồng chấp nhận việc không thu các khoảng chi phí lặt vặt khác. Chính vì vậy mà chi phí để đặt lịch hẹn là một hình thức lừa đảo, đi ngược lại với thỏa thuận trên.
Mức phí đặt lịch hẹn cao nhất mà Four Corners phát hiện ra lên tới $6,000.
“Những phí đặt lịch hẹn hay những chi phí nằm ngoài việc chi trả cho cuộc phẫu thuật, thực chất đều bất hợp pháp, chúng không được phép áp dụng và sẽ hoàn toàn vô đạo đức nếu thu những phí đó từ bệnh nhân,” ông John Batten – Chủ tịch Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Úc đã chia sẻ với Four Corners.
Four Corners khuyến cáo bệnh nhân lên trình báo những nơi nào có tính phí đặt lịch hẹn.
“Nếu như bệnh nhân phát hiện có những khoản phí tương tự xuất hiện trong báo giá hoặc hóa đơn, họ cần thiết phải hỏi bác sĩ là những chi phí đó dùng vào mục đích gì, và nó có liên quan gì với dịch vụ y tế, và nếu như họ không nhận được câu trả lời thỏa đáng thì họ không nên chi trả những khoản đó, và phải thảo luận với quỹ y tế mà họ sử dụng,” Rachel David – Giám đốc điều hành Private Healthcare Australia cho biết.
Lỗi này thuộc về ai?
Hầu hết những người mà chúng tôi hỏi chuyện đều không muốn đổ lỗi cho bác sĩ phẫu thuật của họ về những chi phí đó, tuy nhiên chuyên gia về các chính sách liên quan đến sức khỏe đều xác nhận rằng các bác sĩ phẫu thuật đó mới thực sự là người mà chúng ta nên nhắm đến.
Terry Barnes là một trong những nhân viên tư vấn các chính sách này, đã từng là cố vấn cho hai Tổng trưởng Y tế, trong đó có Tony Abbott. Ông nói rằng các dịch vụ bảo hiểm sức khỏe là những mục tiêu dễ dàng bị nhắm đến.
“Họ luôn có vấn đề về mặt PR (hình ảnh thương hiệu), vì họ luôn được xem là những ‘kẻ xấu’, dĩ nhiên là họ quá ‘thuận tiện’ để trở thành ‘kẻ xấu’ vì sản phẩm mà họ bán ra không hề phổ biến. Nhưng thực ra là nó phổ biến hệt như cái đánh rắm trong thang máy,” ông nói.
“Những đơn vị cung cấp dịch vụ y tế thì lại được xem như những vị thánh trong chiếc áo trắng.”
Giám đốc Sức Khỏe của học viện Grattan – Stephen Duckett cho biết, một số bác sĩ phẫu thuật đã áp dụng những mức phí vượt quá sức tưởng tượng.
“Bác sĩ có quyền tính bất kì loại phí nào mà họ muốn. Điều đó gần như là bất khả kháng đối với những công ty bảo hiểm, rất khó để họ lập ra những gói bảo hiểm cao cấp, bao gồm cả những chi phí bất thường mà bác sĩ kê,” ông nói.
Một trong những vấn đề đó là vào thập niên 1940, một trong những hiến pháp đã được sửa đổi, trong đó cấm các bác sĩ tính phí theo mức quy định.
Vậy chúng ta phải làm gì bây giờ?
Điều cần phải làm là quý vị nên thảo luận với GP nếu họ biết thông tin về những khoảng phí cụ thể nào, cũng như họ có thể giới thiệu những chuyên viên nào uy tín.
Không hề có mối liên kết nào giữa độ mắc của chi phí và tay nghề của bác sĩ, nên quý vị nên hỏi để được giới thiệu tới những bác sĩ phẫu thuật áp dụng những chương trình không tính các chi phí lặt vặt.
Nếu như bác sĩ yêu cầu quý vị phải làm các xét nghiệm không nằm trong danh mục hỗ trợ của Medicare, quý vị nên hỏi mục đích của xét nghiệm này là gì và nó có ảnh hưởng thế nào đến quá trình điều trị của quý vị.
Khi trò chuyện với chuyên viên, đặc biệt là sau khi đã thảo luận về kế hoạch điều trị, quý vị cần thiết phải hỏi về các chi phí.
Đừng cảm thấy ngại khi đề cập đến những vấn đề đó, thậm chí là cả những khoảng phí mà quý vị cảm thấy không hiểu hay không rõ ràng, cần phải hỏi ngay để nhận được lời giải thích từ chuyên viên. Nếu quý vị cảm thấy không thể kham nổi mức phí đó thì cũng đừng ngại mà phải nêu lên để có thể thảo luận với họ.
Hầu hết các bác sĩ phẫu thuật sẽ chịu điều chỉnh mức phí nếu như họ biết bệnh nhân của mình gặp vấn đề về tài chính.
Các bác sĩ phẫu thuật cũng làm kinh doanh, và những chi phí đó là cách mà họ kiếm tiền, nên hãy xem đó là một cuộc mua bán, và mọi thứ cần phải đặt lên bàn cân để thảo luận.
Từ chối ngay lập tức những chi phí đặt lịch hẹn, phí quản lý, phí điều dưỡng hay bất kì phí nào chẳng hề liên quan đến quỹ y tế mà quý vị sử dụng.
Quý vị cũng có thể tìm đến những tư vấn viên về các chính sách y tế để được hỗ trợ.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại